Đằng sau cú trượt giá gây chấn động của đồng USD

07/08/2020 08:27

Đồng USD thường tăng giá trước các biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cú trượt dài của đồng bạc xanh trong cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy nền kinh tế Mỹ suy yếu trầm trọng.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi tự do hồi tháng 3, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ xô vào loại tiền tệ mà họ đặt niềm tin hơn tất thảy. Đó là đồng USD.

Do nhu cầu lớn đối với tiền mặt nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trước cuộc khủng hoảng có quy mô chưa từng thấy, đồng bạc xanh tăng giá mạnh.

Đồng tiền Mỹ thường tăng giá trước các biến động kinh tế. Đó là kịch bản quen thuộc từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 cho đến mọi đợt khủng hoảng bùng nổ địa chính trị trong những thập kỷ gần đây. "Khi có xáo trộn, mọi người sẽ tìm đến sự an toàn. Bạn có thể tìm kiếm thứ gì ngoài đồng tiền của nền kinh tế hàng đầu?", giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell bình luận.

Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn vài tháng sau, đồng tiền của Mỹ trượt dốc thảm hại. Trong tháng 7 vừa qua, giá của đồng USD so với 6 ngoại tệ mạnh khác giảm đến 4,4%. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Tính từ mức cao hồi tháng 3, đồng USD đã trượt dốc 10%.

Kịch bản thay đổi

Về ngắn hạn, sự sụt giá của đồng USD cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đang suy yếu nghiêm trọng vì đại dịch. Trong khi phần lớn quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vẫn tăng phi mã. Các nhà quản lý quỹ tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng cường kích thích kinh tế khiến đồng tiền nước này suy yếu hơn nữa.

"Trong tương lai gần, giới đầu tư sẽ bắt đáy đồng bạc xanh. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh lớn, sức mạnh của đồng USD khó có thể phục hồi khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu, lãi suất thực của Mỹ chạm mức âm, thâm hụt ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ USD cùng những mối lo ngại về dịch Covid-19", nhà phân tích cao cấp Edward Moya tại Công ty OANDA nói với Zing.

Thêm vào đó, giá vàng cũng tăng vọt trong bối cảnh giới đầu tư mất niềm tin vào đồng tiền Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là liệu đồng USD có thể tiếp tục duy trì vị thế độc tôn khi châu Âu đang có những tín hiệu cải thiện tích cực hay không.

"Những lo ngại về việc đồng USD mất vị thế đồng tiền dự trữ thế giới đã bắt đầu dấy lên. Trong môi trường hiện tại, vàng là phương tiện dự trữ cuối cùng khi các chính phủ đang tìm cách giảm giá đồng nội tệ, đẩy lãi suất thực xuống mức thấp kỷ lục", báo cáo của Goldman Sachs nêu.

Đồng USD thường tăng giá trước các biến động kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 lần này cho thấy điều ngược lại. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng đây chưa phải thời điểm để thế giới dứt khoát chuyển hướng khỏi đồng tiền Mỹ. "Các sự kiện hồi tháng 3 đã củng cố vai trò quốc tế của đồng USD", chuyên gia Hyun Song Shin, người đứng đầu Bank for International Settlements, bình luận.

Thực tế cho thấy đồng USD thường sụt giá trước những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế toàn cầu. Khi đó, các nền kinh tế khác trên thế giới có triển vọng tăng trưởng tốt, giới đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào những nơi có rủi ro cao nhưng lợi nhuận tốt hơn.

Nhưng kịch bản lần này không giống như vậy. Sự sụt giảm của đồng USD tăng tốc trong tuần qua. Điều này cho thấy giới đầu tư vẫn mất niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và đổ xô đến những tài sản trú ẩn an toàn. Triển vọng kinh tế của nước Mỹ đang ngày càng ảm đạm. Chắc chắn sẽ có thêm các gói kích thích", chiến lược gia David Riley tại BlueBay Asset Management (London) khẳng định.

Bị đồng euro vượt mặt?

Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch FED Jay Powell cảnh báo rằng quỹ đạo của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc đáng kể vào quá trình kiểm soát dịch bệnh. "Lãi suất có khả năng duy trì ở mức 0 hoặc dưới 0 trong nhiều năm ngay cả khi tình hình tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ được cải thiện", chuyên gia Michael Swell tại Goldman Sachs Asset Management nhận định.

Trái ngược với cú trượt dốc của đồng bạc xanh, đồng euro tăng giá 10% kể từ tháng 5. Vào tháng 7, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã tìm được tiếng nói chung về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 của khối trị giá 1.074 tỷ euro.

Khu vực EU và đồng euro có thể bắt đầu có một loại tiền tệ mạnh và có tính thể chế hơn. "Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra chỉ sau một đêm. Đồng euro sẽ mất nhiều thời gian để phát triển và trở nên rộng rãi như trái phiếu kho bạc Mỹ", giáo sư Jeffrey Frankel tại Đại học Harvard nhận xét.

"Trên thực tế, không có nhiều lựa chọn thay thế đủ lớn để chuyển hết tiền ra khỏi USD", giáo sư kinh tế Barry Eichengreen bình luận. Đồng USD hiện vẫn giữ tỷ lệ áp đảo 88% trong tổng giao dịch thương mại toàn cầu, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vị thế của đồng tiền Mỹ bị hoài nghi. Hồi năm 2008, ông Frankel và giáo sư Menzie Chinn tại University of Wisconsin dự đoán rằng đồng euro sẽ vượt mặt đồng USD và trở thành đồng tiền dự trữ chính của thế giới vào năm 2022.

Đây không phải lần đầu tiên đồng USD bị hoài nghi sẽ mất vị thế đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Ảnh: Reuters.

Tại thời điểm đó, đồng euro đã tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, tăng 82% so với đồng USD. Cũng trong khoảng thời gian đó, chỉ số đồng USD giảm 40% giá trị, chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 3. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến giới đầu tư đổ xô mua đồng bạc xanh như một tài sản trú ẩn an toàn, chấm dứt cơn sốt đầu cơ đồng euro.

Giới quan sát cũng từng coi đồng NDT là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị của đồng USD. Tuy nhiên, khi hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn bị hạn chế di chuyển vốn, đồng NDT khó có thể đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tỷ lệ nắm giữ NDT của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng nhưng vẫn chỉ ở mức 2%.

"Đồng bạc xanh sẽ mất thị phần vào tay đồng euro và đồng tiền Trung Quốc trên thị trường ngoại hối toàn cầu, nhưng vẫn nắm vị thế hàng đầu trong tương lai", chuyên gia Moya tại OANDA trả lời Zing.

Tuy nhiên, giờ thời thế đã thay đổi và đặt ra rủi ro lớn đối với đồng tiền Mỹ. "Người ta cho rằng không gì có thể khiến đồng USD mất uy tín. Nhưng điều đó không đúng. Hãy xem Anh như một bài học. Sterling đã từng là đồng tiền dự trữ thế giới", ông Frankel cảnh báo.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/dang-sau-cu-truot-gia-gay-chan-dong-cua-dong-usd.html

Bạn đang đọc bài viết "Đằng sau cú trượt giá gây chấn động của đồng USD" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin