Chất lượng Đại biểu dân cử và hiệu quả giám sát quyền lực

(Pháp lý) - Nhiều năm qua, khi thảo luận về việc tổ chức chính quyền địa phương, một vấn đề được quan tâm nhiều đó là việc tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cần giữ nguyên như cấu trúc hiện tại hay bớt cả về cấu trúc cơ quan lẫn số lượng đại biểu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả, theo chúng tôi là chất lượng Đại biểu dân cử và hiệu quả giám sát quyền lực.

HĐND chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ…

image001Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015. Theo đó, pháp luật đã trao quyền rất lớn cho HĐND các cấp trong việc giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương. Đó là quyền được giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND và giám sát quyết định của UBND cùng cấp. Luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện Nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan…

Quy định như vậy nhưng thực tế ở nhiều nơi, HĐND không thực hiện hết nhiệm vụ và quyền hạn được luật trao.

Nhìn từ thực tế, thời gian vừa qua, ở những nơi mà chính quyền có nhiều cán bộ vướng vòng lao lý vì vướng đến những vụ việc nổi cộm, tham ô tham nhũng, lạm quyền, thì trách nhiệm phần nào thuộc về HĐND địa phương đó. Có thể thấy, tiêu biểu là ở thành phố Đà Nẵng, từ năm 2010 - 2016, TP Đà Nẵng đã triển khai thực hiện việc chuyển đổi đối với 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác. Trong đó, bán lại cho bên đang thuê 31 cơ sở, bán đấu giá 8 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở. Sai phạm mà chính quyền này mắc phải đó là 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng UBND thành phố Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê (gồm cơ sở nhà đất số 47 Nguyễn Thái Học; số 2 Hải Phòng; số 39 Pasteur và số 73 Nguyễn Thái Học, đều trên địa bàn thành phố Đà Nẵng). UBND thành phố Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất cho bên đang thuê không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai 2003, Điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Điều 7 Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Những sai phạm của UBND thành phố Đà Nẵng không phải do HĐND thành phố Đà Nẵng phát hiện mà do Thanh tra Chính phủ (cơ quan cấp trên, thanh tra kết luận).

Các chuyên gia cho rằng, những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất đai tại Đà Nẵng sẽ không trầm trọng, kéo dài đến vậy nếu HĐND của địa phương này thực hiện tốt vai trò giám sát.

Tương tự, trong một vụ việc khác ở một thành phố trực thuộc trung ương đó là thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, người dân Thủ Thiêm đã phải đội đơn đi khiếu kiện, tố cáo vượt cấp ra trung ương vì những sai phạm của UBND thành phố Hồ Chí Minh trong việc lập quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những khó khăn, thiệt thòi, vất vả của người dân, không bút mực nào tả hết. Nếu HĐND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt việc giám sát thực thi pháp luật bao gồm pháp luật về quy hoạch, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động của UBND thành phố này thì hẳn người dân không phải đội đơn ra Trung ương để kêu cầu. Mặt khác, khi việc tố cáo dai dẳng, khi vụ việc xảy ra, nhiều người đã cho rằng HĐND TP Hồ Chí Minh đã không hoàn thành nhiệm vụ của một cơ quan dân cử trước những vấn đề nhức nhối của người dân .

Để HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đề xuất quy định thường trực HĐND tỉnh, huyện gồm Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và các Ủy viên; số lượng Phó Chủ tịch HĐND giảm một nhân sự so với hiện nay. Theo đó, đề nghị giảm từ 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện xuống còn một ở tất cả đơn vị hành chính. Tuy nhiên ý kiến trên gây rất nhiều băn khoăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng giảm ở cơ quan dân cử còn tăng ở khối chính quyền là không hợp lý. "Chính phủ đề xuất giảm vậy cần đánh giá tác động lại cho rõ, cơ sở nào để giảm 10%-15% đại biểu HĐND?" - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chất vấn: "Giảm HĐND thì ai sẽ giám sát quyền lực? Nhất là tại các tỉnh đang giảm các Sở thì quyền lực tập trung ở UBND tỉnh, bây giờ giảm HĐND thì ai giám sát quyền lực?".

Nếu có giám sát tốt từ HĐND thì nhiều Ủy ban đã không có những sai phạm nghiêm trọng và tồn tại trong thời gian dài (ảnh minh họa, một cuộc họp HĐND).
Nếu có giám sát tốt từ HĐND thì nhiều Ủy ban đã không có những sai phạm nghiêm trọng và tồn tại trong thời gian dài (ảnh minh họa, một cuộc họp HĐND).)

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, nhiều chuyên gia pháp lý ủng hộ cách tổ chức HĐND tinh gọn, “đặc biệt” để đáp ứng với thực tế. Còn nhớ, ông Trần Ngọc Vinh (nguyên ĐBQH khóa XII, XIII) chia sẻ: Hiện mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nhà nước ta theo mô hình Hội đồng - Ủy ban theo hướng Hội đồng mạnh (cơ quan quyền lực) và Ủy ban (cơ quan chấp hành, phụ thuộc vào Hội đồng). Mô hình tổ chức này được áp dụng chung cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Vinh lưu ý: Trong Hiến pháp 2013 tại Điều 110 đã mở đường cho những quy định đặc biệt về HĐND. Tại Điều 111 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Ông Vinh cho rằng, xuất phát từ những quy định của Hiến pháp thì hoàn toàn có thể tổ chức HĐND cần tinh gọn, phù hợp với thực tế. Cần nhanh chóng đưa ra phương án trên thực tế để thực hiện và phát huy hiệu quả tổ chức chính quyền địa phương.

Là chuyên gia pháp luật hành chính có nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Phan Lan Hương đã nghiên cứu so sánh với mô hình tổ chức chính quyền địa phương cũng như các kinh nghiệm cải cách và thực hiện phân cấp của Nhật Bản. Theo đó bà Hương đề xuất như sau: Thứ nhất, nên tổ chức hệ thống chính quyền địa phương hai cấp là cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó cấp huyện sẽ đóng vai trò là cấp chính quyền cơ sở. Nghĩa là tiến hành xóa bỏ hệ thống HĐND và UBND cấp xã để tiết kiệm chi phí quản lý, khắc phục tình trạng thiếu nguồn cán bộ có trình độ, năng lực quản lý ở cấp xã như hiện nay, xóa bỏ tình trạng cục bộ địa phương ở các xã, bên cạnh đó, UBND cấp huyện có thể thành lập các văn phòng chi nhánh của UBND dựa trên mật độ dân cư, diện tích quản lý để đảm bảo cung cấp các dịch vụ quản lý một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa, thông qua các văn phòng chi nhánh, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện đơn giản và hiệu quả hơn.

Thứ hai, nên áp dụng chế độ bầu cử trực tiếp chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh, bởi vì chế độ bầu cử trực tiếp là một chế độ phản ánh giá trị dân chủ cao cũng như phát huy được tinh thần trách nhiệm của những nhà quản lý trước nhân dân. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, chế độ làm việc của UBND là theo chế độ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách nên không phát huy được hết vai trò chủ động cũng như nâng cao trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo. Hơn nữa, mô hình bầu cử trực tiếp này còn hạn chế sự chồng chéo, phụ thuộc của UBND trong mối quan hệ với HĐND cùng cấp.

Thứ ba, nên xóa bỏ quy định Chủ tịch UBND đồng thời là thành viên của HĐND cùng cấp cũng như các chức danh và quy định tỉ lệ đại biểu chuyên trách để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND, tránh tình trạng đại biểu HĐND đồng thời là người giữ chức vụ trong các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND chỉ thực sự phát huy hiệu quả cao khi được tách rời với hoạt động hành pháp của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Thứ tư, pháp luật cần quy định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương với các cơ quan Nhà nước ở địa phương, để ngăn chặn tình trạng can thiệp vào hoạt động của địa phương cũng như việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, qua đó nâng cao tính chủ động sáng tạo cho địa phương.

Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được thực hiện trong thực tiễn. Do đó, việc xây dựng một hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hoạt động có trách nhiệm, công khai, minh bạch và hiệu quả đòi hỏi sự nghiên cứu xem xét tổng thể hệ thống pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động cũng như các điều kiện thực tiễn để có giải pháp cải cách hợp lý và khả thi.

Minh Minh

.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin