(Pháp lý) - Chống dịch nhưng cũng cần chống doanh nghiệp (DN) phá sản; Chính sách chống dịch Covid - 19 xin đừng “gây khó”, “đánh đố” DN; “Cứu DN để cứu chính mình”…là những thông điệp, yêu cầu bức thiết trong sửa đổi, bổ sung chính sách kinh tế hiện nay.
VCCI kiến nghị gì tới Chính phủ? Những chính sách tài chính, kinh tế chủ công nào được chuyên gia lưu ý? Ngành ngân hàng cần tập trung những giải pháp quan trọng nào để cứu nền kinh tế? Các Bộ ngành cần làm gì để cứu các tập đoàn, DNNN?….
10 kiến nghị từ VCCI gửi Chính phủ: Miễn giảm thuế, không tăng lương tối thiểu, dừng thu phí công đoàn…
Trong hội nghị trực tuyến diễn ra vào 3/4, Chủ tịch VCCI đã ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp và có 10 kiến nghị đáng chú ý gửi tới Chính phủ:
Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này cùng hàng hoá dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi cung ứng, ngay cả trong trường hợp phải siết chặt các biện pháp cách ly và phong toả;
Thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng, không thanh kiểm tra DN trong thời điểm này. Chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm; Với ngân hàng thương mại, đề nghị không chỉ tái cơ cấu nợ, giảm chi phí cho vay, không thu phí dịch vụ với khoản giao dịch nhỏ, mà cần phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm 2% - 2,5% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh; Với ngành tài chính, VCCI đề nghị không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế như hiện nay, mà còn cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và một số loại thuế và phí khác;
Về lao động, tiền lương, đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2021 và dừng thu phí công đoàn đến hết năm 2020, giảm mức phí công đoàn từ 2 xuống còn 1% ít nhất trong các năm 2020, 2021. Cùng với đó, dừng và giảm thu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống 0,5% trong ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng. Và đề nghị dùng quỹ kết dư này cộng với nguồn của ngân hàng chính sách xã hội có thể cho DN vay với lãi suất 0%, hỗ trợ cho DN trả lương cho người lao động. Bên cạnh đó, có thể cho phép thực hiện chế độ tiền lương linh hoạt hơn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Về lĩnh vực logistics, nên giảm phí cảng biển về mức 50%; Trong lĩnh vực du lịch, cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch trong các năm 2020, 2021. Nghiên cứu giảm tiền thuế đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng;
Thực thiện nhanh Chính phủ điện tử và thúc đẩy cải cách thể chế, giảm mạnh và đơn giản hóa thủ tục; "Cần phải có chủ trương chính sách để đón đầu cơ hội trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Trong đó thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ là những hướng đi quan trọng. Cơ quan này cũng nhận định một điểm rất yếu của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài cả ở đầu ra của sản phẩm, dịch vụ và đầu vào nguyên liệu, vật tư, thiết bị cho sản xuất.
Cuối cùng, về phía cộng đồng DN, đề nghị phải thực hiện ngay các giải pháp cắt giảm chi phí, chú trọng khai thác thị trường trong nước, tăng cường liên kết và phát triển thị trường nội bộ. Hơn lúc nào hết, liên kết DN là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, tranh thủ đào tạo lại nhân viên.
Một loạt kiến nghị từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gửi các Bộ ngành
Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) kiến nghị Bộ Tài chính, Công thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước, xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho các DN vận tải …..
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các DN vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho VinaChem, Tổng Công ty đường sắt, Vietnam Airlines, VNPT, PVN…
Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập DN và các khoản đóng góp ngân sách để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội xem xét việc miễn, giảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ bảo hiểm liên quan đối với các DN (không chỉ là giãn, hoãn thời gian nộp); có chế độ hỗ trợ, trợ cấp đối với người lao động không có việc làm, giảm thu nhập do dịch, nhất là các DN ngành dệt may, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, vận tải… là những ngành có nhiều lao động, thu nhập thấp, hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.
Bộ Kế hoạch đầu tư: Sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của DN nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tắc nguồn vốn đầu tư của các DN đã chuẩn bị, nhất là các dự án ngành điện, các dự án hạ tầng hàng không, …..
Kiến nghị ba chính sách chủ công chống Covid-19
Theo TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright: Mục tiêu của Chính phủ lúc này là bảo toàn lực lượng gồm sự sống người dân và sức khoẻ DN để nhanh hồi phục sau dịch. Trong bài viết của đăng trên Vnexpress.net, TS. Vũ Thành Tự Anh nêu ba chính sách chủ công chống Covid-19 cần lưu ý.
Về chính sách tài khóa, chi tiêu công quan trọng nhất hiện nay là cho y tế và phòng dịch. Nếu cú sốc y tế không được chặn đứng, chắc chắn sẽ dẫn tới cú sốc kinh tế. Nếu chúng ta chấp nhận suy giảm kinh tế tạm thời thì còn có sức để chống dịch lâu dài và có thể hồi phục kinh tế sau này. Còn nếu mặt trận y tế thất bại thì chắc chắn sẽ dẫn tới thất bại kinh tế, tài chính và thậm chí các khủng hoảng khác.
Mặt khác, cần có chính sách miễn, giảm, hoãn, giãn thuế (VAT, thuế thu nhập DN) cho các DN chịu tác động nghiệm trọng của Covid-19. Chính phủ cũng cần tăng chi tiêu cho các chính sách an sinh, trợ cấp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Về tiền tệ, quan trọng nhất là đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho DN chịu tác động bởi dịch. Ngoài ra, có thể cho phép cơ cấu lại các khoản nợ của DN và vay tiêu dùng, như giãn tiến độ, hoãn trả nợ, không đưa vào danh sách nợ xấu vì đây là rủi ro từ trên trời rơi xuống, không phải là lỗi của DN và người dân.
Về đầu tư công, Chính phủ cần nhắm vào hai mục tiêu: vừa kích thích kinh tế, vừa giúp bồi dưỡng năng lực khi hồi phục. Theo đó, các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (5G), năng lượng tái tạo, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà hiện nay do thiếu vốn nên ngưng trệ, chậm tiến độ, các nền tảng giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử… nên được xem là các ưu tiên đầu tư.
Kiến nghị 5 giải pháp ngành ngân hàng cần làm
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Các chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra 5 giải pháp đối với ngành ngân hàng.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với DN gặp khó khăn, thông qua đó trợ giúp thanh khoản cho hệ thống DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo đó, xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 – 0,2% trong 1-2 tháng tới, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các DN. “Những “hỗ trợ” về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những DN trực tiếp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng “giảm lãi” hay “chia sẻ khó khăn” từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế. Cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN tốt, có tiềm năng nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19”, nhóm chuyên gia đánh giá.
Giải pháp thứ hai là bổ sung thêm danh mục thứ 6 về các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần trong Điều 13, khoản 2, Thông tư 39/2016/TT-NHNN về Quy định hoạt động cho vay của TCTD: “Phục vụ lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch hoặc biến đổi khí hậu”.
Theo các chuyên gia, hiện tại, 5 lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam chưa có nội dung hỗ trợ các DN, tổ chức nằm trong lĩnh vực này. Cùng với đó, lãi suất trần có hiệu quả ngắn hạn và tác động trực tiếp nhất định trong một số trường hợp tại Việt Nam. Đây là một trong những công cụ tác động trực tiếp tới thị trường tín dụng, nhưng cũng cho phép các TCTD có sự linh hoạt nhất định và vai trò chủ động khi áp dụng quy định này.
Giải pháp thứ ba là NHNN tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Trong đó, lên kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô nếu mất giá của đồng tiền rơi vào 3 mức 1-3%, 3-5%, và 5-7% để có các phương án thích hợp với chính sách tiền tệ của mình…
Giải pháp thứ tư là các TCTD tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới trong đại dịch Covid-19, như: tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh; tăng cầu thanh toán bằng giảm phí hoặc miễn phí với các khách hàng hiện tại. Hướng dẫn cách sử dụng trên trang web hoặc qua tin nhắn cho khách hàng; tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế; quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp. Đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam, trong điều kiện 69% dân số còn chưa có tài khoản thanh toán trong ngân hàng nhưng lại có số thuê bao di động và sử dụng internet lớn…
Nhóm giải pháp cuối cùng được các chuyên gia đưa ra là các TCTD cần thống nhất và thông báo tới các DN “chuẩn chung” cho công cuộc “giải cứu” nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.
Theo đó, các TCTD cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để DN và thị trường cùng nắm bắt được. Sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chia làm 2 phương án. Phương án thứ nhất là gói cho vay (gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng mà các ngân hàng cam kết giải ngân và các gói khác nếu có) để hỗ trợ thanh khoản cho các DN “sống sót” qua mùa dịch. Phương án thứ hai là “tân trang” các khoản nợ có nguy cơ “xấu” bởi dịch Covid-19, để DN có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.
Kiến nghị sửa chính sách lao động gây khó cho DN
Trong đề xuất kiến nghị các giải pháp mới nhất nhằm hỗ trợ DN giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất kinh doanh, cả ba hiệp hội là Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Da giày – Túi xách (Lefaso), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đã đặc biệt lưu ý đến chính sách về lao động. Điển hình là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cả ba Hiệp hội mong muốn Quốc hội thông qua việc giảm tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ BHTN từ 1% xuống 0,5%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, có thể thấy chi phí đóng BHXH đối với những DN thâm dụng lao động như thuỷ sản, dệt may, da giày là một áp lực lớn. Trong khi đó, đây là ba ngành có tầm ảnh hưởng rất lớn trong các ngành kinh tế chủ chốt của đất nước với kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái đạt tới gần 80 tỷ USD và tạo ra gần 8 triệu việc làm cho người lao động trên cả nước. Vì vậy, các DN mong muốn được miễn toàn bộ đóng BHXH đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của người lao động. Và được miễn đóng BHTN đến hết năm 2020.
Ngoài kiến nghị nêu trên, chính sách tạm hoãn đóng BHXH trong mùa dịch này được cho là có không ít vấn đề gây khó. Chẳng hạn như có phương án đưa ra là điều kiện kèm theo trong việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất sẽ áp dụng cho 2 nhóm DN: DN có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và DN bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng cần chỉnh sửa lại những điều kiện như vậy nếu không muốn dẫn đến nguy cơ hàng nghìn lao động phải bị nghỉ việc để DN đảm bảo quy định được hỗ trợ.
Nhiều DN bày tỏ mong muốn cần mở rộng quy định về mức thiệt hại và hỗ trợ. Tuỳ theo tình hình thiệt hại của DN do Covid-19 gây ra và tỷ lệ lao động bị ngừng việc tới đâu thì hỗ trợ ở mức bấy nhiêu. Việc hỗ trợ không chỉ căn cứ vào phần trăm số lao động bị ảnh hưởng mà tất cả người bị ảnh hưởng, những người bị ngừng việc đều được tạm dừng việc đóng một phần BHXH. Đồng thời, không khống chế tỷ lệ thiệt hại trên 50% đối với DN mới được nhận hỗ trợ.
Thư Nguyễn - Lê Phúc