Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức nhận định, việc bộ GTVT quyết định giao "siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam cho nhà thầu trong nước là quyết định đúng đắn. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nhà thầu Việt Nam.
Mới đây, bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Điều này cũng đồng nhĩa với việc "siêu dự án" đường bộ cao tốc Bắc - Nam chắc chắn sẽ thuộc về tay các nhà thầu trong nước có đủ năng lực.
Theo bộ GTVT, nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Động thái trên của bộ GTVT được coi là cơ hội hiếm có đối với các nhà thầu nội tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Việc này cũng cũng giúp các nhà thầu trong nước phát huy được nội lực, tạo công ăn việc làm cho nhà đầu tư nội, trao cơ hội làm các dự án lớn cho nhà đầu tư Việt Nam và giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn.
Tuy nhiên, việc nhà thầu trong nước "độc quyền" đối với "siêu dự án" đường bộ cao tốc Bắc - Nam cũng đặt ra những thách thức nhất định, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về năng lực của các nhà thầu nội trong việc thực hiện dự án trên.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về những vấn đề xoay quanh quyết định "bất ngờ" của bộ GTVT, những thời cơ, thách thức của nhà thầu nội khi thực dự án cao tốc Bắc nam, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho biết: "Quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu Việt Nam thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam là quyết định đúng đắn của bộ GTVT. Việc huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có mong muốn được tham gia vào dự án trên.
Trên thực tế, việc hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế khi không đạt được kết quả như mong muốn để đấu thầu trong nước là chuyện bình thường, được nhiều quốc gia thực hiện".
Nhận định về năng lực của các nhà thầu nội trong việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam, TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện được những dự án giao thông lớn nói chung và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nói chung.
Thứ nhất, nguồn vật liệu xây dựng ở nước ta đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng để thực hiện dự án trên. Đồng thời, nước ta có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, thông minh và có kinh nghiệm trong việc thực hiện xây dựng các dự án giao thông.
Đặc biệt, các nhà thầu nội đang ngày càng mạnh hơn về năng lực quản trị, liên kết, năng lực kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư và quản lý công trình, tiếp thu được những tiến bộ về KH-CN trên thế giới. Chính vì thế, tôi cho rằng các nhà thầu trong nước hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện được dự án này".
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, các nhà thầu trong nước vẫn còn một vài hạn chế cần được khắc phục.
"Trước tiên là về vốn, đây được coi là vấn đề cốt lõi (đối với cả nhà thầu nước ngoài) trong việc có thực hiện được dự án hay không. Được biết, nguyên nhân huỷ đầu thầu quốc tế một phần là do tính cạnh tranh của đấu thầu quốc tế trong dự án này không cao.
Nếu trước đây, cách xử lý tốt nhất khi các dự án BOT gặp khó khăn về kinh tế là nhà thầu sẽ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục để các nhà thầu vay vốn ngân hàng đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Một khó khăn khác là do phương thức quản lý dự án còn kém hiệu quả, chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế", TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Được biết, theo quy định, quy trình, thủ tục đấu thầu trong nước không khác gì đấu thầu quốc tế, nhưng tư cách nhà đầu tư thay đổi. Về năng lực, chất lượng của nhà đầu tư nội cũng được quy định rõ.
Theo đó, những tiêu chí hàng đầu được quan tâm là các nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể, trong đó về vốn chủ sở hữu quy định là 20%, nhà đầu tư phải kinh nghiệm 20 năm bảo trì dự án, chất lượng dự án đã thực hiện...
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/doc-quyen-tai-du-an-cao-toc-bac-nam-thoi-co-thach-thuc-nao-cho-nha-thau-viet-a450404.html