Dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra và Luật Phòng, chống rửa tiền có những điểm mới nào ?

08/09/2022 10:17

(Pháp lý) - Trong hai ngày 7 và 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến đối với 06 dự án Luật quan trọng, trong đó có Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; ….Các Dự án Luật này, trước đó cũng đã được nhiều cơ quan ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia ý kiến. Vậy trong các dự thảo trình Hội nghị ĐBQH lần này có điểm mới nào ?

Sửa đổi Luật Thanh tra : Cần khắc phục tình trạng thanh tra chồng chéo

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 lấy ý kiến về thẩm tra dự án Luật Thanh tra sửa đổi

Mô hình các cơ quan thanh tra trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở.

Dự thảo Luật đưa ra những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra. Theo đó kiểm tra là hoạt động thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan nhà nước. Thanh tra là hoạt động được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (thanh tra đột xuất) hoặc các lĩnh vực, đối tượng được nhận định là có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật thông qua công tác quản lý được xác định trong kế hoạch thanh tra hằng năm. Trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không duy trì tổ chức Thanh tra huyện. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi): Mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) sửa đổi gồm 4 chương, 54 điều, trong đó bổ sung mới 9 điều; sửa đổi 43 điều và hủy bỏ 7 điều; giữ nguyên 2 điều theo quy định của Luật PCRT 2012. Dự thảo Luật kế thừa và bổ sung mới quy định về đối tượng báo cáo PCRT tại Luật PCRT năm 2012. Theo đó, ngoài các đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo, như các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng … phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, đây là hai hoạt động mới và khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này hiện mới đang trong giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện. Tuy nhiên, đây là những hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao. Dự thảo Luật bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, theo đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý về PCRT đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới, dự thảo Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với tất cả các sản phẩm dịch vụ sử dụng công nghệ mới hiện có và trước khi đưa vào sử dụng hoặc kinh doanh.

Tuy nhiên vẫn còn ý kiến khác biệt về sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian báo cáo giao dịch đáng ngờ; phạm vi báo cáo các loại giao dịch; tiêu chí xác định; căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ tội phạm trong dự thảo cũng chưa rõ ràng; hay thế nào được coi là “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm” ?

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Khẳng định vị thế của người dân

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng nhằm thể chế hóa phương châm của Đảng: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ; giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội.

Xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khẳng định vị thế của người dân và bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân

Để cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ trên của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật quy định về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn và trong nội bộ cơ quan, đơn vị bằng các các hình thức như: Lấy ý kiến nhân dân, đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin ở cấp xã, phường, thị trấn; quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và giám sát tại doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định, người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp…

Tuy nhiên Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (dự thảo) vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, đó là: Khái niệm “lợi ích cộng đồng” được hiểu là những lợi ích như thế nào; ai là người đại diện cho “cộng đồng dân cư” và “cơ chế” bảo vệ như thế nào thì dự thảo Luật không đề cập; nhiều nội dung trong các điều luật dự thảo còn chung chung mang tính khẩu hiệu… 

Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi): Tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó về nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép.

Ảnh minh họa

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng. Bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp...

Mặc dù vậy, những nội dung điều luật điều chỉnh còn ý kiến băn khoăn, như: Khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước

VŨ LÊ MINH (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo sửa đổi Luật Thanh tra và Luật Phòng, chống rửa tiền có những điểm mới nào ?" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin