Có nên để doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào dịch vụ cung cấp nước sạch?

Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, hiện đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống
Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống)

Cạnh tranh giữa khu vực công và tư trong việc cung cấp nước sạch cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty cung cấp nước sạch tư nhân được các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội tranh luận tại tọa đàm "Quản lý thị trường nước sạch – nhìn từ vụ nước nhiễm dầu”, tổ chức chiều ngày 4/11.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Tôi đồng tình không nên khắt khe nhà nước độc quyền, quan trọng là toàn bộ hệ thống nhà nước có kiểm soát nổi hay không, chứ không phải nhà nước không kiểm soát được thì không cung cấp dịch vụ công".

"Chúng ta đã có nhiều dịch vụ công đã được đưa ra tư nhân hóa, xã hội hóa, điều quan trọng là quyền kiểm soát của Nhà nước phải rất chặt chẽ, chỉ cần một lần cung cấp nước ảnh hưởng đến người dân thì doanh nghiệp lập tức phá sản ngay", Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng.

Theo ông Nhưỡng, hiện đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm.

Có nhiều trường hợp phát hiện lợi ích nhóm quá lớn, hầu hết đều liên quan đến quan chức, dẫn đến chỗ làm triệt nguồn cung cấp của họ bằng hai cách. Một là dừng hợp đồng mua bán nước và bắt chia sẻ với doanh nghiệp khác. Hai là chặn đầu vào, không cho bán nước thô, mà không bán nước thô thì doanh nghiệp lấy cái gì để sản xuất?, ông Nhưỡng đặt vấn đề.

Tôi cho rằng phải nghiên cứu, phải có sự giám sát chặt chẽ tránh tình trạng lợi ích nhóm, nó không chỉ làm hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đấy là điều rất tệ hại trong nền kinh tế thị trường, người dân có nhu cầu và ý thức rất cao, người dân có thể đánh giá ngay.

"Không nên để nhà đầu tư nước ngoài tham gia"

Về vấn đề nhà đầu tư Thái Lan đã mua 34% cổ phần của Công ty CP Nước mặt sông Đuống, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, đa phần các quốc gia sẽ không chọn giải pháp cho phép nước ngoài cung cấp các dịch vụ ảnh hưởng đến an ninh như mặt hàng nước sạch.

Trên thế giới, vừa có cả mô hình kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, hoặc mô hình tư nhân cung cấp hoàn toàn. Nước Anh, sau năm 1989 tư nhân hóa hoàn toàn dịch vụ cung cấp nước sạch. Những mô hình hỗn hợp thì tư nhân cung cấp không nhiều.

Việc để doanh nghiệp tư nhân nước ngoài tham gia vào thì rất mới mẻ đối với các quốc gia bởi nước còn liên quan đến yếu tố an ninh. Đa phần các quốc gia sẽ không chọn giải pháp cho phép nước ngoài cung cấp mà chỉ để cho các doanh nghiệp trong nước tham gia, ông Đồng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đồng, trong bối cảnh của Việt Nam nên cho phép tư nhân tham gia một công đoạn (có 3 công đoạn liên quan nước sạch gồm sản xuất ra nước và bán buôn, công đoạn liên quan đến truyền tải, công đoạn thứ 3 là bán lẻ cho người dùng).

Quay lại khuôn khổ pháp lý, Nghị định 117/2007/NĐ-CP là Nghị định không có luật cao hơn để hướng dẫn, về nguyên tắc cung cấp dịch vụ công. Đồng ý là dịch vụ công nhưng vẫn phải nhìn nhận nó như một thị trường có người bán, người mua, có nhiều bên cung cấp khác nhau.

Trong đó, chỉ nên cho tư nhân tham gia vào giai đoạn đầu tiên về sản xuất, còn 2 giai đoạn sau Nhà nước cần độc quyền bởi vì nó sẽ liên quan về chất lượng, tối ưu hóa chi phí về hạ tầng, cũng giống như điện, nếu các doanh nghiệp tư nhân đều tham gia vào thì sẽ không hiệu quả.

"Để nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp nước sạch cũng là vấn đề mới mẻ. Liên quan đến an ninh, có lẽ không nên cho phép nước ngoài cung cấp", ông Đồng nhận định.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/co-nen-de-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-tham-gia-vao-dich-vu-cung-cap-nuoc-sach-3526314.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin