Chính sách pháp luật kinh tế và những con số, phát ngôn đáng suy ngẫm

(Pháp lý) - Chất lượng văn bản ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh doanh của doanh nghiệp; Văn bản chính sách ban hành chậm, sai có thể gây thiệt hại nghìn tỷ; Giảm 1% chi thường xuyên là có 10.000 tỷ đồng cho đầu tư; Thất thoát tài sản do cổ phần hóa đã có nhiều nơi, nhiều chỗ; Bất cập trong chủ trương thoái vốn 100% lĩnh vực nước sạch; Lo lắng Việt Nam là nạn nhân của trừng phạt thương mại... là những vấn đề đáng suy ngẫm được các Đại biểu Quốc hội phát ngôn, thông tin tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội vừa qua.

Có thể thiệt hại gần 5.000 tỉ do chậm ban hành hai Nghị định

Việc Chính phủ chậm ban hành 2 Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước, có thể gây thiệt hại cho ngân sách gần 5.000 tỉ đồng - đó là thông tin được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, trình bày trước Quốc hội chiều 21/10.

[caption id="attachment_214933" align="aligncenter" width="410"]Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh[/caption]

"Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên", ông Thanh nhấn mạnh.

Bao giờ xong Thông tư để “trị” gian lận xuất xứ hàng hóa?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là một việc khó nên Bộ Công thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các Bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp của các Bộ, ngành.

Bày tỏ sự chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã truy rõ thời gian hoàn thành Thông tư trên.

"Đã có nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề này, tôi rất chờ câu trả lời của Bộ trưởng, nhưng vừa rồi Bộ trưởng chỉ mô tả quy trình để ra Thông tư, về những khó khăn phức tạp vẫn chưa ra được. Thông tư là quyền của Bộ trưởng, sống hay không là phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của Bộ trưởng, tôi và cử tri cần Bộ trưởng trả lời khi nào thì có Thông tư này?", Đại biểu Trí đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại rằng, để ban hành được Thông tư cần những cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Đại biểu lo lắng Việt Nam là nạn nhân của trừng phạt thương mại

Về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, làm giả về chất lượng và về thương hiệu, buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng: “Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”, ĐB Mai Sỹ Diến hỏi Bộ trưởng Công thương.

Vấn đề được ông Diến đặt ra tiếp theo là việc dư luận cho rằng các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm. Điều này dẫn đến hệ lụy. Việt Nam sẽ là nạn nhân, bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Đặc biệt, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

“Giảm 1% chi thường xuyên là có 10.000 tỷ đầu tư”

Đó là phát biểu rất đáng suy ngẫm của ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức TW tại tổ ngày 29/10 khi Quốc hội góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và khi nhắc đến vấn đề tinh giản bộ máy.

“Ta không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách. Nếu giảm được chi tiêu thường xuyên sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển”, ông Chính nói. Với 1 triệu tỷ từ tổng chi thường xuyên của ngân sách (trong đó có chi cho bộ máy), Trưởng ban Tổ chức Trung ương tính toán chỉ cần giảm 1% thôi, chúng ta cũng có thêm 10.000 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển. Theo ông Chính, việc này là hiệu quả và rất cần thiết trong điều kiện ngân sách của ta còn hạn hẹp.

[caption id="attachment_214934" align="aligncenter" width="410"]Ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức TW Ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức TW[/caption]

Giải ngân vốn đầu tư công và trách nhiệm cá nhân với hàng chục nghìn tỷ “ra đi” ở 12 dự án thua lỗ…

Mặc dù Chính phủ đã đôn đốc các bộ ngành địa phương, hoàn thành thủ tục đến đâu giao đến đó, nhưng đến nay còn 27.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa giao được, do chưa đủ điều kiện không đáp ứng để giao được".

Những nguyên nhân được chỉ ra như văn bản quy định, thủ tục còn bất cập, phức tạp, quy định còn chồng chéo, vướng mắc, khâu tổ chức thực hiện còn yếu, vai trò trách nhiệm người đứng đầu, trình độ năng lực chuyên môn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Cà Mau nêu vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm tại các công trình trọng điểm là điệp khúc "biết rồi nói mãi", năm nào cũng được nêu trong báo cáo Chính phủ nhưng "càng khắc phục, kết quả càng tồi tệ hơn". Ông đặt câu hỏi, "phải chăng chậm giải ngân vốn đầu tư công do thắt chặt thủ tục, hay chưa thoả thuận được tỷ lệ ăn chia?". Vị đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công.

[caption id="attachment_214935" align="aligncenter" width="410"]Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Cà Mau Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Cà Mau[/caption]

Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư công, nhưng ở góc độ quản lý vốn, ĐB Tô Văn Tám dẫn số liệu cho biết, cả nước khai thác 30.000 dự án đầu tư công, trong đó 245 dự án không hiệu quả. Nhắc tới 12 dự án thua lỗ ngành Công thương, ông Tám đề nghị Chính phủ tổng rà soát các dự án đầu tư kém hiệu quả, trong đó truy trách nhiệm cá nhân rõ ràng, nếu không ai chịu trách nhiệm thì hàng chục nghìn tỷ vốn Nhà nước đội nón ra đi, thì "đây là sự lãng phí, giải thích thế nào với cử tri?".

Kiểm toán nhà nước xử lý tài chính hơn 61.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội, tính đến ngày 30/9/2019, KTNN đã triển khai 214 đoàn kiểm toán, trong đó 147 đoàn kiểm toán đã kết thúc. Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của các cuộc kiểm toán là hơn 61.000 tỉ đồng. Trong đó tăng thu 6.197 tỉ đồng, giảm chi 12.842 tỉ đồng.

Hoạt động của kiểm toán là rất quan trọng, kết quả xử lý thu về 61.000 tỉ đồng cho thấy nhiều vi phạm về tài chính trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo kiểm toán thì rất ít vụ vi phạm được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự. Dư luận băn khoăn có hay không việc bỏ lọt tội phạm sau kiểm toán bởi những vi phạm khủng chưa được xem xét…?

Bán vốn nhà nước và những lo ngại độc quyền thao túng thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước…

Chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sáng 7/11 tại hội trường, các đại biểu đặt vấn đề về cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có lĩnh vực nước sạch, khi làn sóng thâu tóm, cổ phần hoá diễn ra rầm rộ trên khắp cả nước. Nhiều nhà máy nước đã được bán vốn và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài mua lại.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc mua bán cổ phần, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước. Đặc biệt với các lĩnh vực tối quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, đời sống của người dân như nước, điện…

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Theo ông Nghĩa, nước là vấn đề an ninh quan trọng, thậm chí hơn cả lương thực. Việc thoái vốn toàn bộ 100% rất có vấn đề. Tôi khẩn thiết đề nghị chúng ta phải xem xét lại chủ trương này.

Thất thoát tài sản do cổ phần hóa “đã có nhiều nơi, nhiều chỗ”

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói về làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) và đặt câu hỏi liệu có thất thoát tài sản trong quá trình tái cơ cấu hoặc bán vốn của Nhà nước trong các dự án này không. Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng M&A là xu thế phát triển trong các hoạt động của doanh nghiệp trên bình diện quốc tế. Mặt tích cực, M&A phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ nhắm tới thu nhỏ lại số lượng mà còn tạo ra một thị trường, thể chế và pháp luật thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Về thất thoát tài sản thông qua việc bán vốn hay liên quan đến cổ phần hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định “đã có nhiều nơi, nhiều chỗ”. Lý do được đưa ra là quá trình cổ phần hóa thực hiện không đúng quy định hoặc việc chấp hành không nghiêm, thậm chí có nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp.

“3,3 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế ở chỗ nào đó?”

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, hiện nay cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài, còn lại 3,3 triệu hộ không nộp thuế cho Nhà nước. "Thực tế ngoài thị trường người ta vẫn phải đóng nhưng ở chỗ nào đó. Tôi điều tra thấy chỉ cần một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp hằng tháng, nhưng tiền lại không vào ngân sách. Những người kinh doanh nhỏ lẻ này đang phải nộp tiền cho ai và nộp ở đâu, tôi nghĩ chúng ta đã nhìn thấy qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tư pháp hai ngày nay tại Quốc hội, rằng nạn tham nhũng vặt còn phổ biến" - ông Thân giải thích. Hiện tượng ngân sách không thu được thuế nhưng người dân vẫn phải nộp những khoản tiền cho các đối tượng “bảo kê” hoặc dưới danh nghĩa khác là hiện tượng không hiếm, nếu chấn chỉnh được các hiện tượng này, sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách. Chính vì vậy, cần xem xét các quy định của Luật Doanh nghiệp, để quản lý hiệu quả hộ kinh doanh cá thể.

Đồng thời, cần thiết kế lại những chính sách thuế hợp lý cho phía doanh nghiệp và không gây gánh nặng quản lý cho nhà nước.

Minh Hải và Kim Oanh (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin