Bày tỏ mối trăn trở trước tình trạng lãng phí, tham nhũng trong phân bổ vốn đầu tư, đề nghị gắn trách nhiệm (cả về kinh tế và hình sự) của người quyết định đầu tư (bao gồm cả cán bộ nghỉ hưu) với hiệu quả dự án, các đại biểu đồng thời cũng chỉ ra hàng loạt “lỗ hổng” gây thất thoát tại các dự án BOT, BT.
Chất vấn về đầu tư trong lĩnh vực giao thông, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đã đề nghị cho biết trách nhiệm của Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước thực trạng hầu hết các dự án BOT giao thông đều áp dụng hình thức chỉ định thầu, dẫn đến thiếu minh bạch.
Ông Đồng muốn biết hai bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh trong đầu tư công và các hợp đồng BOT?
Thừa nhận đây là mối quan tâm rất lớn của xã hội trong thời gian qua, tuy nhiên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lại không nêu rõ lý do phần lớn dự án được chỉ định thầu mà cho biết sẽ có kết luận đầy đủ vào tháng 8 tới theo chương trình giám sát của Thường vụ Quốc hội.
Ông cũng khẳng định “đã có những kiến nghị” song sẽ được nêu tại các kết luận của Thường vụ Quốc hội. “Theo tôi nghĩ lúc đó sẽ đầy đủ, khách quan và việc triển khai tiếp tục của chúng ta sẽ thuận lợi hơn”, Bộ trưởng Nghĩa nói..
Về một hình thức đầu tư khác là BT, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) phản ánh, qua quá trình triển khai có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất được quy định trong Quyết định 23/2015.
Theo đó, thời điểm thanh toán của dự án BT cho nhà đầu tư được tính tại thời điểm ban hành quyết định giao đất. “Tức là được thanh toán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá đất khi dự án BT được hoàn thành, điều này làm thất thoát quỹ đất rất lớn”, ông Hiền nhận xét
Theo vị đại biểu, để xảy ra tình trạng này có nguyên nhân từ khung pháp lý về đầu tư theo hình thức BT chưa rõ ràng, Nghị định 15 quy định không đầy đủ và các văn bản khác không đề cập rõ. Ông Hiền đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời liệu có đưa vấn đề này ra để xem xét, sửa đổi hay không?
Cho biết “hoàn toàn đồng ý” với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cũng đã thấy được vấn đề và đang trong quá trình nghiên cứu để xem xét và sửa đổi.
“Với việc thanh toán trả bằng quỹ đất đối với các dự án BT, đúng là có vấn đề về thời điểm. Nếu như khi ký hợp đồng hoặc đang triển khai thì giá đất khác, khi đầu tư xong giá đất lại khác thì đâu là sự hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, của doanh nghiệp, của địa phương? Đấy là những vấn đề cần nghiên cứu ngay, chỉnh sửa ngay trong Nghị định 15 sắp tới”, Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định đã tổng hợp và xem xét vấn đề này.
Tại phiên làm việc này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, nhu cầu kinh phí của ngành giao thông được tập hợp từ tất cả các địa phương và đã được cập nhật vào vốn trung hạn, báo cáo với Quốc hội khoảng 925.000 tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến hiện nay, vốn cân đối trung hạn chỉ được 31.000 tỷ đồng, “có nghĩa đang thiếu vô cùng”.
“31% đang thiếu, và tôi đang xin báo cáo riêng với Thủ tướng Chính phủ có chủ trương làm sao sớm giải quyết thêm về các vốn dự phòng, riêng dự phòng của ngành giao thông đề nghị được ưu tiên giải quyết sớm”, ông Nghĩa cho biết.
Bày tỏ mối trăn trở trước tình trạng lãng phí, tham nhũng trong phân bổ vốn đầu tư, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đã đề nghị cần phải đưa ra được những chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư, các dự án đầu tư, cả về kinh tế, hình sự.
“Bao gồm cả những người quyết định đầu tư đã nghỉ hưu nhằm sớm và chặn đứng tình trạng các công trình đầu tư khủng nhưng đắp chiếu, dở dang, gửi lại cho người kế nhiệm hoặc nhiệm kỳ sau”, ông Vượt nhấn mạnh. Bởi theo ông, có như vậy mới sử dụng hiệu quả từng đồng thuế của dân như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Theo Dantri