Chính sách lương, BHXH, hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc vì dịch covid 19

16/09/2021 14:24

( Pháp Lý). Tình dình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều NLĐ phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc là ngừng việc. Để hỗ trợ NLĐ trong thời gian tạm hoãn, ngừng việc vì Covid-19, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện, thủ tục để NLĐ tạm hoãn HĐLĐ được nhận hỗ trợ. Luật sư Trần Đại Ngọc – Đoàn Luật sư Hà Nội thông tin cụ thể tới bạn đọc như sau:

Quy định về trả lương ngừng việc tại Bộ luật Lao động 2019 là một quy định vô cùng cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Việc trả lương ngừng việc giúp NLĐ có thể an tâm chống dịch mà không sợ thiếu hụt về mặt tài chính khi bị ngừng việc do phải đi cách ly, nơi cư trú bị phong tỏa... Ngoài ra, lương ngừng việc được trả trên sự thỏa thuận giữa NLĐ và doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho các bên.

image001-1630376242.jpg
Các trường hợp phải ngừng việc do cách ly, chưa quay trở lại làm việc thì tiền lương của người lao động do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định

Người lao động hỏi: Tôi muốn tìm hiểu về việc tạm hoãn HĐLĐ và các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn HĐLĐ vì dịch bệnh Covid – 19:

Luật sư trả lời: Tạm hoãn hợp đồng vì Covid-19 sẽ thuộc trường hợp tạm hoãn do hai bên thỏa thuận theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019. Tức là khi NLĐ và doanh nghiệp đạt được thoả thuận về việc hai bên sẽ tạm hoãn thực hiện những nội dung trong hợp đồng lao động đã ký trước đó.

Trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động thì đây là những quy định mà NLĐ cần nắm:

Không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng nếu không có thoả thuận khác

Nội dung này đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019:

Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
.........
 2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, nếu hai bên không đạt được thoả thuận về tiền lương khi tạm hoãn thì về nguyên tắc NLĐ sẽ không được hưởng lương và các lợi ích khác đã giao kết trong hợp đồng.

Không đóng BHXH nếu thời gian tạm hoãn từ 14 ngày trở lên và không hưởng lương

Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 quy định:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Như vậy, nếu thời gian tạm hoãn từ 14 ngày trở lên thì NLĐ sẽ không đóng BHXH và cũng không được NSDLĐ đóng BHXH cho tháng đó nếu không hưởng lương.

Doanh nghiệp phải nhận NLĐ trở lại làm việc sau thời gian tạm hoãn

Theo quy định, khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Lưu ý điều này chỉ xảy ra khi:

+ Khi hết thời hạn tạm hoãn, hợp đồng lao động còn thời hạn; và

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc.

Có nghĩa quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm hoãn mà NLĐ không có mặt tại nơi làm việc, hai bên cũng không có thoả thuận nào khác thì doanh nghiệp không còn nghĩa vụ phải nhận lại NLĐ vào làm việc.

Được nhận hỗ trợ nếu đủ điều kiện

Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về điều kiện, thủ tục để NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ được nhận hỗ trợ như sau

Điều kiện hỗ trợ

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

-  Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến ngày 21/12/2021.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Thành phần Hồ sơ

- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

- Danh sách NLĐ có xác nhận của cơ quan BHXH theo Mẫu số 05.

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh NLĐ đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; GCN nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan BHXH xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH.

Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ.

Bước 2: Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định 23 đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính.

Lưu ý: Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.

- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Nếu không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người lao động hỏi: Tôi muốn tìm hiểu về chính sách hỗ trợ đối với NLĐ ngừng việc vì dịch bệnh Covid – 19:

Luật sư trả lời: Trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19, trong các trường hợp dưới đây thì được trả lương ngừng việc:

- Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc

Nguyên tắc trả lương ngừng việc:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP):

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

Về việc đóng BHXH trong thời gian ngừng việc

Tương tự như trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động, nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày trở lên trong tháng và không hưởng tiền lương thì không đóng BHXH tháng đó.

Được nhận hỗ trợ nếu đủ điều kiện

Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
Hồ sơ

- Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Danh sách NLĐ có xác nhận của cơ quan BHXH theo Mẫu số 06.

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh tigười lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; GCN nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyên đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định 23.

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: NSDLĐ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận NLĐ đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ.

Bước 2: NSDLĐ gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Quyết định 23 đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính.

Lưu ý: Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.

- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.

- Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Nếu không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và tiêu rõ lý do,

- Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của UBND cấp tỉnh, NSDLĐ thực hiện chi trả cho NLĐ.

BOX: 04 trường hợp NLĐ được trả lương ngừng việc vì Covid-19
Ngày 15/7/2021, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương thuộc Bộ LĐTB&XH có Công văn 264/QHLĐTL-TL gửi Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố về việc trả lương ngừng việc cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Công văn hướng dẫn việc trả lương ngừng việc như sau:

- Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

- Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:

1. NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

2. NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

3. NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

4. NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động, cụ thể:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Người lao động hỏi: Thời gian nghỉ không lương quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg từ 15 ngày liên tục trở lên. Trường hợp người lao động nghỉ không lương từ 19/7 đến 10/8 nhưng tháng 7 và tháng 8/2021 vẫn đóng BHXH. Vậy người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Mẫu 05 hay không?

Luật sư trả lời: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó.

Vì vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương từ ngày 19/7/2021 đến ngày 10/8/2021 thì tháng 7/2021 và tháng 8/2021 người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương dưới 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, do đó cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH tháng 7/2021 và tháng 8/2021; người lao động này nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 15 ngày liên tục trở lên thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Người lao động hỏi: Đơn vị chúng tôi là Chi nhánh Công ty (thuộc vùng 4) không cùng địa bàn với trụ sở Công ty chính (vùng 2). Vậy khi kê khai các Mẫu số 13a, 13b, 13c ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đơn vị thực hiện ghi mức lương tối thiểu vùng như thế nào?

Luật sư trả lời: Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định: “Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó”.
Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị đơn vị kê khai mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trụ sở Chi nhánh Công ty đóng (vùng 4) tại các Mẫu số 13a, 13b, 13c ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Người lao động hỏi: Để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, người lao động, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ trực tuyến không? Nếu được thì nộp ở đâu?

Luật sư trả lời: Người lao động và đơn vị sử dụng lao động có thể nộp trực tuyến hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia (tại địa chỉ: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/). Cổng DVC Quốc gia sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan BHXH để giải quyết (đối với dịch vụ công "Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất") và xác nhận (đối với các dịch vụ công khác).

Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ để Cơ quan BHXH xác nhận theo quy định tại Chương I, II, III của Quyết định số 23/QĐ-TTg trên Cổng DVC BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/) hoặc trên phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN).

Người lao động hỏi: Trên Cổng DVC Quốc gia hiện có bao nhiêu DVC hỗ trợ NLĐ, đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 liên quan đến lĩnh vực BHXH? Gồm những DVC nào?

Luật sư trả lời: Hiện nay, trên Cổng DVC Quốc gia có 05 DVC hỗ trợ NLĐ, đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bao gồm:

1. Dành cho đơn vị SDLĐ:

- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

- Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

- Hỗ trợ người lao động ngừng việc

- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

2. Dành cho NLĐ: Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động hỏi: Để có thể thực hiện các DVC hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng DVC Quốc gia, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải làm gì?

Luật sư trả lời: Để có thể thực hiện các dịch vụ công nói chung và các dịch vụ công hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nói riêng trên Cổng DVC Quốc gia, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải có tài khoản đăng nhập Cổng DVC Quốc gia. Xem chi tiết hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia tại đây: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-huong-dan-cong-dan-doanh-nghiep.html./.

Ban CS&PL

Bạn đang đọc bài viết "Chính sách lương, BHXH, hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc vì dịch covid 19" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin