CPTPP, EVFTA và những “bài toán” về pháp lý Việt Nam cần quan tâm giải quyết

(Pháp lý) - Sau khi được ký kết, Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa hai phía kèm theo những cam kết mạnh mẽ có tính ràng buộc pháp lý về phát triển bền vững, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các điều ước đầu tư còn thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù giữa nhà đầu tư và Nhà nước.

Sau gần 10 năm đàm phán với nhiều thăng trầm, ngày 30/6 vừa qua, EVFTA đã được Việt Nam và EU ký kết
Sau gần 10 năm đàm phán với nhiều thăng trầm, ngày 30/6 vừa qua, EVFTA đã được Việt Nam và EU ký kết)

Trong những năm qua, Việt Nam đã đàm phán và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong quá trình hội nhập. Điển hình là Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Santiago (Chile) vào ngày 9/3/2018. Đây là một trong những Hiệp định thương mại quan trọng nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Mới đây (30/6), hai Hiệp định quan trọng giữa Việt Nam - liên minh châu Âu EU là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã được ký sau gần 10 năm đàm phán với nhiều thăng trầm.

Những quy định pháp luật nào phải sửa đổi khi ký kết CPTPP và EVFTA?

Khi ký kết các Hiệp định thế hệ mới, một trong những vấn đề hệ trọng kéo theo là sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước sao cho phù hợp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với CPTPP, Hiệp định này bao gồm nhiều cam kết mới về quy tắc, thể chế, những cam kết tác động tới hệ thống pháp luật trong nước.

Do đó, khi thực thi CPTPP, hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết, ví dụ như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, lao động….Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực pháp luật nội địa liên quan tới các khía cạnh có cam kết đều sẽ phải sửa đổi.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI))

Bà Trang cho hay, có những cam kết dù khác biệt với pháp luật nội địa nhưng chỉ dành cho các đối tác CPTPP, đủ rõ đủ chi tiết và được Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp, do đó không đòi hỏi sửa pháp luật nội địa.

“Có những cam kết có lộ trình, Việt Nam chỉ phải thực hiện sau một vài năm (khi kết thúc lộ trình cụ thể). Do đó vào thời điểm này, việc sửa đổi pháp luật thực thi CPTPP tập trung vào các cam kết áp dụng chung và có hiệu lực ngay. Rà soát của các cơ quan Chính phủ cho thấy, trước mắt chúng ta sẽ phải sửa đổi một số các quy định trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật lao động, an toàn thực phẩm…”, bà Trang nêu.

Với EVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng, những cam kết trong EVFTA đặt Việt Nam trước yêu cầu phải thay đổi các quy định pháp luật nội địa, nhằm đảm bảo tuân thủ và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ cụ thể trong nhiều lĩnh vực.

Việc sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước theo các yêu cầu của EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng cải cách cho Việt Nam, qua đó giúp nâng cao chất lượng của hệ thống chính sách pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong nước cũng như các đối tác kinh doanh nước ngoài, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu (EU).

Với EVFTA, bà Trang nhấn mạnh, việc sửa đổi pháp luật Việt Nam về hải quan là bước đi rất cần thiết. “Việc sửa không chỉ để thực thi cam kết, mà còn là điều kiện tiên quyết với Việt Nam để tận dụng cơ hội thương mại hàng hóa từ EVFTA, thông qua việc tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí lưu chuyển hàng hóa qua biên giới,… Đây sẽ là cơ sở để xác định những chế định, quy định khác biệt hoặc chưa tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết EVFTA về hải quan, từ đó phân tích các giải pháp thực thi thích hợp và đề xuất các phương án sửa đổi, điều chỉnh hệ thống pháp luật để đảm bảo tuân thủ EVFTA”, bà Trang phân tích.

Quyền con người trong các FTA thế hệ mới

Bàn về quyền con người ở CTPPP và EVFTA, Tiến sỹ Ngô Quốc Chiến và Thạc sỹ Đào Kim Anh (Khoa Luật - Đại học Ngoại thương) nhận định, vấn đề nhân quyền trong CPTPP và EVFTA có phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều khía cạnh từ nhóm quyền thế hệ thứ nhất (quyền sống, quyền tự do…) tới các nhóm quyền thế hệ thứ hai và thứ ba (các quyền về văn hóa, xã hội, kinh tế…).

Một điểm chung của cả hai hiệp định là đều đề cập cụ thể tới một số khía cạnh của nhân quyền như: các điều khoản về sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, minh bạch và chống tham nhũng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng chú ý là sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai hiệp định. Cụ thể, EVFTA đề cập tới vấn đề nhân quyền ở phạm vi rộng và toàn diện theo hướng bền vững. Cụ thể, nếu vi phạm các cam kết về nhân quyền trong đó có thể dẫn tới việc sử dụng các biện pháp “trả đũa” thương mại được phép theo EVFTA.
EVFTA cũng chú trọng tới khía cạnh quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Hiệp định nhấn mạnh những lợi ích trong hợp tác toàn diện về thương mại và giải quyết các vấn đề môi trường là một phần trong chiến lược toàn cầu hướng tới phát triển thương mại được đặt trong bối cảnh phát triển bền vững.

Ngược lại, CPTPP lại có cách tiếp cận cụ thể, tập trung vào một số nhóm quyền nhất định có liên quan chặt chẽ tới thương mại như: CPTPP với việc bảo đảm các quyền lao động, quyền lợi sức khỏe, quyền lợi sử dụng đất của người dân tộc thiểu số,… ở Việt Nam.

Ngoài ra, CPTPP cũng quan tâm nhiều hơn tới việc thực thi các quy định pháp luật với cơ chế thực thi mang tính ràng buộc cao hơn; chú trọng hơn tới mục tiêu thương mại công bằng và việc hài hòa hóa và “tiêu chuẩn hóa” quy định pháp luật về quyền con người được sử dụng như một yếu tố tạo ra luật chơi chung cho các quốc gia.
Mặc dù có những khác biệt cơ bản, song các vị chuyên gia đánh giá, sự xuất hiện của các quy định về nhân quyền; đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan mật thiết với thương mại như lao động, môi trường,... sẽ là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thương mại toàn cầu.

Phát triển khung pháp lý - cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP và EVFTA

Theo PGS.TS Trần Việt Dũng (Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM), bên cạnh những điều khoản về bảo hộ và xúc tiến đầu tư nước ngoài, các điều ước đầu tư còn thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù giữa nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS).

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể trực tiếp nộp đơn kiện nhà nước trước Tòa án trọng tài quốc tế nếu vi phạm Hiệp định, mà không cần phải thực hiện thủ tục tố tụng tại tòa án của quốc gia sở tại. Mỗi điều ước đầu tư có thể có những quy định đặc thù khác nhau cho ISDS.

“Các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều hướng tới phát triển khung pháp lý ổn định và thuận lợi cho hoạt động đầu tư giữa các quốc gia, trong đó cơ chế ISDS vẫn được coi là một trụ cột quan trọng để giải quyết những tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước”, PGS.TS Trần Việt Dũng đánh giá.

 PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP HCM
PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP HCM)

Với CPTPP, về cơ bản, Hiệp định vẫn duy trì mô hình ISDS truyền thống và mở rộng khả năng nhà đầu tư tiếp cận Cơ chế của Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID) để kiện nhà nước. Mặc dù vậy, CPTPP cũng đặt ra một lựa cơ chế linh hoạt khi cho phép các bên ký kết tự thỏa thuận cách thức áp dụng ISDS của hiệp định.

Theo đó, trong các tranh chấp đầu tư với nhà nước, nhà đầu tư của một bên ký kết có thể chọn một trong những cơ chế sau để giải quyết tranh chấp với Nhà nước tiếp nhận đầu tư: khởi kiện theo Công ước ICSID và các Nguyên tắc tố tụng trọng tài của ICSID; khởi kiện theo các Nguyên tắc về quy chế trọng tài bổ sung của ICSID.

Với EVFTA, bên cạnh các điều khoản xúc tiến đầu tư, mối quan hệ giữa đầu tư và phát triển bền vững, EVFTA còn thiết lập Hệ thống toà án đầu tư (ITS) để giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Các nhà đàm phán EVFTA tin rằng mô hình ITS sẽ tạo ra một sự phát triển mới cho ISDS, đảm bảo việc quyền lợi của các bên được xem xét một cách cân bằng và có hệ thống, giải quyết hầu hết các tranh cãi về ISDS truyền thống.

Cơ chế này xoay quanh 4 yếu tố cấu thành, bao gồm: tính hệ thống và ổn định; tính minh bạch và dễ dự đoán; sự độc lập của thành viên hội đồng xét xử và thời gian cố định cho từng giai đoạn tranh chấp. Những yếu tố này được thể hiện thông qua việc xác lập một cơ chế giải quyết tranh chấp tại một cơ quan giải quyết tranh chấp cố định với hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm có tên gọi “Hệ thống toà án đầu tư” (ITS).

Như vậy, thay vì quy định một cơ chế ISDS cứng, làm cản trở Nhà nước thực hiện chủ quyền của mình, CPTPP chấp nhận để các bên ký kết thiết lập thỏa thuận song phương phù hợp với nhu cầu của chính họ đối với ISDS.

Trong khi đó, hệ thống Tòa án đầu tư của EVFTA so với các cơ chế ISDS truyền thống là một bước đột phá, khi nó hướng tới bảo đảm sự công bằng và minh bạch cao hơn trong ISDS. EVFTA đã tích hợp nhiều thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới đối với ISDS.

Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất trong mô hình Tòa án đầu tư của EVFTA chính là cơ chế phúc thẩm của ITS. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ là bộ lọc quan trọng để hạn chế và khắc phục các lỗi giải thích luật và đánh giá về chứng cứ của hội đồng xét xử.

PGS.TS Trần Việt Dũng khuyến nghị, Chính phủ cần có cách tiếp cận rõ ràng đối với ISDS và triển khai áp dụng một cách đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm không bị động trong các tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như không ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Giang Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin