(Pháp lý) - Các qui định pháp luật, cơ chế chính sách phục vụ cho công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dù đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn những kẽ hở. Lợi dụng kẽ hở của các qui định pháp luật hiện nay trong qui trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không ít các nhóm lợi ích đã sử dụng các phương pháp né tránh, “lách luật” để đưa một số tài sản về giá trị 0 đồng làm cho giá trị DNNN thấp hơn giá trị thực tế tại thời điểm định giá khiến tài sản nhà nước bị bốc hơi hoặc được bán với giá rẻ bèo.
>> Bài 1: Trăm chiêu “hô biến” tài sản Nhà nước khi định giá tài sản CPH
>> Bài 2: Thông tin về giá trị QSD đất phải được công khai minh bạch và định giá theo thị trường
Bài viết sau đây, chuyên gia pháp luật kinh tế, LS. Võ Đình Đức, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á sẽ đi sâu phân tích chỉ ra những lỗ hổng “ nguy hiểm” của các qui định pháp luật , chính sách hiện nay trong qui trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời ông Đức cũng kiến nghị chỉ ra 7 việc cần làm ngay để ngăn chặn tài sản Nhà nước không bị thất thoát khi CPH.
Nhiều “lỗ hổng” vẫn chưa được “bịt”
Vấn đề cổ phẩn hóa ( CPH) và giá trị của DNNN khi CPH đã được nghiên cứu và nhắc đến rất nhiều trong suốt những năm qua. Trong giai đoạn hiện nay khi tốc độ của quá trình CPH doanh nghiệp nhà nước ( DNNN) đang được đẩy nhanh thì bên cạnh những tín hiệu tích cực, cũng còn đó nhiều lo ngại về giá trị DNNN bị “ phù phép” ở mức thấp nhất cùng nguy cơ các DNNN bị định giá có sự chênh lệch quá lớn với giá thị trường, khiến tài sản của nhà nước bị thất thoát.
[caption id="attachment_143257" align="aligncenter" width="410"] Nhiều DNNN đã bị bán và thâu tóm với giá rẻ (ảnh minh họa)[/caption]
Lý giải cho vấn đề này, Thạc sỹ, Luật sư Võ Đình Đức, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng, vấn đề nằm ở những lỗ hổng về cơ chế chính sách khi xác định giá trị thương hiệu và các lợi thế về giá trị đất đai của các DNNN. Một mặt xuất phát từ chính bản thân DNNN mong muốn giá trị thực tế của mình được định giá thấp đi, mặt khác từ chính các quy định pháp luật về phương pháp định giá tài sản khi cổ phần hóa. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác xuất phát từ chính áp lực phải cổ phần hóa đúng tiến độ, thậm chí là hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Tiếp đến chính là giá trị các DNNN sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả bị giảm sút về mặt giá trị, thậm chí thua lỗ đã phần nào làm giảm đi niềm tin từ thị trường cũng như các nhà đầu tư.
Ông Đức cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phương pháp định giá tài sản khi tiến hành cổ phần hóa. Chính việc định giá tài sản mà không tính đến dòng tiền chiết khấu khi định giá đã cho phép các DNNN loại trừ một số tài sản nhất định ra khỏi giá trị tài sản của DN như: Tài sản thuê, tài sản không cần dùng chờ thanh lý…. Điều đó làm cho giá trị DNNN thấp hơn giá trị thực tế tại thời điểm định giá. Lợi dụng kẽ hở này, các DNNN sử dụng một lượng lớn diện tích đất được Nhà nước cho thuê, các vị trí và diện tích đất này lâu nay chúng ta vẫn gọi là “đất vàng” hay “đắc địa” được định giá là 0 đồng, thì giá trị tài sản DNNN bị định giá thấp là điều đương nhiên. Các DNNN cũng có thể sử dụng các phương pháp né tránh, “lách luật” để đưa một số tài sản về giá trị 0 đồng bằng cách giả vờ đóng cửa nhà máy, kho…để chờ thanh lý tài sản.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng, yếu tố thông tin về giá trị tài sản DNNN khi cổ phần hóa cũng vô cùng quan trọng. Nhưng để tiếp cận được các thông tin này là cả quá trình. Sự thiếu cập nhật về thông tin của DNNN cổ phần hóa xuất phát từ việc ban lãnh đạo DN cố tính khống chế thông tin nhằm thâu tóm, trục lợi về cho mình và một số cá nhân nhất định.
Thực tế khi CPH nhiều DNNN thời gian qua luôn tồn tại các vấn đề “ngoài lề”, các lợi ích được “quy hoạch” riêng cho một cá nhân hay một nhóm cá nhân nhất định nào đó. Nghị định số 178/2004/NĐ-CP và thông tư số 126/BTC/2004 có quy định rõ về việc cổ phần hóa phải được đưa ra đấu giá công khai, đây được xem là một quy định khá tiến bộ và hợp lý . Tuy nhiên việc áp dụng và phương pháp áp dụng còn nhiều bất cập đã dẫn đến các trường hợp thâu tóm, khống chế thông tin tài sản dẫn đến việc một số cá nhân, nhóm cá nhân có lợi thế về thông tin tài sản, giá trị tài sản DNNN khi cổ phần hóa, họ dễ dàng thâu tóm và mua được cổ phần hơn các nhà đầu tư khác trên thị trường.
Việc định giá DNNN không tính đến các giá trị thương hiệu, lợi thế đất đai…đã khiến nhiều tài sản của nhà nước bị thất thoát và rơi vào túi cá nhân và nhóm lợi ích . Nhưng một kẽ hở “mênh mông” của cơ chế tạo điều kiện cho nhóm lợi ích đục khoét tham ô, tham nhũng tài sản nhà nước khi CPH được ông Đức chỉ ra đó là “thiếu người phải chịu trách nhiệm khi định giá sai cổ phần, tài sản DNNN” .
Lý giải cho điều này, ông Đức phân tích và nêu ra 1 thực tế buồn là hầu như đến giai đoạn hiện nay chưa có, có rất ít trường hợp bị xử lý trách nhiệm khi định giá tài sản của nhà nước mà không tính đến các giá trị thương hiệu, lợi thế đất đai dẫn đến nhiều tài sản của nhà nước bị thất thoát. Điều này xuất phát từ việc để xác định trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức khi tiến hành định giá sai tài sản của DNNN là rất khó bởi chúng ta chưa có quy định và áp dụng chưa nhất quán phương pháp định giá tài sản cụ thể đối với các tài sản nhất định, vẫn để cho DNNN tự lựa chọn phương pháp định giá tài sản. Chính việc có quá ít trường hợp, cá nhân phải chịu trách nhiệm và bị xử lý khi định giá sai giá trị tài sản của DNNN đã tạo nên lỗ hổng pháp lý nhất định tạo điều kiện cho một số cá nhân, nhóm cá nhân trục lợi tài sản nhà nước mà không hề biết sợ.
[caption id="attachment_143258" align="aligncenter" width="410"] DNNN đang bị nhòm ngó vì có lợi thế về đất đai, giá trị thương hiệu…[/caption]
7 việc cần làm ngay để ngăn chặn tài sản Nhà nước không bị thất thoát khi CPH.
Để khắc phục được những lỗ hổng nêu trên và để ngăn chặn tài sản Nhà nước không bị thất thoát khi CPH, ông Đức đã đưa ra một số giải pháp cần làm ngay.
Thứ nhất, cần có quy định và sử dụng thống nhất một phương pháp định giá tài sản nhất định, hợp lý đối với các loại tài sản khác nhau, tránh trường hợp DNNN lách luật ( lách bằng việc áp dụng các phương pháp định giá khác nhau có lợi cho một nhóm lợi ích), nhằm giảm giá trị DN khi tiến hành cổ phần hóa.
Thứ hai, ngăn chặn, hạn chế ngay tình trạng cố tình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược một cách hình thức mà không hoặc ít quan tâm đến khả năng và vai trò của nhà đầu tư được gọi là chiến lược đó đến hoạt động của DN sau cổ phần hóa.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ hơn nguồn lực đất đai, tài nguyên đã giao cho DN thực hiện cổ phần hóa để tránh hiện tượng lợi dụng cổ phần hóa nhằm mua rẻ và chiếm đoạt lợi ích từ khai thác các nguồn lực đất đai và tài nguyên này.
Thứ tư, thực hiện việc quản lý, công bố thông tin về tài sản và giá trị tài sản DNNN khi cổ phần hóa tránh trường hợp Ban lãnh đạo các DNNN thực hiện việc trục lợi, khống chế thông tin đối với các nhà đầu tư khác.
Thứ năm, xác định trách nhiệm thậm chí cần thiết phải truy cứu trách nhiệm cá nhân đối với các cá nhân, nhóm cá nhân nhất định khi để thất thoát tài sản nhà nước, cố tình định giá tài sản DNNN thấp hơn giá trị thực tế nhằm trục lợi cá nhân hoặc để thất thoát tài sản nhà nước có giá trị lớn.
Thứ sáu, cần giao và quy trách nhiệm cá nhân cho một số người nhất định trong DNNN và cơ quan chủ quản của DNNN khi tiến hành cổ phần hóa, điều đó một mặt giúp cho quá trình cổ phần hóa không bị đình trệ, không có tình trạng né cổ phần hóa. Mặt khác hạn chế được tình trạng “tư nhân hóa lợi ích” từ chính tài sản của DNNN khi tiến hành cổ phần hóa. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra kiểm toán lại toàn bộ tài sản DN trước khi cổ phần hóa để nắm rõ tình trạng hoạt động, giá trị tài sản ước tính để thị trường và các nhà đầu tư nắm rõ lựa chọn có đầu tư hay không.
Cuối cùng là chế độ công bằng, minh bạch thông tin giữa các nhà đầu tư, cụ thể là giữa ban lãnh đạo DNNN và các nhà đầu tư bên ngoài. Chính yếu tố thông tin quyết định để giá trị tài sản của DNNN được định giá như thế nào. Thông tin được minh bạch, không có hiện tượng khống chế, che dấu thông tin thực tế sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào quá trình cổ phần hóa và đánh giá cổ phần DNNN khi cổ phần hóa. Từ các yếu tố đó việc DN bị bán rẻ và thâu tóm sẽ được hạn chế và ít xảy ra hơn trên thực tế.
Quỳnh Trang – Hoài Anh ( lược ghi)