Cổ phần hóa; Bán vốn Nhà nước; Chống gian lận xuất xứ, thương mại: Những lo ngại của ĐB Quốc hội và giải trình, giải pháp của Bộ trưởng Công thương

(Pháp lý) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 6 và sáng 7/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Kiến nghị xem xét lại việc bán vốn nhà máy nước cho nước ngoài; Giải pháp nào ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa; Gian lận thương mại và giải pháp phòng chống; Xử lý đối với 12 dự án thua lỗ khủng; Các dự án điện triển khai chậm… là những sự vụ nóng được các ĐBQH tập trung chất vấn Bộ trưởng Công thương. Ngoài ra là các chất vấn xung quanh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa;…

Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn sáng 7/11.
Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn sáng 7/11.)

Bán vốn nhà nước và những lo ngại độc quyền thao túng thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước…

Sau vụ tỉ phú Thái Lan mua 34% cổ phần dự án nước sạch sông Đuống, đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước không nên thoái toàn bộ vốn tại lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và cuộc sống của hàng triệu người dân.

Chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sáng 7.11 tại hội trường, các đại biểu đặt vấn đề về cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có lĩnh vực nước sạch, khi làn sóng thâu tóm, cổ phần hoá diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước. Nhiều nhà máy nước đã được bán vốn và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài mua lại.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc mua bán cổ phần, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt với các lĩnh vực tối quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, đời sống của người dân như nước, điện… “Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều tiết làm lành mạnh hoạt động này”, ông Nhân nêu câu hỏi.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Theo ông Nghĩa, nước là vấn đề an ninh quan trọng, thậm chí hơn cả lương thực. Việc thoái vốn toàn bộ 100% rất có vấn đề. “Vừa rồi báo chí đã phản ánh việc tỉ phú Thái Lan mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống lớn nhất Việt Nam. Trước tình hình cung cấp, cổ phần hoá nước sạch như vừa qua, tôi khẩn thiết đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Chúng ta không nên thoái vốn mà giữ cổ phần chi phối”, ông nói và đề nghị bộ Bộ trưởng, Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không nên thoái vốn 100% lĩnh vực nước sạch. Ảnh: QH
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không nên thoái vốn 100% lĩnh vực nước sạch. Ảnh: QH)

Trả lời đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cổ phần hoá, mua bán và sáp nhập là hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế quốc tế hiện nay; phù hợp với xu thế khi Việt Nam đã hội nhập và tham gia những luật chơi chung. Trong đó, có khung khổ pháp luật điều chỉnh, chấp nhận cho phép hoạt động nên sẽ có tác dụng và hiệu quả tích cực như chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về cổ phần hoá cũng như bán vốn nhà nước, theo Bộ trưởng Công thương, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước trong cải cách nền kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, không chỉ nhắm tới thu nhỏ lại số lượng các doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra một thị trường và một thể chế và pháp luật rất thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận với các cơ hội của thị trường. Trong suốt thời gian vừa qua, Chính phủ đã đôn đốc, quyết liệt thực hiện việc cổ phần hoá, khẳng định chủ trương nhà nước không can thiệp vào hoạt động của thị trường và không tham gia giữ những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác có thể tham gia làm được.

Mặc dù đã có một số kết quả tích cực, tuy nhiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận còn nhiều chậm trễ. Ngoài ra, có những trường hợp bị thất thoát thông qua quá trình cổ phần hoá do thực hiện không đúng quy định hoặc do việc chấp hành không nghiêm, thậm chí do những nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp. Đối với lĩnh vực nước sạch, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có nguy cơ mất thương hiệu sau cổ phần hoá, Bộ trưởng Công thương cho rằng rất cần tính đến, dù không phải tiếp tục duy trì những thương hiệu của Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước trong những doanh nghiệp này. Việc cổ phần hoá lĩnh vực nước sạch hay lĩnh vực nào cũng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Đây cũng là định hướng lớn mà Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Gian lận xuất xứ, gian lận thương mại: Đã đến lúc phải rung chuông cảnh báo chưa?

Xung quanh vụ hải quan phát hiện lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc, “đội lốt” hàng Việt nằm ở kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chờ xuất sang Mỹ, Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi khi doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương có trách nhiệm và biện pháp gì để ngăn chặn những trường hợp tương tự ?

ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa)
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa))

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết qua thông tin phản ánh quốc tế, đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.

Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (chủ lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm - thông tin Tổng cục Hải quan cung cấp) do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu.

Thời điểm đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến. Sau khi Nhôm Toàn Cầu có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

“Trên thực tế, doanh nghiệp này xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc đi các nước không đáng kể và không gây ra những vướng mắc liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ”, Bộ trưởng nói.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Diến đặt câu hỏi về tình trạng gian lận xuất xứ, giả về chất lượng và thương hiệu, lừa dối người tiêu dùng ở Việt Nam đang ở mức độ nào, đã đến lúc phải rung chuông cảnh báo chưa ?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo cơ chế phòng vệ thương mại, có danh mục 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại. Ông thừa nhận “rất khó” để đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo hiệu quả trong chính sách xử lý gian lận thương mại.

Về vấn đề gian lận xuất xứ, lừa dối khách hàng trong nước, Bộ trưởng Công Thương khẳng định có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi tráo, dán mác Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Ông cho rằng đây là vấn đề phức tạp, không chỉ quyết tâm, mà cần những cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi liên quan đến lợi dụng, gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri rằng sẽ làm hết trách nhiệm chứ không phải làm với thái độ thiếu kiên quyết hay vô cảm, thờ ơ.

Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại?

Chất vấn Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) quan tâm đến lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình. Đặc biệt sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào, chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, như vậy đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, Bộ trưởng bộ Công thương cho biết đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa và gian lận thương mại.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh)

Với mục tiêu chủ động hơn, trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành đề án để tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Với mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận “kẽ hở” khi trên thực tế có văn bản giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hóa cũng như phần xuất xứ hàng hóa.

"Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng như chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khaisilk trong một thời gian dài", ông Trần Tuấn Anh thừa nhận.

Bao giờ xong Thông tư để “trị” gian lận xuất xứ hàng hóa?

Để lấp "kẽ hở" trên, Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay, từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa chấm việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cho rằng đây là một việc khó nên bộ Công Thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các Bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp của các Bộ, ngành.

"Sau gần 1 năm xây dựng, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến phản biện của xã hội của doanh nghiệp, của người dân, của các tổ chức".

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Thông tư này cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam trong các hoạt động thương mại quốc tế.

Bày tỏ sự chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã tranh luận với người đứng đầu ngành Công thương, truy rõ thời gian hoàn thành Thông tư trên.

"Đã có nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề này, tôi rất chờ câu trả lời của Bộ trưởng, nhưng vừa rồi Bộ trưởng chỉ mô tả quy trình để ra Thông tư, về những khó khăn phức tạp vẫn chưa ra được.

Thông tư là quyền của Bộ trưởng, sống hay không là phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của Bộ trưởng, tôi và cử tri cần Bộ trưởng trả lời khi nào thì có Thông tư này?", Đại biểu Trí đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại rằng, để ban hành được Thông tư cần những cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng kết thúc câu trả lời đại biểu Trí bằng một câu khẳng định: “Không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt của mình. Đây là vấn đề phức tạp, ngay khi đưa ra xin ý kiến đã có nhiều ý kiến đóng góp, đa dạng, nhiều chiều về khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với Đại biểu Nguyễn AnhTrí, Đại biểu Mai Sỹ Diến và các đại biểu Quốc hội và cử tri chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải là thiếu kiên quyết, hoặc một thái độ vô cảm, thờ ơ”.

Xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với 12 dự án thua lỗ

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về "sức khỏe" của 12 dự án thua lỗ Bộ Công thương quản lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Bộ đã, đang thực hiện xử lý 12 dự án này theo đúng Đề án của Chính phủ đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Đến nay, 12 dự án về cơ bản đã đảm bảo được tiến độ chung theo các mức độ khác nhau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp))

Trước hết, trong số 6 nhà máy và các dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đã có 2 dự án nhà máy đến nay hoạt động có lãi, đó là: Nhà máy Thép Việt - Trung, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng. 4 dự án của các nhà máy còn lại đã từng bước khắc phục khó khăn, gồm: Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Công ty DQS mặc dù vẫn còn lỗ nhưng mức độ không còn cao như trước' phần lỗ này vẫn phải tiếp tục xem xét trong thời gian tới.

3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, đã có Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền, dự kiến cuối tháng 11 này sẽ được hoạt động cả 11 dây chuyền, với sự tham gia bao tiêu sản phẩm với đối tác mới...

Hai dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn tất về cơ bản việc chuẩn bị đầu tư. Dự án sinh học Bình Phước đang chuẩn bị để tham gia thị trường.

Riêng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ vì vốn Nhà nước dưới 30% nên không tham gia được việc tái cơ cấu nhưng đặc biệt vì quá trình đầu tư sai về địa điểm, sai về các phương án nên dự án này sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, sẽ phải xem xét việc tổ chức cho phá sản.

Còn, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên khá phức tạp vì có tranh chấp pháp lý với nhà thầu nước ngoài, hiện, Bộ đang chỉ đạo xử lý các vướng mắc để bảo đảm hoàn tất đầu tư phục vụ cho các bước tiếp theo.

Bộ trưởng khẳng định: "Sức khỏe" của 12 dự án này phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Mục tiêu xử lý 12 dự án này là giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo toàn vốn của nhà nước, vì vậy tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, việc quan trọng là xem xét, xử lý trước pháp luật trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra 12 dự án này: 6 dự án đã tiến hành kiểm toán, 4 dự án đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét các dấu hiệu khác. 2 dự án: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã bị khởi tố vụ án, nhiều cá nhân tổ chức đã bị xử lý với những hình thức xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Trong quá trình xem xét, các cơ quan chức năng: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ./.

Thất thoát tài sản do cổ phần hóa ‘đã có nhiều nơi, nhiều chỗ’

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói về làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) và đặt câu hỏi liệu có thất thoát tài sản trong quá trình tái cơ cấu hoặc bán vốn của Nhà nước trong các dự án này không.Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng M&A là xu thế phát triển trong các hoạt động của doanh nghiệp trên bình diện quốc tế. Mặt tích cực, M&A phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ nhắm tới thu nhỏ lại số lượng mà còn tạo ra một thị trường, thể chế và pháp luật thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Về thất thoát tài sản thông qua việc bán vốn hay liên quan đến cổ phần hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định “đã có nhiều nơi, nhiều chỗ”. Lý do được đưa ra là quá trình cổ phần hóa thực hiện không đúng quy định hoặc việc chấp hành không nghiêm, thậm chí có nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp.


Đại biểu lo lắng Việt Nam là nạn nhân của trừng phạt thương mại

Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, làm giả về chất lượng và về thương hiệu, buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng.

“Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”, ông hỏi Bộ trưởng Công Thương.

Vấn đề được ông Diến đặt ra tiếp theo là việc dư luận cho rằng các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm. Điều này dẫn đến hệ lụy. Việt Nam sẽ là nạn nhân, bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Đặc biệt, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính

Kim Oanh ( tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin