Cơ hội khẳng định thương hiệu cho 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Từ 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) được thực thi, mở ra nhiều cánh cửa sáng cho xuất khẩu hàng hóa khi 39 mặt hàng của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến: Chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản: 13%, sản phẩm khác: 13%. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm chủ lực của Việt Nam có thể gia nhập thị trường EU và khẳng định thương hiệu tại thị trường này.

Những cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA sẽ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường châu Âu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn,…

EVFTA được thực thi tạo cơ hội khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Âu cho vải thiều Thanh Hà (Ảnh: internet)

Để vào được thị trường EU, các sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn, tương tự hệ thống quản lý chất lượng ISO).

Theo tiêu chuẩn GlobalGap (với trên 200 tiêu chí), người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến bao gồm toàn bộ thông tin trong quá trình sản xuất như làm sạch đất, chọn giống cây trồng vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, GlobalGap cũng đề cập đến các tiêu chí khác như: Phúc lợi cho người lao động, độ tuổi lao động, lao động trẻ em, vấn đề bảo vệ môi trường…

Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam, bởi hiện nay, tỉ lệ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) và số lượng các sản phẩm theo mô hình này còn chưa nhiều.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. "Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, tuy nhiên, để khai thác được thị trường này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/co-hoi-khang-dinh-thuong-hieu-cho-39-mat-hang-cua-viet-nam-duoc-eu-bao-ho-chi-dan-dia-ly-a107162.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin