Cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam

18/12/2016 10:10

Có thể lớp độc giả hôm nay sẽ thấy nhàm chán khi đọc "Tố Tâm" nhưng đây vẫn luôn được coi là tác phẩm tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nền văn học Việt Nam.

Hoàng Ngọc Phách, còn có bút hiệu Song An, sinh năm 1896 trong gia đình và ở vùng quê có truyền thống khoa bảng - làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng là học sinh các trường học nổi tiếng, trong đó có trường Bưởi, Hà Nội.

Tiểu thuyết Tố Tâm được viết 1922, in lần đầu 1925. Nội dung cốt truyện thực tình rất đơn giản, kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà không được sum họp. Thế nhưng vào thời kỳ ấy, tác phẩm này được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đã được giáo sư Michele Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch sang tiếng Pháp.

Nhà xuất bản Gallimard - nổi tiếng với bộ sách Tìm hiểu phương Đông, chuyên dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học nổi tiếng ở các nước Ả rập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam - đã ấn hành tác phẩm này với tên gọi Một trái tim trong sáng.

Dù kể một câu chuyện tình hết sức giản dị nhưng Hoàng Ngọc Phách đã diễn tả được phần nào cái khát vọng của thanh niên vào lứa tuổi yêu đương khi họ tiếp giao với luồng gió mới từ phương Tây đưa lại; nhưng thực tiễn này bị phong tục cổ ngăn cấm.

Nỗi khát vọng của tuổi trẻ bây giờ được thể hiện thành hiện thực nơi các nhân vật như Tố Tâm, Đạm Thủy làm cho tác phẩm được nhiều người chú ý. Cái mơ mộng hão huyền, dễ cảm, dễ sầu của Tố Tâm là những căn tính của tuổi trẻ sống vào thời kỳ giao thời. Vì vậy, họ phải quay về tìm sự giải thoát trong tâm hồn bằng cái khắc khoải, sầu muộn của mình.

Dù biết những điều đó sẽ không làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Đến nỗi ái tình họ cũng xem thường, miễn sao tìm cách cho nỗi khắc khoải, khát vọng đam mê ấy phần nào được san sẻ: “Em vẫn tự hiểu rằng: cuộc đời của em là một cuộc đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng, nhưng vẫn đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh, em lấy tình luyến ái của anh em ta làm khuây khỏa, còn về sau nữa, em phó mặc khuôn thiêng”.

Tố Tâm được xây dựng là hình ảnh một cô gái lãng mạn, “bụi đời” dám “đùa giỡn” với ái tình của cuộc sống cá nhân thỏa mãn trong hiện tại mà quên mất hậu quả. Qua ngòi bút của Hoàng Ngọc Phách, Đạm Thủy và Tố Tâm thực sự có đời sống nội tâm phong phú, mỗi nhân vật đã có được cuộc sống của riêng mình.

Khi xây dựng nhân vật, nhà văn cũng không phân chia thành hai tuyến đối lập như trong văn học truyền thống. Nhà văn đã xây dựng nhân vật bằng một phương pháp mới, không tập trung vào các sự kiện, hành động bên ngoài của nhân vật mà tập trung vào các quá trình tâm lý và các trạng thái tình cảm của nhân vật.

 Tiểu thuyết Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách.
Tiểu thuyết Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách.)

Trong tác phẩm, nhà văn đã sử dụng thành công nhiều thủ pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Những biến đổi tinh vi của tâm hồn nhân vật đã được nhà văn miêu tả trong môi trường hẹp, qua nhật ký, thư từ, qua ngoại hình và hành động…

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật là một trong những đóng góp quan trọng của Hoàng Ngọc Phách cho kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Xung đột chủ yếu của Tố Tâm là xung đột tình cảm và lý trí giữa Tố Tâm và Đạm Thủy. Về mặt tình cảm, Đạm Thủy tha thiết yêu Tố Tâm, nhưng lý trí lại ràng buộc anh kết hôn với cô gái mà chàng chưa hề biết mặt. Về phía Tố Tâm, mặc dù say mê Đạm Thủy nhưng lại không muốn làm tan vỡ hạnh phúc của cô gái đã có lời hứa hôn với Đạm Thủy, và sau đó là chiều theo ý mẹ lấy cậu tú B.

Tuy cũng có lúc hai người định “đem nhau trốn đi một chỗ thâm sơn cùng cốc, hay chân trời góc biển nào không ai biết đến để cùng hưởng cuộc ân ái trăm năm” nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua do “chịu ảnh hưởng ở các ái tình tiểu thuyết Tây – Âu” chứ chưa đủ sức thoát khỏi sự níu kéo của “tình gia quyến” cùng với sự kiềm tỏa của chữ tín và chữ hiếu cứng nhắc của đạo lý phong kiến.

Dù còn nhiều hạn chế về tư tưởng, cho đến nay, Tố Tâm có thể là một tiểu thuyết quá đơn thuần, dễ gây nhàm chán cho độc giả thế hệ mới, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta cũng không thể phủ nhận những giá trị mà cuốn tiểu thuyết đã đóng góp cho lịch sử văn học hiện đại Việt Nam.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam" tại chuyên mục Xem - Đọc - Ngẫm. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin