Chế định trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ ở Việt Nam hiện nay

(Pháp lý) - Việc nghiên cứu, xác định phạm vi cán bộ có thể được tiếp cận từ các góc độ khác nhau. Cán bộ có thể làm việc trong các cơ quan Đảng (cán bộ làm công tác đảng); cán bộ có thể là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức của nhà nước (cán bộ nhà nước) và cán bộ làm trong các tổ chức, đoàn thể (cán bộ đoàn thể).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nhóm chủ thể cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước với tư cách là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chế định trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ.

Cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước – đối tượng của chế định trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ

Điều 4, Luật Cán bộ công chức 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

image001Cán bộ là một trong ba đối tượng chủ thể làm việc trong cơ quan của Đảng, cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội ở nước ta. Phân biệt với công chức, viên chức có thể thấy rằng cán bộ có một số đặc điểm tương đối khác biệt là: Cán bộ gắn với cơ chế bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; Hoạt động của cán bộ gắn với quyền lực chính trị được nhân dân hoặc các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội trao cho và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, sự phân biệt cán bộ với công chức, viên chức theo các đặc điểm nêu trên cũng chưa thực sự rõ ràng và chỉ mang tính tương đối. Điểm quan trọng nhất để phân biệt cán bộ với công chức hay các chủ thể khác là tính chất công việc đảm nhận, thậm chí đối với cán bộ, tính chất công việc của cán bộ đảm nhận còn tùy thuộc vào chức vụ, chức danh mà cán bộ được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn và cơ quan, tổ chức mà cán bộ làm việc.

Như vậy, có thể thấy rằng việc nghiên cứu, xác định phạm vi cán bộ có thể được tiếp cận từ các góc độ khác nhau. Cán bộ có thể làm việc trong các cơ quan Đảng (cán bộ làm công tác đảng); cán bộ có thể là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức của nhà nước (cán bộ nhà nước) và cán bộ làm trong các tổ chức, đoàn thể (cán bộ đoàn thể).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nhóm chủ thể cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước với tư cách là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chế định trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về cán bộ công chức hiện nay, có thể xác định cán bộ trong bộ máy nhà nước bao gồm những chức danh cụ thể như sau:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng Thư ký Quốc hội; Tổng kiểm toán Nhà nước; Chủ tịch và các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và ở đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt.

- Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

- Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thường trực và Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ – một dạng trách nhiệm pháp lý

Trong tiếng Việt, thuật ngữ trách nhiệm có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, tuy nhiên thường được hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là "điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình", đây là cách hiểu theo nghĩa tích cực của từ.

Trong khoa học pháp lý, trách nhiệm pháp lý, theo nghĩa ngắn gọn nhất là trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên trong sách báo pháp lý hiện nay ở nước ta, trách nhiệm pháp lý được hiểu theo hai nghĩa, trách nhiệm pháp lý tích cực và trách nhiệm pháp lý tiêu cực. Trách nhiệm pháp lý tích cực được hiểu là sự thực hiện tự giác, chủ động các nghĩa vụ pháp lý trên cơ sở nhận thức về bổn phận của mình trước xã hội hay người khác, gắn với phần "qui định" trong cấu trúc của quy phạm pháp luật, trái lại trách nhiệm pháp lý tiêu cực là sự phản ứng của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm pháp luật, là hậu quả bất lợi mà chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh chịu trước Nhà nước, gắn với phần "chế tài" trong cấu trúc của quy phạm pháp luật.

Một kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội (ảnh minh họa)
Một kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội (ảnh minh họa))

Trong phạm vi bài viết này này, tác giả muốn phân tích trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ gắn với nghĩa trách nhiệm pháp lý tiêu cực. Vì vậy, trách nhiệm pháp lý được hiểu là trách nhiệm của các chủ thể vi phạm pháp luật trước Nhà nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh.

Trong khoa học pháp lý ở nước ta, các giáo trình, sách báo pháp lý hiện nay tồn tại phổ biến quan điểm có năm loại trách nhiệm pháp lý tương ứng với năm loại vi phạm pháp luật, bao gồm:

- Trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do Tòa án áp dụng đối với những chủ thể có hành vi phạm tội, khi ấy, người phạm tội phải chịu một hình phạt theo phán quyết có hiệu lực của Tòa án.

- Trách nhiệm hành chính là loại trách nhiệm pháp lý do cơ quan nhà nước hay người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước áp dụng đối với những chủ thể vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính, chủ thể phải gánh chịu một trong các biện pháp trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm dân sự là loại trách nhiệm pháp lý do Tòa án hoặc chủ thể khác được phép áp dụng đối với các chủ thể vi phạm dân sự.

- Trách nhiệm vật chất là loại trách nhiệm pháp lý do cán bộ, công chức có trách nhiệm phải hoàn trả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị số tiền mà cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

- Trách nhiệm kỷ luật là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật.

Theo quan điểm của tác giả, bên cạnh trách nhiệm kỷ luật với tư cách là một dạng trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, hiện nay còn có trách nhiệm kỷ luật nội bộ của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, các cơ quan, đơn vị, tổ chức không thuộc Nhà nước áp dụng đối với thành viên của mình. Trên thực tế, việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay không chỉ áp dụng trách nhiệm kỷ luật với tư cách là một dạng trách nhiệm pháp lý, mà còn áp dụng cả trách nhiệm kỷ luật nội bộ của tổ chức mà cán bộ, công chức, viên chức là thành viên. Trong đó đặc biệt đáng chú ý là trách nhiệm kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cán bộ làm việc trong bộ máy của Đảng, và cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước nhưng đồng thời là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trách nhiệm kỷ luật của Đảng không phải là một dạng trách nhiệm pháp lý. Trong khuôn khổ đề tài này, tác giả chỉ luận bàn đến trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ với tư cách là một dạng trách nhiệm pháp lý của nhà nước, một chế định pháp luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Từ những luận giải nêu trên, có thể khái niệm: Trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ là loại trách nhiệm pháp lý do các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền áp dụng đối với cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước có hành vi vi phạm kỷ luật trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ.

Đặc điểm của trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ

Trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ với tư cách là một dạng trách nhiệm pháp lý nên trách nhiệm kỷ luật sẽ có những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý nói chung. Bên cạnh đó, trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ còn có một số đặc điểm đặc thù như sau:

Thứ nhất, cơ sở của trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ là hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, tức là hành vi vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, những điều cán bộ không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức; hoặc khi cán bộ bị Tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật;

Thứ hai, về đối tượng áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ là cán bộ làm việc trong bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hiện nay;

Thứ ba, chủ thể có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ là cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ theo quy định của pháp luật. Truy cứu trách nhiệm kỷ luật là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước nên hoạt động này phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền, Tuy nhiên nếu như đối với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, hoạt động của người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm thường có tính chuyên nghiệp và giữa người truy cứu với người bị truy cứu trách nhiệm không có quan hệ lệ thuộc về tổ chức, thì hoạt động truy cứu trách nhiệm kỷ luật không phải là hoạt động chuyên nghiệp của người có thẩm quyền. Đây là chỉ một phần nội dung quản lý cán bộ và thông thường người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật và người bị kỷ luật có mối quan hệ về tổ chức.

Thứ tư, về văn bản quy định, trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ được quy định trong Luật cán bộ, công chức; Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như rải rác trong các văn bản về tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến thẩm quyền quản lý cán bộ ở các cấp.

Thứ năm, về hậu quả pháp lý, cán bộ bị áp dụng trách nhiệm kỷ luật phải gánh chịu những hình thức cụ thể đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm.

Hiện nay, quy định pháp luật về trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ đang còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến những khó khăn lúng túng cho các chủ thể trong việc thực hiện, đòi hỏi cần có những nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật liên quan. Những phương hướng và giải pháp hoàn thiện chế định trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ ở Việt Nam hiện nay sẽ được tác giả đề cập trong một bài viết khác.

TS. Nguyễn Thị Lê Thu (Học viện Hành chính Quốc gia)

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin