EVN muốn vay không cần bảo lãnh chính phủ: Ai trả nợ?

25/03/2017 09:06

Dù EVN được vay không cần bảo lãnh chính phủ, trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, Nhà nước vẫn phải đứng ra gánh vác.

Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) trước việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mong muốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay trực tiếp, không cần bảo lãnh chính phủ.

PV: - Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 22/3, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bày tỏ mong muốn WB cho vay trực tiếp, không cần bảo lãnh chính phủ, sau đó EVN tự huy động vốn trên thị trường để triển khai dự án.

Trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu các DNNN phải tự huy động vốn và không còn bảo lãnh, ông đánh giá như thế nào về đề xuất của EVN? Theo ông dự đoán, EVN có những tính toán thế nào khi đưa ra đề xuất như vậy?

 Tính đến cuối năm 2015, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 26 tỷ USD, trong đó EVN chiếm tới gần 10 tỷ USD, trong khi số tiền trả nợ đạt gần 3,9 tỷ USD
Tính đến cuối năm 2015, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 26 tỷ USD, trong đó EVN chiếm tới gần 10 tỷ USD, trong khi số tiền trả nợ đạt gần 3,9 tỷ USD)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Các chủ thể cho vay thường không tin tưởng vào uy tín, khả năng tài chính của người vay nên mới yêu cầu có người đứng ra bảo lãnh. Người bảo lãnh đòi hỏi phải có uy tín và năng lực tài chính mới được chủ thể cho vay chấp thuận. Chính vì thế, chủ thể cho vay thường yêu cầu Chính phủ đứng ra bảo lãnh.

Như vậy, việc EVN đề nghị WB cho vay trực tiếp là bài toán rất khó và đây chỉ là đề nghị của EVN. Còn chủ thể cho vay phải tính toán xem xét, cân nhắc xem EVN có gì thế chấp được? Khả năng trả nợ thế nào? Lịch sử vay nợ và thanh toán nợ của doanh nghiệp ra sao?...

Trong trường hơp này, EVN sẽ đàm phán vay như một chủ thể thương mại trên thị trường và nếu WB có cho vay cũng chỉ là cho vay thương mại chứ không phải cho vay ưu đãi, lãi suất đề ra sẽ phù hợp với rủi ro mà người cho vay phải gánh chịu.

PV: - Trả lời về đề xuất này của EVN, đại diện WB cho biết đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho EVN trong điều kiện Chính phủ không còn bảo lãnh vay vốn. Điều này thể hiện thiện chí hay sự tin tưởng của WB vào cách thức vay mới này hay còn vì lý do nào khác? Trong trường hợp WB tạo một ngoại lệ cho Việt Nam, theo ông, có phải là điều đáng mừng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - WB biết rằng EVN đặt vấn đề vay thương mại cho nên họ trả lời như vậy. Như đã nói ở trên, tổ chức này sẽ xem xét EVN có đảm bảo các điều kiện vay hay không? có tài sản thế chấp không? khả năng thanh toán thế nào? lãi suất phải chịu là bao nhiêu, có phù hợp với rủi ro mà chủ thể cho vay phải gánh chịu không?...

Như vậy, nếu có, họ sẽ xem xét cho EVN vay như 1 chủ thể bình thường, vay thương mại chứ không cho vay ưu đãi.

WB có Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thường cho doanh nghiệp của các quốc gia đang và chậm phát triển vay. Các doanh nghiệp này có thể được vay ưu đãi và IFC có thể mua cổ phần của các công ty thuộc những ngành nghề mới, lĩnh vực mới, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, giúp chúng tồn tại và phát triển nhằm phát triển kinh tế tư nhân, đảm bảo sự cân bằng của một nền kinh tế.

Trong trường hợp này, IFC có thể xem xét cho EVN vay ưu đãi vì dù sao EVN cũng có nét đặc biệt, chẳng hạn, tạo ra nguyên liệu đầu vào cho nền sản xuất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vay ưu đãi trong trường hợp này cũng chỉ là vay với lãi suất rẻ hơn so với lãi suất trên thị trường. Nó còn tùy thuộc vào IFC xem xét EVN có thực sự là doanh nghiệp nằm trong dạng được vay ưu đãi hay không và cái khó là IFC thường cho doanh nghiệp tư nhân vay chứ không phải là cho DNNN vay.

Tạo ra ngoại lệ chắc chắn là vấn đề rất khó với WB vì đây là tổ chức tài chính quốc tế. Nếu tạo ra ngoại lệ với nước này thì cũng có thể tạo ra ngoại lệ với nước khác và phát sinh nhiều vấn đề sau đó phải giải quyết.

Trong chừng mực nhất định có thể hy vọng WB sẽ tạo ra ngoại lệ với EVN vì bản thân họ có thể coi đây là cú hích, một bước góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa ngành điện Việt Nam, phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

PV: - EVN muốn vay nợ không qua bảo lãnh chính phủ, tức sẽ theo cơ chế tự vay tự trả, nhưng EVN lại là DNNN. Khi cho ý kiến về Luật Quản lý nợ công sửa đổi vừa qua, một số ĐBQH băn khoăn, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên về bản chất Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm các khoản nợ này trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Thưa ông, như vậy có nên khuyến khích EVN thực hiện cơ chế vay không bảo lãnh hay không? Trong trường hợp EVN không trả được nợ, ai sẽ trả nợ thay cho doanh nghiệp này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Đã là DNNN thì khi không trả được nợ Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay, đó là nguyên tắc.

Ở Việt Nam, một số ý kiến cho rằng có thể cho doanh nghiệp phá sản và chỉ chịu trách nhiệm phần nào đó thôi. Nếu thế, một là phải chuyển doanh nghiệp đó sang công ty TNHH MTV hoặc công ty cổ phần và anh sẽ chịu trách nhiệm đến phần vốn mà anh bỏ ra. Nhưng mếu công ty TNHH MTV mà toàn bộ là vốn Nhà nước thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm cho số vốn đó.

Nếu cộng nợ của DNDN vào nợ công, chắc chắn nợ công sẽ tăng vọt, bởi thế mới có ý kiến đề xuất như trên.

Nguyên tắc ở trên thế giới cũng như vậy. Chính vì thế, từ rất lâu các chuyên gia kinh tế đã đề nghị phải thực hiện cổ phần hóa, tư nhân hóa doanh nghiệp vì đã là DNNN thì phải tuân thủ các nguyên tắc mà thị trường tài chính quốc tế áp dụng với DNNN.

Trở lại với đề xuất của EVN, cần phải cân nhắc vì trong trường hợp doanh nghiệp này không trả nợ được thì Nhà nước vẫn phải đứng ra trả nợ vì bản chất EVN vẫn mang 100% vốn Nhà nước.

PV: - Nếu EVN tạo ra được tiền lệ, điều đó sẽ tác động ra sao đến các doanh nghiệp khác cũng như nợ công của đất nước? Liệu sẽ có những trường hợp xin vay không bảo lãnh tạo áp lực lớn hơn tới nợ vay chung của quốc gia hay không?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - EVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, WB là tổ chức tài chính quốc tế có cơ chế hoạt động tài chính cực kỳ chặt chẽ, nên nếu EVN được WB cho vay thì rất nhiều doanh nghiệp tự vay tự trả được. Nó mở ra trào lưu cho các DNNN nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung có thể vay mượn một cách dễ dàng trên thị trường tài chính quốc tế. Như thế, gánh nặng nợ công cũng sẽ giảm đi.

Cần lưu ý rằng, một khi đã vay nợ thì nó không vào khu vực này cũng sẽ vào khu vực kia. Nợ vay nếu không tính vào nợ công thì vào nợ vay quốc gia, mà nợ vay quốc gia là một vấn đề lớn trong hoạt động kinh tế của đất nước, có vay thì phải có trả, khi đã vay nợ mà không trả được nợ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả.

Từ những năm 1997-1998 đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân trên thế giới vay nợ theo hình thức tự vay tự trả, đặc biệt là ở Thái Lan. Nhưng khi họ không trả được nợ vay cho các chủ thể nước ngoài thì các chủ thể cho vay sẽ kết hợp với các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước chủ thể cho vay để gây sức ép, buộc chính phủ của chủ thể đi vay phải nhận nợ thay cho các chủ thể đi vay của nước đó. Sau đó các chủ thể đi vay với chính phủ nước đi vay tự xử lý với nhau. Cuối cùng, việc vỡ nợ, phá sản là việc chung và chính phủ nước đó phải gánh chịu.

Từ bài học khủng hoảng châu Á năm 1997-1998, người ta đã phải đưa các hoạt động vay nợ quốc tế của khu vực tư nhân vào tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nợ quốc gia và cơ quan này phải quản lý toàn bộ cả nợ vay khu vực công lẫn nợ vay khu vực tư nhân.

Do đó, nếu Việt Nam mở rộng hoạt động cho vay quốc tế để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư thì rất tốt nhưng các cơ quan quản lý nợ của Chính phủ phải quản lý được nợ vay đó và như đã có tiền lệ, khi có khủng hoảng nợ xảy ra, thông thường các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ của các chủ nợ sẽ cùng các chủ nợ đứng vào một phía buộc chính phủ của nước có con nợ đứng ra nhận nợ thay. Như vậy, cuối cùng nợ vay vẫn đổ lên đầu chính phủ.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "EVN muốn vay không cần bảo lãnh chính phủ: Ai trả nợ?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin