Chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường: Những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và những đòi hỏi từ cuộc sống

13/03/2019 09:51

(Pháp lý) - LTS: Ngày 15/1/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh hiện nay, yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên của đất nước đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ của một cơ quan báo chí thuộc Hội Luật gia Việt Nam, với mong muốn tuyên truyền chính sách, đánh giá tác động tích cực của chính sách và chung tay cùng các cơ quan được giao xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường, từ số này Tạp chí Pháp lý khởi đăng tuyến bài dài kỳ nhằm tuyên truyền, phân tích quá trình thực thi chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận các ý kiến chuyên gia pháp luật góp ý sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật liên quan đến tài nguyên và môi trường để tài nguyên trở thành nguồn lực đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển của đất nước.

Bài 1: Luật Đất đai 2013 và những tác động tích cực tới kinh tế - xã hội

Từ khi thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai ở tầm vĩ mô ổn định; các hoạt động ở khâu “nhạy cảm” nhất của đất đai như thu hồi đất được thực hiện công khai, minh bạch hơn; thủ tục hành chính về đất đai bớt rườm rà, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nhiều quy định trong Luật Đất đai giúp phòng ngừa tham nhũng…

Quản lý đất đai ở tầm vĩ mô ổn định…

Đánh giá tổng quan của cơ quan có trách nhiệm cho thấy, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, nhiều địa phương đã triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai. Chính phủ đã ban hành 11 Nghị định; các Bộ, ngành đã ban hành hơn 40 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành Luật, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương đã quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai đã được tập trung xây dựng... Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 Bộ Tài Nguyên và Môi trường là đơn vị đi đầu và có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 (trong ảnh là ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Bộ Tài Nguyên và Môi trường là đơn vị đi đầu và có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Đất đai 2013 (trong ảnh là ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).)

Thực hiện Luật Đất đai 2013, đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) và đã được Chính phủ xét duyệt (đạt 100%). Các đơn vị hành chính cấp huyện đã triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015). Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã được Chính phủ xét duyệt.

Ghi nhận tại nhiều địa phương, tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí đã được khắc phục; hạn chế được việc giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất. Báo cáo tại Bình Dương, tỉnh này cho biết đã kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất do Nhà nước quản lý tại các xã, phường, thị trấn, đất của các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, các nông trường, lâm trường để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai được chú trọng. Các địa phương coi trọng việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và công khai kết quả các kết luận thanh tra, qua đó, đã góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật đất đai và khắc phục nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất.

Luật Đất đai 2013 có hiệu lực làm thay đổi thị trường bất động sản nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng. Giao dịch về quyền sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp và ổn định, các đơn vị tư vấn đất được hình thành và hoạt đông ngày càng chuyên nghiệp, hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Thị trường giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đã góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu hồi đất: Minh bạch hơn

Về thu hồi đất, Luật Đất đai năm 2013 thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Tại các địa phương, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “ tùy tiện” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai được quy định trong Luật đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Những quy định đổi mới về giá đất đã tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế.

Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi 2013 cũng quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo kết quả tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong gần 7 năm, các địa phương đã quyết định thu hồi 50.906 ha của 1.481 tổ chức và 598 hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai. Những tỉnh thu hồi nhiều đất do vi phạm pháp luật về đất đai như: Bình Phước 6.070 ha, Phú Yên 5.813 ha, Đắk Nông 5.791 ha, Quảng Nam 5.217 ha, Gia Lai 2.719 ha, Quảng Ninh 2.245 ha, Khánh Hòa 604 ha, Hà Nội 594 ha. Đây được coi là một tiến bộ nổi bật trong công tác quản lý đất đai so với thời gian trước đây.

Nhiều quy định của Luật Đất đai 2013 góp phần ngăn ngừa tiêu cực, trục lợi từ nguồn lợi đất đai (trong ảnh là người dân tiếp nhận thông tin công khai về đất đai).
Nhiều quy định của Luật Đất đai 2013 góp phần ngăn ngừa tiêu cực, trục lợi từ nguồn lợi đất đai (trong ảnh là người dân tiếp nhận thông tin công khai về đất đai).)

Thủ tục hành chính về đất đai thuận lợi hơn

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được coi trọng, giảm tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc và giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai…

Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai: Hiệu quả hơn

Công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất đã được tăng cường về số lượng; điều chỉnh về đối tượng, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; coi trọng việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và công khai kết quả thực hiện các kết luận thanh tra. Kết quả đã góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật đất đai và khắc phục kịp thời nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, giai đoạn 2013 - 2017, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 2.677 cuộc thanh tra về lĩnh vực đất đai, phát hiện vi phạm số tiền 2.098.011 triệu đồng, 22.905 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 1.502 tỷ đồng, 6.499 ha đất; kiến nghị, xử lý khác 595.260 triệu đồng, 16.456 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 2.774 tập thể và 13.260 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 84 vụ việc, 41 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện nhiều bất cập, yếu kém, khuyết điểm, vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các đơn vị, cá nhân sử dụng đất; kiến nghị điều chỉnh những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách trong công tác lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất đai.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp đã tiếp 1,6 triệu lượt công dân, với 20.520 đoàn đông người; giải quyết 130.623 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 85%. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho công dân 1,6 tỷ đồng và 599 ha đất, bảo vệ quyền lợi cho 4.220 người, xử lý hành chính 2.014 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 82 vụ, 138 đối tượng. Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh 316 vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Chính phủ giao có liên quan đến đất đai. Cơ quan Công an Trung ương đã phối hợp xử lý đưa trên 10.000 lượt người khiếu kiện từ trụ sở Chính phủ, Trung ương, Quốc hội về Trụ sở tiếp công dân của các cơ quan Trung ương để giải quyết, bố trí đưa 549 người về địa phương giải quyết; xử lý 2316 đối tượng vi phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Từ các số liệu báo cáo trên, rõ ràng việc thanh kiểm tra, giải quyết các vấn đề tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đã trở thành hoạt động thường xuyên, minh bạch và hiệu quả hơn.

Nhiều chế định giúp phòng, ngừa tham nhũng đất đai

Theo tìm hiểu của Phóng viên Pháp lý, các quy định của Luật Đất đai 2013 có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng phải kể đến như: Quy định cụ thể từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất có quyền tham gia đóng góp ý kiến của mình từ khi lập quy hoạch, đồng thời, quy định bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.

 Quang cảnh một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở Phú Thọ (ảnh minh họa)
Quang cảnh một phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở Phú Thọ (ảnh minh họa))

Đồng thời, Luật quy định rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan mà không tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả như trong thời gian vừa qua; Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất, nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.

Trước Luật này, vấn đề bức xúc nhất, gây khiếu kiện nhiều nhất của người dân là vấn đề liên quan đến thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất. Luật Đất đai 2013 đã quy định khá cụ thể và đầy đủ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi; hướng đến điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Luật Đất đai 2013 đã bổ sung các quy định về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân và để người dân có thể giám sát theo dõi các hoạt động quản lý đất đai. Các quy định trên được thực hiện đã và đang phát huy ý nghĩa quan trọng trong việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường: Những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và những đòi hỏi từ cuộc sống" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin