Các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine khu vực sản xuất, giảm tối đa thuế, phí hay xã hội hoá chống dịch để giảm gánh nặng cho ngân sách.
Đây là những giải pháp, sáng kiến được đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nêu ra với Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến ngày 8/8 với kỳ vọng Chính phủ đưa ra chính sách nhất quán, giúp họ vượt qua khó khăn của đại dịch, phục hồi sản xuất và không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống người dân nói chung và công nhân nói riêng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Do đó, đây là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị...
Phần lớn các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, để duy trì hoạt động, giải pháp căn cơ nhất là tiêm nhanh, tiêm ngay vaccine cho người lao động khu vực sản xuất, vận tải, chuỗi cung ứng. Bởi chi phí tiêm vaccine còn rẻ hơn nhiều so với việc doanh nghiệp bị đóng cửa, phá sản.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa. Số ít duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến" cũng cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được đơn hàng. Việc giao hàng chậm, phải giao hàng bằng đường hàng không và bị khách huỷ đơn hàng là rất lớn.
Chủ tịch Vitas cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch, bảo đảm thu nhập cho người lao động và hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là cấp bách. Chính phủ, Bộ Y tế cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, lái xe, shipper... Việc này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành sản xuất, logistics, vì họ là những mắt xích quan trọng giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
"Doanh nghiệp sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng", ông Giang đề nghị.
Đồng tình chuyện doanh nghiệp sẵn sàng trả phí vaccine, xét nghiệm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không Vietjet Air đề xuất Chính phủ cho phép xã hội hoá công tác chống dịch, xét nghiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách. "Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế", bà nói.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng là hàng hoá xuất, nhập khẩu phải lưu thông, không bị ách tắc.
Theo ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Ôtô Vận tải, các tỉnh cần đảm bảo lưu thông cho xe chở hàng bằng giải pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc.
Ngoài ra, kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, áp dụng công nghệ để giảm thiểu số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng. Nguyên tắc xuyên suốt, ông Hùng nhấn mạnh, là phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cũng đề nghị, quy định về hàng hóa được vận chuyển lưu thông cần được áp dụng thống nhất trong cả nước, ưu tiên "luồng xanh" cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Cùng đó, không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP HCM từ 1/10... để giảm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch kéo dài.
Giống như VLA, đại diện doanh nghiệp dệt may kiến nghị, bỏ quy định cấp mã QRcode về "luồng xanh", danh mục hàng hoá thiết yếu trên phạm vi cả nước. Thay vào đó, cho phép lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng chống dịch, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, cần thống nhất phương pháp kiểm tra hàng hóa sản xuất, xuất khẩu, nguyên phụ liệu. Chẳng hạn, sản phẩm dệt may có các thành phần in, thêu... thì cần có sự thống nhất trên toàn quốc khi kiểm tra.
Các doanh nghiệp cũng muốn Chính phủ giảm tối đa thuế, phí và cho phép doanh nghiệp hoạt động dựa trên kịch bản theo từng cấp độ an toàn dịch bệnh thay vì phải áp dụng một mô hình chung cho tất cả.
Theo đó, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, thuế, phí đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Hiệp hội này kiến nghị giảm 50% tất cả loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu và thu nhập cá nhân cho người lao động.
Còn các loại thuế khác, Hội này xin giãn thời gian nộp 6-12 tháng; giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm (2020-2021); lãi suất vay giảm 30% so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới...
Ngoài ra, hàng không là một trong số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Năm 2019 Vietjet đóng góp cho ngân sách trực tiếp và gián tiếp hơn 9.000 tỷ đồng.
Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho giai đoạn sau giãn cách xã hội, các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch... được dự báo tăng trở lại. Khi đó, theo bà Thảo, cần chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa. Nhắc tới kinh nghiệm của Singapore, CEO Vietjet nói, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có mã QRcode khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên.
Bà Thảo cũng cho rằng, các bộ, ngành cần có giải pháp lâu dài thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, cầu đường, sân bay, đường sắt, giao thông đô thị, tạo hệ thống logistic hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu.
Còn với ngành đông lao động như dệt may, ông Vũ Đức Giang đề nghị, với những địa bàn đã qua 14-24 ngày không có ca nhiễm mới cần cho doanh nghiệp được mở cửa hoạt động, kêu gọi người lao động vào làm việc, tạo sự tin tưởng cho các nhãn hàng và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm áp dụng mô hình sản xuất.
Chính phủ, Bộ Y tế cần có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp, địa phương cùng thống nhất thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Ví dụ điều kiện gì để được phép thực hiện "3 tại chỗ", khi có F0 thì chính quyền, y tế địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp xử lý thế nào.
Liên quan vấn đề này, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đề xuất Chính phủ chỉ đạo chính quyền và y tế địa phương thống nhất một quy trình hướng dẫn y tế về phòng dịch để đảm bảo cho doanh nghiệp kịp thời tách các ca F0 ra khỏi nhà máy nhằm có thể tiếp tục tổ chức sản xuất.
Tại hội nghị, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam cho biết, dịch bệnh đã làm cho ngành này gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ông Nam đề xuất Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ tiếp tục giảm 30% tiền điện cho doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản.
Chia sẻ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, hiện điện được bán dưới giá thành nhưng kiến nghị của VASEP là khả thi. Ông khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét giảm một cách phù hợp, nhất là ưu tiên cho nhóm bảo quản, chế biến sản phẩm nông, thuỷ sản.
Ngoài ra, trước đề nghị của các doanh nghiệp cần có cổng thông tin quốc gia thống nhất về các biện pháp, quy trình chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói, ngay trong tuần tới bộ này sẽ hoàn thiện xây dựng cổng thông tin, trong đó tập hợp tất cả dữ liệu, chỉ thị của Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để người dân, doanh nghiệp tra cứu nhanh, và vì thế sẽ "hành động giống nhau".
Ghi nhận sự "chung tay, chung sức, đồng lòng" của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Cùng đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, lấy sức khoẻ, tính mạng người dân là trên hết, đồng thời không để khủng hoảng kinh tế - xã hội. Theo đó, các bộ, ngành được yêu cầu khẩn trương đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kết nối tiêu thụ, lưu thông, không để hàng hoá sản xuất ra không vận chuyển được...
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu đủ điều kiện.
Các địa phương cần hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong thời dịch.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm ưu tiên số 1 lúc này là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. "Phấn đấu cao nhất đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo vnexpress.net
Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dua-ra-loat-kien-nghi-voi-thu-tuong-4337508.html