Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, khi thực hiện thoái vốn Nhà nước phải tính toán chặt chẽ, cũng như phải công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 24/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về việc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng về danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng về danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 thay thế Quyết định 1232/QĐ-TTg.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng đề nghị rà soát, tính toán chặt chẽ việc thoái vốn trong một số lĩnh vực; nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước đó, việc thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp do các bộ quản lý thu hút sự quan tâm của dư luận.
Một "ông lớn" khác cũng được chờ đợi là Tổng công ty Dược Việt Nam (thuộc Bộ Y tế) với tỷ lệ vốn Nhà nước thoái trong năm 2020 tiếp tục được đề xuất phương án thoái 29%, thay vì 65% như tại Quyết định 1232 với lý do duy trì việc điều phối cung ứng thuốc chữa bệnh, dự trữ quốc gia để bình ổn giá thuốc.
Nếu phương án này được cân nhắc thì Tổng công ty Dược sẽ tiếp tục giữ lại 36% vốn Nhà nước sau năm 2020.
Cụ thể, theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ, hai Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp có tên trong danh mục thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2019 - 2020 với tỷ lệ vốn nhà nước còn phải thoái đến hết năm 2020 của VEAM là 88,47% và của Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp lên tới 99,54%, tức là thoái toàn bộ vốn nhà nước nắm giữ.
Hai tổng công ty này đến nay vẫn chưa thực hiện xong việc quyết toán cổ phần hóa. Trong báo cáo tổng hợp rà soát ý kiến các bộ, ngành tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 1232 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước đó, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thoái vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 2 doanh nghiệp này sau giai đoạn 2020, không đưa vào danh mục doanh nghiệp phải thoái vốn đến hết năm 2020 và danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất này.
Cũng trong danh mục này, phương án thoái vốn nhà nước của một loạt doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng không chỉ khiến chính “người trong cuộc” thấp thỏm chờ đợi, mà còn được các nhà đầu tư rất mong chờ.
Cụ thể, có Tổng công ty Viglacera với tỷ lệ vốn thoái được Bộ Xây dựng đề xuất giữ nguyên mức 38,58% đến hết năm 2020 như tại Quyết định 1232.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ vốn nhà nước tại Viglacera đã hoàn thành thoái theo lộ trình tại Quyết định 1232 là 18,04%.
Hay đối với trường hợp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước tiếp tục duy trì 51% sau năm 2020.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, đây là doanh nghiệp lắp máy lớn, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, do đó tỷ lệ vốn thoái đến hết năm 2020 được bộ này kiến nghị trong phương án mới nhất là 46,88%, giảm 51% phần vốn đề nghị giữ lại so với tỷ lệ thoái 97,88% theo quy định tại Quyết định 1232.
Với lý do trên của Bộ Xây dựng, khả năng giảm tỷ lệ vốn thoái là hoàn toàn có thể được Chính phủ cân nhắc.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/kinh-te/cong-khai-chong-tieu-cuc-khi-thoai-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-512089.html