Chuyên gia kiến nghị cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường của cán bộ

(Pháp lý) - Liên quan đến việc chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn thu tiền cấp quyền khai thác Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước dẫn đến nguy cơ ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng, Đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp luật kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ ban hành những văn bản này. Với thực trạng “nợ đọng” văn bản, văn bản có “lỗ hổng”… của một số cơ quan thời gian qua, kiến nghị cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường của cán bộ công chức khi để xảy ra tình trạng trên.

Ngân sách nhà nước sẽ thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (ảnh minh họa)
Ngân sách nhà nước sẽ thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (ảnh minh họa))

Bộ xin nghiêm khắc nhận trách nhiệm

Ngày 1/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Đại biểu Quốc hội để giải trình một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu tại buổi thảo luận ở Tổ việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Nội dung văn bản cũng đã đề cập đến việc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến sự chậm trễ này.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường “xin nghiêm khắc nhận trách nhiệm” với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định nêu trên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã kiểm điểm cấp Vụ, cấp Tổng cục, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (giai đoạn 2011- 2015) đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu trước Lãnh đạo Bộ.

Các Vụ, Cục có liên quan của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã kiểm điểm trách nhiệm và đã có hình thức kỷ luật tương xứng. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường không nói rõ “hình thức kỷ luật tương xứng” là hình thức nào.

Phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật gia Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định, tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật (Thông tư, Nghị định) khá phổ biến, tồn tại nhiều năm nay, cần sớm khắc phục. Chậm ban hành hướng dẫn thi hành luật gây không ít khó khăn, ảnh hướng đến tiến độ công việc cũng như chất lượng việc giải quyết các vấn đề liên quan.

Luật gia Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII
Luật gia Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hải Phòng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII)

Thực tế, có tình trạng luật được thông qua 2 năm, thậm chí 3,4 năm mới có Nghị định hướng dẫn thi hành. Khi đó các quy định trong luật lại không phù hợp với thực tiễn. Điều này gây lãng phí lớn, bởi luật không đi vào cuộc sống, hệ lụy là tình trạng nhờn luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Vinh cho rằng, việc chậm ban hành 2 Nghị định 203/2013/NĐ-CP và 82/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi thành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, đây là số tiền không nhỏ.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Khoáng sản năm 2010 và khoản 3 Điều 65 Luật Tài nguyên nước năm 2012: Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên là trái với quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật “bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật”.

Chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn làm cho luật đã ban hành nhưng không đi vào thực tế, nhà nước không thu được tiền từ việc cấp quyền khai thác khoán sản, tài nguyên nước đã làm mất hiệu lực của luật với các đối tượng này trong khoảng thời gian từ khi luật bắt đầu có hiệu lực đến khi Nghị định có hiệu lực.

Thực chất, trước khi ban hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ đã phải xem xét và lường trước những khó khăn phức tạp và có đề xuất giải quyết trước khi Luật được thông qua. Việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật dẫn đến những khó khăn vướng mắc như đã nêu là trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cụ thể là Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao soạn thảo văn bản… chưa chủ động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, Chính phủ cần kiểm điểm, phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên theo quy định. Không thể nhận trách nhiệm chung chung, theo kiểu nhận xong rồi để đấy, ông Vinh bày tỏ quan điểm.

Theo quan điểm của ĐBQH Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đây là “lỗi của nhiệm kỳ trước” và lý do xin lùi của Chính phủ nêu trong tờ trình chưa thuyết phục. Để đảm bảo công bằng, ông đề nghị Chính phủ phải xem rõ có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi chính sách ở đây không. Tôi cho rằng vấn đề này không chỉ là vấn đề thực thi chính sách pháp luật mà còn giảm uy tín, giảm “thượng tôn pháp luật”. Nếu chỉ xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm là chưa thoả đáng.

Nói về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, ĐBQH Hoàng Quang Hàm – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, khó khăn Chính phủ nêu chưa thuyết phục. Và bản chất xin lùi thời gian là “không tính, không thu khoản cấp quyền này”. Ông Hàm phân tích, tại thời điểm ban hành các Nghị định thì các khoản thu cấp quyền này không phải là các chính sách mới mà đã được luật định từ lâu và là khoản thu không hồi tố.

Hơn nữa, theo ông, việc thu cấp quyền khai thác được ban hành để ngăn chặn tình trạng thất thu từ khoáng sản, tài nguyên nên không thể miễn thu khoản thu này chỉ vì lý do Chính phủ chậm ban hành Nghị định là chưa thoả đáng.

Ngoài ra, việc cho rằng do có các doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản nên khó khăn, không khả thi khi thu, theo ông Hàm không đáng lo vì trường hợp này sẽ được khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế.

“Thực tế còn nhiều doanh nghiệp đang hoạt động để có thể thu. Việc phải tính toán lại và bù trừ với các khoản đã nộp ngân sách cũng không đáng ngại vì khi tính lại chắc chắn sẽ tăng thu thêm cho ngân sách, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán đủ các khoản phải nộp ngân sách, xác định các khoản không thể thu được, nguyên nhân, số còn lại phải thu”.

“Đây là khoản thu ngân sách theo luật định nên việc phải nộp vào ngân sách là bình thường. Chính phủ cần xử lý nghiêm những trường hợp ban hành văn bản hướng dẫn luật chậm để bảo đảm quyền lợi của các bên được điều chỉnh bởi văn bản”, ông Hàm nêu.

Kiến nghị cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường

Để khắc phục tình trạng ban hành chậm, ban hành sai văn bản quy định chi tiết, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật theo chuyên gia cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp quan trọng như:

Thứ nhất, phải đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành.

Thứ hai, trong quá trình soạn thảo luật phải đảm bảo tính khả thi, phải rõ ràng, chi tiết, có khả năng thực thi trong thực tế. Phải hạn chế những điều khoản cần văn bản hướng dẫn, tránh xây dựng luật chung chung, những nội dung nào không thể quy định ngay trong luật được thì mới cần đến văn bản hướng dẫn. Điều này sẽ làm giảm số lượng văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cũng như chế tài cụ thể đối với những cá nhân, tổ chức khi ban hành văn bản pháp luật sai, chậm, không bảo đảm về chất lượng.

“Hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường trong việc tham mưu, xây dựng dự thảo, thẩm định, ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp, trái pháp luật, gây ra thiệt hại. Tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề đáng cân nhắc”, ông Vinh nêu quan điểm.

Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được phân công soạn thảo.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

VĂN CHIẾN

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin