Tác phẩm diễn tả trọn vẹn chân dung Thái sư Lê Văn Thịnh từ thuở thiếu thời cho đến khi qua đời cùng những suy nghĩ trăn trở của tác giả về con người tài hoa bạc mệnh.
Được thai nghén từ năm 2004, đến năm 2011 thì cơ bản hoàn thành và chỉnh sửa bổ sung cho đến năm 2017 mới xuất bản, Vụ án Thái sư hóa hổ là tập sách về chủ đề lịch sử của cây bút Từ Khôi. Sách gồm 2 truyện ngắn Hồ Tây có còn sương mù giăng và Nỗi đau rồng cùng tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ.
Buổi ra mắt cuốn sách được tổ chức ngay tại hồ Tây vào chiều 16/8, nơi diễn ra vụ án lịch sử cách đây hơn 900 năm. Tâm sự về mối nhân duyên đưa mình đến với nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh, tác giả cho biết lúc đầu chỉ là tìm kiếm tư liệu để viết báo, sau đó cuộc đời của con người kỳ vĩ này khiến anh muốn tìm hiểu nhiều và sâu hơn nữa.
Đây không phải một tác phẩm tiểu thuyết, cũng không phải sách nghiên cứu đơn thuần. Tác giả sử dụng chất liệu điền dã để kết nối mạch nguồn sử liệu vốn ít ỏi về vị Thái sư thời Lý dựa trên bút pháp tùy bút.
Với ngôn từ dung dị đời thường mang đậm bản sắc của văn học dân gian và tư liệu lịch sử, cuốn sách không chỉ lật lại hồ sơ vụ án mà còn dựng lại chân dung của một con người tài hoa, uyên bác trong thời đại phong kiến Việt Nam.
Nhà báo Kiều Mai Sơn nhận xét cuốn sách này là một công trình công phu. Anh cho rằng tác giả đã rất tâm huyết với tác phẩm trong một thời gian dài, xóa đi rồi viết lại nhiều lần vì thông tin mới mâu thuẫn với thông tin cũ. Điều này chứng tỏ sự nghiêm túc của bản thân tác giả trong việc viết lách, nhất là viết về lịch sử.
Thái sư Lê Văn Thịnh là người khai khoa nền khoa bảng nước ta, được suy tôn là Ông tổ khoa bảng Việt Nam. Tuy nhiên, tên tuổi Lê Văn Thịnh lại gắn với vụ án lịch sử Thái sư hóa hổ hại vua Lý Nhân Tông tại hồ Dâm Đàm. Vì sự việc tày đình này, ông bị đi đày ở Thao Giang, còn con cháu trong nhà thì bỏ đi biệt xứ, thay tên đổi họ. Dù không được minh oan nhưng Thái sư Lê Văn Thịnh vẫn được người dân kính trong. Có 14 đền thờ ông được lập trên cả nước.
Theo Zing