Ngày 6/7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Đề án 103) do đồng chí Võ Văn Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.
Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Vụ chuyên môn của Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có các đồng chí Nguyễn Văn Quyền Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Lê Thị Kim Thanh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và các đồng chí là lãnh đạo Văn phòng, các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Kim Thanh, thay mặt đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam báo cáo đoàn công tác về kết quả hoạt động và tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, cán bộ; quy chế hoạt động của Hội trong thời gian tới.
Trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản quan trọng về công tác của Hội.
Các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ một cách nghiêm túc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Cụ thể, công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cấp Hội được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế.
Công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật đạt được hiệu quả rõ rệt, ngày càng khẳng định vị trí vai trò của Hội trong đời sống xã hội.
Về công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, Hội đã phát triển mạng lưới các Trung tâm tư vấn pháp luật trên cả nước; công tác hòa giải ở cơ sở và các thiết chế hòa giải khác ngày càng bài bản, cách làm linh hoạt, hiệu quả; tham gia tích cực trong công tác cải cách tư pháp và đạt được nhiều kết quả; tham gia các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp…
Công tác hòa giải ở cơ sở và các thiết chế hòa giải khác ngày càng bài bản, cách làm linh hoạt, hiệu quả. Hội đã chú trọng xây dựng, củng cố, tăng cường năng lực các tổ chức hoạt động hòa giải. Công tác tham gia cải cách hành chính; tư vấn, giám sát giải quyết khiếu nại; giám sát, phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Công tác Đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu và đạt được nhiều kết quả. Được sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức luật gia có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế để triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Công tác xuất bản và phát hành sách, tạp chí và các ấn phẩm pháp luật đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Các cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội (Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Pháp lý, Tạp chí song ngữ Pháp luật và phát triển) tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, xây dựng thêm các chuyên mục mới, phát hành thêm những ấn phẩm mới, bám sát các hoạt động của Hội để nâng cao chất lượng tuyên truyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam cũng chỉ ra các vấn đề tồn tại, từ đó kiến nghị một số ý kiến nhằm thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, cán bộ; quy chế hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian tới như: Đề nghị cho phép Hội Luật gia Việt Nam được thực hiện cơ chế giao việc, khoán kinh phí sau khi có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền; Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 770/QĐ-TTg, ngày 5/6/2020 quy định “Hội Luật gia trong phạm vi cả nước áp dụng thống nhất Điều lệ này”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo, đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo nội dung này.
Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 45 ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của hội hiện nay.
Bên cạnh đó, một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng dẫn đến việc không xác định được ngạch, bậc để áp dụng chế độ như công chức hay viên chức. Đề nghị Đảng, Nhà nước có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại Hội cũng như có quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với cán bộ đã nghỉ hưu công tác tại Hội.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến vai trò, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam theo Diều lệ Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương ghi nhận những kết quả và đóng góp của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở, tham gia xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.
Đồng chí Võ Văn Dũng nhấn mạnh: Để có được kết quả trên phải khẳng định có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cùng với sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Trung ương Hội và các cấp Hội ở địa phương. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các lĩnh vực công tác nêu trên cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Về các kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam và các nội dung được thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Dũng ghi nhận và cơ bản nhất trí. Đồng thời đề nghị các bộ phận chuyên môn giúp việc của Ban chỉ đạo tổng hợp đầy đủ nhất là những khó khăn, vướng mắc bất cập trong hoạt động và tổ chức của Hội, từ đó tham mưu, đề xuất những kiến nghị để đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội nhằm đóng góp nhiều hơn trong hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam cũng cam kết sẽ cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 14-CT/TW được ban hành ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị.
Đến nay, các cấp Hội gồm có 63/63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 47 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội; 490 Hội Luật gia các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 4.776 Chi hội Luật gia trực thuộc Hội luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện và Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn. Tính đến hết tháng 12/2021, tổng số hội viên Hội Luật gia trên cả nước là 67.640 người.