Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định: Đủ cơ sở khởi tố các cơ sở đóng tàu tội Lừa dối khách hàng (?!)

(Pháp lý) – Như Pháp lý đã thông tin, ngày 4/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an vào cuộc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67 mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố nằm bờ ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Với mong muốn được góp phần làm sáng tỏ thêm những căn cứ pháp lý của vụ việc, PV Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Võ Hồng Nam – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định và Luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn

Phóng viên: Những hành vi sai phạm của 2 cơ sở đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) đối với 19 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định (như báo chí đã phản ánh và Tổ thẩm định độc lập công bố kết quả chiều 22/6 và 26/6), theo luật sư đã hội đủ căn cứ pháp lý để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, điều tra làm rõ theo quy định pháp luật?

Luật sư Võ Hồng Nam – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định 
Luật sư Võ Hồng Nam – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định)

Luật sư Võ Hồng Nam: Theo tôi hành vi của hai cơ sở đóng tàu (Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu): tự ý thay đổi vật liệu thép thi công không đúng theo hợp đồng, sơn không đảm bảo theo quy trình, lắp máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế.... có dấu hiệu phạm tội Lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn (Đoàn Luật sư TP. HCM): “Về ý thức chủ quan, các cơ sở đóng tàu biết trước việc thay đổi động cơ, vật liệu, trang thiết bị, kết cấu… sẽ gây hậu quả, nhưng quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi gian dối nhằm trục lợi. Sau khi tàu vỏ thép đưa vào hoạt động không đảm bảo chất lượng, hư hỏng động cơ, vỏ tàu gỉ sét nghiêm trọng dẫn tới hậu quả phải nằm bờ, không ra khơi được, sản lượng đánh bắt không có, đời sống ngư dân khó khăn, nợ nần ngân hàng chồng chất… Như vậy thiệt hại vật chất là có thể tính được nên đã đủ cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự của người đứng đầu và những người liên quan của đơn vị đóng tàu theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội Lừa dối khách hàng”.

Phóng viên: Có quan điểm khác cho rằng, hành vi của các cơ sở đóng tàu có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 139 Bộ luật HS)? Xin luật sư phân tích rõ hơn những căn cứ để xác định tội danh Lừa dối khách hàng ?

Luật sư Võ Hồng Nam: Điều 162 Bộ luật HS quy định: “Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng… thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm…”

Đối chiếu với điều luật trên, cho thấy các hành vi của các cơ sở đóng tàu (như tôi đã đề cập ở câu hỏi trên) thỏa mãn được các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội Lừa dối khách hàng. Xét về mặt chủ thể của tội phạm, các cơ sở đóng tàu theo hợp đồng đóng mới ký kết với ngư dân thực chất là người bán hàng (tàu vỏ thép) cho ngư dân trong quan hệ giao dịch mua bán. Thế nhưng, trong quá trình đóng tàu các cơ sở đóng tàu đã lợi dụng sự sơ hở, thiếu hiểu biết của ngư dân đã dùng thủ đoạn đánh tráo và tự ý thay đổi nguyên liệu (động cơ, vỏ thép, các trang thiết bị…) không đúng với chủng loại, kết cấu và chất lượng hàng mà ngư dân được nhận theo hợp đồng. Như vậy, hành vi khách quan của tội là hành vi lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, hành vi nói trên bị coi là tội phạm chỉ khi đã xác định được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng mà các cơ sở đóng tàu đã gây ra cho ngư dân.

Trong khi đó, dấu hiệu pháp lý cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật HS) phải có ý chí, thủ đoạn, hành vi gian dối trước khi giao nhận tiền, tài sản. Trong vụ việc này, giữa các cơ sở đóng tàu với người dân đều ký kết hợp đồng dân sự hợp pháp, qua nhiều cơ quan chức năng phê duyệt, và hành vi hoán đổi vật liệu, kết cấu xảy ra sau khi ký hợp đồng nên tôi cho rằng chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: “Thực chất đây là hợp đồng ngư dân mua con tàu, chứ không phải thuê các cơ sở đóng tàu vì nếu ngư dân thuê thì ngư dân phải trực tiếp đi mua vật liệu và thiết bị, đằng này mọi nguyên liệu, động cơ, thiết bị đều do cơ sở đóng tàu làm hết, có khác gì mua đứt bán đoạn”

Phóng viên: Trường hợp không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định pháp luật thời gian điều tra có được tính vào thời hiệu khởi kiện dân sự?

Luật sư Võ Hồng Nam: Khoản 2 Điều 103 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.”

Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình bị các cơ sở đóng tàu xâm hại, những ngư dân là chủ tàu vỏ thép có quyền gửi đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra. Trong thời hạn 2 tháng, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Đối chiếu với quy định trên, nếu như quá trình điều tra, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật, thời gian này có thể được xem là trở ngại khách quan, do đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Ngoài ra, các ngư dân vẫn có quyền chọn lựa một giải pháp khác, nếu cảm thấy quá trình điều tra kéo dài, không đủ kiên nhẫn chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra thì vẫn có thể khởi kiện vụ án dân sự trước khi quá thời hiệu (3 năm).

Tàu vỏ thép của ngư dân Mai Văn Chương (Phù Cát - BĐ) gỉ sắt, bong sàn từng mảng
Tàu vỏ thép của ngư dân Mai Văn Chương (Phù Cát - BĐ) gỉ sắt, bong sàn từng mảng)
Nằm bờ la liệt vì hư hỏng động cơ, thiết bị…
Nằm bờ la liệt vì hư hỏng động cơ, thiết bị…)

Phóng viên: Liên quan đến vụ việc, dư luận yêu cầu làm rõ vai trò của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá trong vai trò kiểm định chất lượng trước khi đưa các tàu vỏ thép đi vào hoạt động (vì mỗi tàu cá phải trả chi phí kiểm định 60 triệu đồng). Hiện nội vụ đang dừng lại ở bước rút kinh nghiệm và Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản đình chỉ công tác các đăng kiểm viên. Theo luật sư, những sai phạm của các đăng kiểm viên như báo chí đã thông tin có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự không ? Nếu có là tội danh gì?

Luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn
Luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Điều 11 và Điều 12 “Quy chế đăng kiểm tàu cá” (ban hành theo quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ NN&PTNT) quy định rất rõ và cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của đăng kiểm viên và trách nhiệm của Cơ quan Đăng kiểm tàu cá. Trong đó có nội dung xác định trách nhiệm: “Người đứng đầu Cơ quan Đăng kiểm tàu cá và người trực tiếp thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra”.

Do đó, nếu xác định được trách nhiệm liên quan, các đăng kiểm viên có thể chịu trách nhiệm hình sự ở một số tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “nhận hối lộ” (nếu có)...

Trả lời báo Tuổi trẻ (24/6), luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: “Theo báo cáo kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép ở Bình Định, tôi thấy nhiều sai phạm có dấu hiệu “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (đối với hai công ty đóng tàu Nam Triệu, Đại Nguyên Dương) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (đối với cơ quan đăng kiểm). Theo tôi, cơ quan chức năng cần xác minh để khởi tố điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Giám định chất lượng thép, máy... của 18 tàu đóng mới; giám định thiệt hại của ngư dân, Nhà nước (6% tiền lãi cấp bù cho chủ tàu) và các ngân hàng thương mại”

MINH TRUNG
(Thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin