Cơ sở pháp lý để Tiktok khởi kiện Chính phủ Mỹ, liệu Tiktok có cơ hội thắng?

26/08/2020 10:17

(Pháp lý) – Mới đây, TikTok đã chính thức đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm hoạt động của công ty này ở Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên một công ty nước ngoài khởi kiện Chính phủ Mỹ. Vậy, cơ sở pháp lý nào để một công ty nước ngoài khởi kiện Chính phủ ra tòa án và liệu Tiktok có cơ hội chiến thắng trong vụ kiện này ?

Đáp trả lệnh cấm, Tiktok tuyên bố kiện ngược Mỹ

Trong thông báo ngày 24/8, TikTok đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm hoạt động của công ty này ở Mỹ. TikTok cho biết sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hồi đầu tháng có thể tước đi quyền của cộng đồng người sử dụng ứng dụng này mà không đưa ra được chứng cứ lý giải cho lệnh cấm.

TikTok cho rằng việc lệnh cấm được đưa ra mà không có thông báo trước hoặc cho công ty này cơ hội giải trình đã vi phạm Tu chính án thứ 5 của hiến pháp Mỹ. TikTok cũng tuyên bố công ty này không còn lựa chọn nào khác là hành động nhằm bảo vệ quyền của mình cũng như của các nhân viên và cộng đồng người sử dụng.

TikTok đã chính thức đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh cấm hoạt động của công ty này ở Mỹ

Tuyên bố của TikTok nêu rõ: "Nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ và công ty chúng tôi cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối sắc lệnh (cấm TikTok) thông qua hệ thống pháp lý".

Đây được coi là động thái đáp trả của TikTok sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8, đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với hai công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9.

Các nhà lập pháp và chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua đã bày tỏ quan ngại về an ninh quốc gia khi TikTok được sở hữu bởi Bytedance. Ngày 15/8, ông Trump cũng đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, công ty ByteDance phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Trong sắc lệnh này, Tổng thống Trump nhấn mạnh có bằng chứng đáng tin cậy về việc ByteDance có thể có hành động làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

Động thái trên đã gia tăng sức ép buộc ByteDance phải chuyển nhượng TikTok, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền Tổng thống Trump trấn áp ứng dụng truyền thông xã hội này của Trung Quốc.

Hạ viện Mỹ tháng trước cũng đã thông qua dự luật cấm các nhân viên liên bang tải TikTok xuống các thiết bị của chính phủ.

Ở chiều ngược lại, ByteDance đã liên tiếp bác bỏ các cáo buộc của Washington về việc ứng dụng chia sẻ video thịnh hành này có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Công ty khẳng định chưa bao giờ cung cấp bất cứ dữ liệu nào của người sử dụng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc, và cũng sẽ không hành động như vậy nếu được yêu cầu. Các dữ liệu người sử dụng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ, trong khi bản sao dự phòng được lưu trữ tại Singapore.

Tiktok không phải DN nước ngoài đầu tiên kiện Chính phủ Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên một công ty nước ngoài khởi kiện Chính phủ Mỹ vì những lệnh cấm. Điển hình như hồi tháng 12/2017, Kaspersky Lab – một hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga đã kiện chính quyền ông Donald Trump vì lệnh cấm các dòng sản phẩm diệt virus của hãng tại các cơ quan Chính phủ Mỹ. Vụ kiện hiện đã được đệ trình lên tòa án quận hạt Columbia.

Trước đó, tháng 09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh loại bỏ phần mềm chống virus Kaspersky Lab – hãng bảo mật của Nga – ra khỏi hệ thống mạng Liên bang. Đồng thời, sắc lệnh mới cũng bổ sung thêm điều khoản vào Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) sẽ được ban hành năm 2018. Lệnh cấm xuất phát từ mối lo ngại về các âm mưu chính trị trong mối liên hệ giữa Kaspersky và chính phủ Nga.

Kaspersky đã bác bỏ hầu hết những cáo buộc và khẳng định không thực hiện các hành vi gây hại tới an ninh quốc gia. Kaspersky cho rằng lệnh cấm được ban hành với mục đích sâu xa là để trừng phạt.

Hay trường hợp của Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cũng đã khởi kiện Chính phủ Donald Trump ra tòa án liên bang Mỹ ở Plano, Texas hồi tháng 3/2019, đề nghị xem xét tính hợp hiến của Điều 889 trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8/2018, trong đó cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ mua thiết bị và dịch vụ từ Huawei.

Kaspersky Lad và Huawei từng khởi kiện Chính phủ Mỹ ra tòa án và đều nhận kết cục thua kiện

Cơ sở pháp lý để các công ty khởi kiện Chính phủ Mỹ?

Theo tìm hiểu, tại Mỹ chủ thể thực hiện quyền hành pháp bao gồm Tổng thống và Chính phủ liên bang, việc kiểm soát thực hiện quyền hành pháp đã được thực hiện thông qua hai kênh là Nghị viện và Tòa án. Thẩm quyền xét xử của Tòa án trong các vụ án hành chính được quy định trong Luật Thủ tục hành chính (APA) năm 1946.

Theo đó, Luật Thủ tục hành chính (APA) năm 1946 quy định về quyền được yêu cầu xem xét lại: Bất kỳ ai bị xâm hại trái luật bởi hoạt động của một cơ quan, hoặc bị ảnh hưởng bất lợi hoặc bị ảnh hưởng bởi hành động đó theo quy định bất kỳ đạo luật có liên quan nào, sẽ được xem xét tư pháp.

Như vậy, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền khởi kiện , yêu cầu Tòa án xem xét lại các quyết định hành chính/hành vi của cơ quan nếu gây bất lợi cho họ. Tòa án có thể buộc cơ quan rút lại các quyết định trái luật và có thể đưa ra các yêu cầu về đình chỉ các hoạt động trái luật, trái với quy định của Hiến pháp.

Khi đưa ra các quyết định nêu trên, Tòa án sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ hoặc các bằng chứng được đưa ra bởi các bên và theo trách nhiệm phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đây được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên để các công ty nước ngoài như Kaspersky Lad hay Huawei khởi kiện Chính phủ Mỹ ra toà án vì những lệnh cấm gây bất lợi cho mình.

Kaspersky cho rằng Donald Trump đã tước bỏ quyền xử lý theo luật chung, bằng cách cấm phần mềm của hãng tại các cơ quan chính phủ Mỹ. Kaspersky đã nộp hai đơn kiện: Một đơn tuyên bố rằng Bộ An ninh Nội địa Mỹ làm tổn hại danh tiếng và doanh số của doanh nghiệp một cách không công bằng, và một đơn cho rằng NDAA vi phạm điều khoản trong Hiến pháp Mỹ, vốn cấm Quốc hội Mỹ ban hành luật gây ra hình phạt với bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào mà không qua xét xử.

Còn, Huawei cho rằng việc Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của công ty này là vi hiến và có thể giết chết doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, tất cả các lập luận cho rằng Chính quyền của Donald Trump đã vi phạm điều khoản trong Hiến pháp Mỹ đều bị tòa án bác bỏ và cho rằng các lệnh cấm nằm trong phạm vi thẩm quyền của chính phủ.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong các vụ kiện giữa công ty ngoài với Chính phủ Mỹ, những công ty nước ngoài thường có khả năng thua kiện vì các tòa án Mỹ có xu hướng tránh việc phân xử những lệnh cấm của chính quyền Mỹ liên quan đến an ninh quốc gia.

Tiktok liệu có cơ hội thắng kiện Chính phủ Mỹ?

Theo nhận định của giới chuyên gia, chưa thể nói gì về cơ hội để ByteDance thắng trong vụ kiện Chính phủ Mỹ. Wade Weems, cựu công tố viên Phòng Tư pháp Cục An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng “việc đệ đơn kiện của ByteDance sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không phải là bất khả thi”, bởi sắc lệnh ngày 6/8 của Tổng thống Trump không được ban hành “theo các thủ tục pháp lý”, chẳng hạn như theo các quy định của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hay Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).

Ông Weems cho rằng ByteDance cũng có thể viện dẫn Tu chính án số I cho vụ kiện của mình, theo đó cho rằng hành động của Tổng thống Trump “cản trở các ý tưởng được hình thành trên ứng dụng, điều này trái với quy định coi TikTok như một diễn đàn ngôn luận. Đây là một hành vi vi phạm Tu chính án số I và quyền tự do ngôn luận”.

Còn theo nhà phân tích Joe Albano cho rằng ByteDance cũng có thể “chờ tới sau bầu cử Mỹ để hy vọng tình hình có thể thay đổi”, dù việc để mất hai tháng “trống” người dùng Mỹ cũng có thể là “một thiệt hại khó phục hồi”.

Trên thực tế, chờ đợi chưa hẳn là một chiến lược tốt khi Joe Biden, “ứng cử viên tổng thống” của đảng Dân chủ, cũng không phải là người hâm mộ TikTok và gần đây thậm chí còn yêu cầu các nhân viên gỡ ứng dụng này khỏi điện thoại của họ.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong các vụ kiện giữa công ty ngoài với Chính phủ Mỹ, những công ty nước ngoài thường có khả năng thua kiện vì các tòa án Mỹ có xu hướng tránh việc phân xử những lệnh cấm của chính quyền Mỹ liên quan đến an ninh quốc gia.

Văn Chiến – Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết "Cơ sở pháp lý để Tiktok khởi kiện Chính phủ Mỹ, liệu Tiktok có cơ hội thắng?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin