(Pháp lý) - Mặc dù việc tuyên bố đắc cử của ông Joe Biden chưa được Tổng thống Mỹ đương nhiệm thừa nhận. Tuy nhiên cả thế giới đang dõi theo những động thái của người đứng đầu Nhà trắng tương lai. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia pháp lý , chuyên gia kinh tế và các hãng thông tấn lớn, sau đây PV Pháp lý tổng hợp lại những dự đoán về quyết sách đối nội và đối ngoại 100 ngày đầu của ông Biden…
Ưu tiên hàng đầu là kiểm soát đại dịch COVID-19
Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hôm 8/11, tại TP.Wilmington, bang Delaware, ông Joe Biden tiếp tục tái khẳng định, ưu tiên hàng đầu về chính sách đối nội của nội các mới là ưu tiên giải quyết đại dịch Covid-19.
Nước Mỹ đã tổn thất quả nặng nề với đại dịch Covid -19, với hơn 9,8 triệu người Mỹ đã bị nhiễm Covid-19, trong đó hơn 237.000 người tử vong (tính đến 8/11). Đại dịch tác động sâu rộng đến mọi ngóc ngách xã hội Mỹ, khiến hàng triệu người mất việc làm… Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà một tân Tổng thống phải đối diện, kể từ năm 1933, khi ông Franklin D.Roosevelt nhậm chức tổng thống, theo AP.
Trước đó hồi tháng 7, trong cuộc đua vào Nhà trắng, ông Biden đã công khai tuyên bố, ngay trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khôi phục vai trò lãnh đạo của nước Mỹ đối với tổ chức này trên trường thế giới. Ông cho rằng, người dân Mỹ an toàn hơn khi nước Mỹ tham gia vào việc tăng cường hệ thống y tế toàn cầu.
"Tôi không chạy theo lời hứa hão huyền về việc có thể chấm dứt đại dịch này bằng một nút bấm. Điều tôi có thể hứa với các bạn là chúng ta sẽ làm điều đúng đắn bắt đầu từ ngày đầu tiên tôi làm Tổng thống. Chúng ta sẽ để khoa học hướng dẫn các quyết định của chúng ta" - ông Biden tuyên bố.
Để thực hiện cam kết trên, ông Biden hứa dưới thời chính quyền tương lai sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua gói hỗ trợ lớn cho chương trình y tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trụ vững trong thời gian đại dịch. Theo đó thành lập một quan hệ đối tác công - tư mới được gọi là “hội đồng xét nghiệm đại dịch”; và thành lập lực lượng 100.000 nhân viên phụ trách truy vết người nghi nhiễm. Cùng với nỗ lực đó, chính quyền tương lai sẽ bắt buộc người dân Mỹ phải đeo khẩu trang để phòng dịch; và sẽ được cung cấp miễn phí xét nghiệm, thuốc điều trị và vắc xin ngừa COVID-19…
Khôi phục kinh tế: Ưu tiên mua hàng Mỹ, các tập đoàn lớn và giới siêu giàu phải nộp thuế công bằng
Ngoài việc ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, ông Joe Biden khẳng định: Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ đảm bảo rằng nước Mỹ không chỉ phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế mà còn xây dựng trở lại tốt hơn trước, “tạo ra một nền kinh tế mà tất cả mọi người đều được tham gia”.
Trước hết, ông Joe Biden cam kết sẽ hủy bỏ nhiều khoản cắt giảm thuế mà ông Trump đã kí thành luật đối với các tập đoàn với giới nhà giàu. Trong đó, không tăng thuế đối với bất kỳ ai kiếm được dưới 400.000 USD một năm; nhưng sẽ khiến các tập đoàn lớn và những người siêu giàu phải nộp thuế công bằng. Toàn bộ số tiền đó sẽ được sử dụng để giúp đỡ các trường học và doanh nghiệp nhỏ, mang lại cho các nhà giáo dục và những người lao động thiết yếu mức lương xứng đáng, đồng thời làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già hợp lý hơn cho mọi người.
Để giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, góp phần phục hồi kinh tế hậu suy thoái, ông Biden cam kết sẽ thực thi kế hoạch Mua hàng Mỹ, bằng việc buộc các cơ quan Chính phủ mua hàng hóa và dịch vụ do các công ty Mỹ sản xuất. Ông Joe Biden nói sẽ yêu cầu sử dụng 600 tỉ USD sức mua hàng năm của Chính phủ liên bang cho các công ty Mỹ có công nhân Mỹ, với chuỗi cung ứng ở khắp các thành phố của Mỹ.
Tổng thống Mỹ tương lai còn hứa hẹn sẽ tăng cường thực thi các chính sách thuế hiện có và nhanh chóng củng cố quyền công đoàn của công nhân Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, những thay đổi về chính sách kinh tế mà ông Biden mong muốn nói trên cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Hay nói cách khác, ông Biden có thể đạt được mục đích nếu các khoản chi tiêu ngân sách sẽ được Quốc hội Mỹ phê duyệt sẽ được thông qua.
“Chúng tôi sẽ xây dựng lại đường sá, cầu cảng bằng thép của Mỹ. Chúng tôi sẽ xây dựng lại các trường học đổ nát và xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà giá rẻ mới với công nhân Mỹ. Chúng tôi sẽ loại bỏ các lỗ hổng về thuế của ông Trump khuyến khích các công ty chuyển việc ra nước ngoài và tạo ra một tương lai thực sự ở Mỹ. Phân tích của Moody dự đoán rằng kế hoạch của tôi sẽ tạo ra thêm 7 triệu việc làm và tăng trưởng kinh tế hơn 1 nghìn tỉ USD so với đề xuất của Tổng thống Trump” - Ngày 01/11/2020, ứng viên Joe Biden kêu gọi cử tri bỏ phiếu để ông trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Quan hệ quốc tế: Tái thực hiện chính sách đối ngoại truyền thống thời hậu Chiến tranh thế giới thứ 2
Trong suốt quá trình tranh cử, ông Biden đã công khai tiết lộ về chính sách đối ngoại mà ông sẽ thực hiện nếu đắc cử. Đó là, ông sẽ quay trở lại chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Cụ thể là ông sẽ nhanh chóng tham gia trở lại Hiệp định Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu; khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran; hợp tác với các nước khác trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và tiếp tục để Mỹ hỗ trợ các đồng minh.
1. Tờ FT nhận định, ông Biden có thể sẽ là một tổng thống Mỹ theo “chủ nghĩa Đại Tây Dương” mạnh mẽ nhất trong 100 năm trở lại đây. Bởi, vị chính khách 77 tuổi sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Ireland (quốc gia Bắc Âu), và ông luôn tự hào về điều này.
Vì vậy rất có thể sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ hàn gắn lại mối quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU), ủng hộ mạnh mẽ liên minh quân sự Mỹ - NATO. Tờ này cho biết, ông Biden từng phản đối mạnh mẽ những chính sách “thù địch công khai” của ông Trump đối với EU. Sẽ không lạ nếu ông Biden thực hiện những chính sách xích lại gần hơn với khối này. Tuy nhiên, vấn đề mà chính quyền mới đối mặt sẽ không đơn giản, đơn cử như những bất đồng trong việc đánh thuế các công ty công nghệ lớn hay trợ cấp hàng không.
2. Về vấn đề khu vực Trung Đông, nếu Tehran đồng ý tiếp tục tuân thủ hiệp định đa phương, rất có thể ông Biden sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran – thỏa thuận mà ông Trump đã rút khỏi trước đó, nhằm kìm hãm tham vọng hạt nhân của nước này. Đồng thời, sẽ thiết lập lại quan hệ với Saudi Arabia. Tuy nhiên cũng giống như Tổng thống Trump, ông Biden muốn chấm dứt cuộc chiến “vô thời hạn” và dành ít sự quan tâm của nước Mỹ hơn cho Trung Đông.
3. Giữa ông Biden và ông Trump có sự tương đồng về chính sách thương mại toàn cầu. Hay nói cách khác, ông Biden cũng có khuynh hướng bảo hộ giống như ông Trump. Ông Biden đã từng đề xuất các cơ quan cấp liên bang chỉ được mua và dùng những sản phẩm, dịch vụ của nước Mỹ, đồng thời đánh thêm thuế nhằm vào các công ty Mỹ muốn chuyển sản xuất và việc làm ra nước ngoài.
Cũng như Tổng thống Trump, ông Biden cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần phải được cải tổ và nâng cao khả năng đối phó với “các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc”. Tuy nhiên ông Biden sẽ khó có khả năng lặp lại các đòn thuế quan mà ông Trump đã làm trước đó. Và tuỳ vào diễn biến cuộc chiến, ông Biden có thể sẽ có những chính sách cụ thể sau đó, phù hợp với quan điểm “cứng rắn với Trung Quốc” của ông và của cả lưỡng viện Mỹ.
Vấn đề Châu Á và Biển Đông: Không thay đổi đáng kể, nếu có chỉ là cách tiếp cận
1. Trước hết với quan hệ Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề. Dù đã đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một, thuế suất Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức trung bình 19,3%, cao gấp 6 lần so với trước khi xung đột bắt đầu vào năm 2018. Trong khi đó, thuế suất trung bình Trung Quốc áp lên hàng nhập khẩu Mỹ là 20,3%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, dù ông Bieden đắc cử tổng thống thì quan hệ hai nước sẽ khó quay trở lại tình trạng như trước năm 2016. Lý do, quan hệ Trung - Mỹ đã vượt qua ngưỡng quay đầu, không còn tùy thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân nữa. Trong khi đó quan điểm chính trị của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều khá giống nhau về một giải pháp cứng rắn và mạnh mẽ với Trung Quốc. Do đó người lãnh đạo hành pháp của nước Mỹ sắp tới nếu muốn được sự hậu thuẫn của hai đảng ở cơ quan lập pháp trong một số chính sách đối nội thì cần phải mạnh mẽ với Trung Quốc ở chính sách đối ngoại.
Thay vì giống với cựu Tổng thống Barack Obama, trong quá trình tranh cử, lập trường của ông Biden về Trung Quốc có vẻ khá gần với của ông Trump. Theo đó các nhà phân tích cho rằng, cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump sẽ kéo dài kể cả dưới thời một tổng thống thuộc Đảng Dân chủ. Ông Biden có thể cũng sẽ sử dụng một số chiến thuật tương tự như của chính quyền Tổng thống Trump đối với các ông lớn công nghệ Trung Quốc (như Huawei và TikTok), như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng cách thực hiện sẽ rất khác, ông Kennedy nhận định.
Nếu đắc cử, ông Biden cũng sẽ kế thừa thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc với những cam kết chưa được thực hiện của Bắc Kinh và mối quan hệ thương mại bị lung lay với Châu Á do ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cựu quyền Phó đại diện Thương mại Mỹ, phụ trách khu vực Châu Á - bà Wendy Cutler mới đây chia sẻ với báo The Guardian: “Dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trên nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, địa chiến lược,…trong các năm tới”.
2. Trong quá trình tranh cử, ông Biden hầu như không nhắc đến CPTPP - hiệp định được chính quyền cựu Tổng thống Obama ủng hộ. Thay vào đó, ông cho rằng Mỹ cần đầu tư nhiều hơn ở trong nước trước khi thực hiện các thỏa thuận thương mại lớn.
Tuy nhiên theo quan sát của Đại sứ Phạm Quang Vinh hình dung, ông Biden sẽ không theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Trump mà thiên hơn về tái cân bằng thời Obama. Nhưng nếu chỉ tái cân bằng lại không phù hợp với một nước Mỹ đã khác và tình hình khu vực đã khác. Trong khi đó GS Phạm Quang Minh cho rằng, nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 thì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là vấn đề mà tổng thống mới cũng sẽ xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp. Riêng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì tương lai của bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) có thể mở rộng hơn. Và đấy là cơ hội cho sự hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực.
Về chuyện Biển Đông, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, bất cứ Tổng thống Mỹ nào nắm quyền thì nước Mỹ luôn có hai vấn đề thuộc giá trị lợi ích. Đó là tự do hàng hải, là vị trí nước Mỹ ở khu vực này. Ai lên, cách tiếp cận như nào cũng vậy. Nếu cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng sẽ thêm hương vị cho địa vị nước Mỹ muốn bảo đảm ở đây. Bởi vấn đề không còn nằm ở vai trò của hai cá nhân ứng viên, mà nước Mỹ bây giờ coi Trung Quốc là thách thức toàn cầu và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Kinh tế Việt Nam chịu sự tác động như thế nào từ chính sách của Biden?
Việt Nam là quốc gia nằm ở cửa ngõ đi vào Châu Á từ Thái Bình Dương và gần đây trở thành tâm điểm chú ý trong chính sách của các nước, trong đó có Mỹ. Với lợi thế đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, dưới thời Joe Biden, Mỹ quay lại TPP và các chính sách thương mại với Việt Nam sẽ phù hợp hơn.
25 năm qua cả hai nước Việt – Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Chừng ấy thời gian, nước Mỹ cũng đã trải qua 4 đời tổng thống với sự luân phiên “đổi màu” giữa Đảng Dân chủ và Cộng hoà nhưng hai nước vẫn đạt được sự xuyên suốt trong khuôn khổ về quan hệ Đối tác toàn diện với 9 trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế…
Có thể thấy, từ thời Tổng thống Obama, hướng xoay trục của Mỹ là từ Đông Tây Dương sang Châu Á- Thái Bình Dương và điều đó không thay đổi tới nay. Vì thế, Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong trật tự mới này.
Chia sẻ với VnExpress, ông Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Indiana (Mỹ) đánh giá, các chính sách của Mỹ dưới thời Biden sẽ “thuận lợi hơn với Việt Nam”. Nhận định này được ông đưa ra từ quan điểm cởi mở của Biden về tự do thương mại. Khác với Trump, khi tranh cử, Biden cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu, giảm bớt các chính sách bảo hộ. "Biden ủng hộ việc khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Hiệp định này có rất nhiều ưu đãi cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam", ông Hải Anh nói.
Trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng và đạt hơn 62 tỷ USD vào 10 tháng đầu năm, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với USD trong năm 2019. “Biden vẫn quan tâm đến thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ ở các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng không đi theo hướng gây nhiều áp lực như Trump”, ông Michael Piro, COO Indochina Capital nhận định. Hay nói cách khác, cách xử lý của Biden sẽ khéo léo hơn.
Mặt khác, chính sách thương mại và đối ngoại của Đảng Dân chủ có sự mềm mỏng và ôn hoà hơn so với chính sách “American first” (Nước Mỹ trên hết) của Trump. Do đó, theo các chuyên gia, quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi mà còn có thể có những ưu đãi nhất định. Mỹ cần một đồng minh với lợi thế địa chính trị như Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Thương chiến và Covid-19 vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Sự kết hợp của hai yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư ngược trở lại nước sở tại, bao gồm các doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có tân tổng thống.
MINH TRUNG (tổng hợp)