(Pháp lý) - Sau 1.028 ngày bị giam lỏng trong ngôi nhà triệu đô ở Canada, hôm 25-9, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu, bất ngờ được Tòa án Canada trả tự do sau một phiên điều trần trực tuyến. Cùng ngày bà Mạnh đã trở về Thâm Quyến (Trung Quốc) – nơi đặt đại bản doanh của Tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất quốc gia này và được người dân Trung Quốc long trọng chào đón với thảm đỏ và được Đài truyền hình quốc gia truyền hình trực tiếp… Có thể nói vụ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu Huawei đã ghi vào lịch sử tố tụng thế giới. Nhưng người ta quan tâm vấn đề phía sau vụ này, liệu rằng bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do thì “cuộc chiến công nghệ” giữa 2 cường quốc có hạ nhiệt ?
Điểm lại các cột mốc quan trọng vụ CFO Huawei Mạnh Vãn Chu
+ Ngày 22-8-2018: Tòa án tại bang New York, Mỹ phát lệnh bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.
+ Ngày 1-12-2018: Theo yêu cầu dẫn độ của Chính phủ Mỹ, cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh khi bà đáp máy bay tới Vancouver.
+ Ngày 11-12-2018: Tòa án Canada cho phép bà Mạnh được tại ngoại vì lý do sức khỏe và nộp số tiền bảo lãnh là 7,5 triệu USD và phải chịu quản thúc tại gia ở Vancouver.
+ Ngày 22-1-2019: Bộ Tư pháp Mỹ thông báo chính thức tìm cách dẫn độ bà Mạnh về Mỹ.
+ Ngày 27-5-2020: Tòa án tối cao British Columbia tuyên bố các cáo buộc về hành vi gian lận đối với bà Mạnh thỏa mãn điều kiện tội kép.
+ Ngày 16-11-2020: Bà Mạnh trở lại Tòa án tối cao British Columbia trong phiên tòa mở đầu cho quá trình lấy lời khai của các nhân chứng trong 10 ngày.
+ Ngày 9-7-2021: Tòa án Canada bác bỏ yêu cầu được nộp thêm chứng cứ mới của lãnh đạo cấp cao Công ty Huawei liên quan phiên tòa xét xử việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.
+ Ngày 4-8-2021: Vòng điều trần cuối cùng về vụ án dẫn độ bà Mạnh bắt đầu tại Tòa án tối cao British Columbia. Trọng tâm của các buổi điều trần trong vòng cuối cùng là các lập luận trong nhóm nội dung thứ ba do các luật sư của bà Mạnh đưa ra, đặc biệt là những tuyên bố không đúng sự thật của các công tố viên Mỹ khi đưa ra yêu cầu về việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
+ Ngày 11-8-2021: Các công tố viên Chính phủ Canada khẳng định các bằng chứng cho thấy bà Mạnh đã không trung thực khi lừa gạt Ngân hàng HSBC, và phía Mỹ đã đưa ra các bằng chứng thỏa đáng để yêu cầu dẫn độ.
+ Ngày 18-8-2021: Phiên tòa xem xét việc có nên dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ đã kết thúc tại Tòa án tối cao British Columbia của Canada. Nếu tòa chấp thuận cho dẫn độ bà Mạnh, con gái nhà sáng lập Huawei có thể đối mặt với 30 năm tù ở Mỹ.
+ Ngày 25-9-2021: Bà Chu được phóng thích trả tự do
Hơn 1.000 ngày bị giam lỏng và chứng cứ buộc tội chưa đủ
Sau hơn 3 tháng Tòa án New York (Mỹ) phát lệnh bắt giữ, vào ngày 01/12/2018, tại sân bay Vancouver của Canada, bà Mạnh Vãn Chu chính thức bị Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) bắt giữ. Trước đó bà Mạnh bị các nhân viên Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada thẩm vấn kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, với lý do để xác định xem có lý do gì khiến bà Mạnh không thể được cho vào Canada hay không, chẳng hạn như dính líu tới hoạt động gián điệp. Trong gần 3 năm qua, bà Mạnh bị giam lỏng trong ngôi nhà triệu đô của mình ở Canada với nhiều thiết bị theo dõi được gắn lên người bà.
Hồ sơ tòa án Canada thiết lập cho biết, bà Mạnh đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran thông qua hành vi qua mặt Ngân hàng HSBC của Mỹ trong một cuộc gặp vào năm 2013 và lập các công ty con Skycom làm bình phong để Huawei bán thiết bị viễn thông cho Iran. Mặc dù khi đó bà Mạnh quả quyết, Huawei đã cắt đứt quan hệ với Skycom, không liên quan tới các hoạt động có thể khiến HSBC vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo đó, Huawei đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và cho rằng vụ việc nhằm vào bà Mạnh mang động cơ chính trị.
Sau hơn 2,5 năm điều tra, tại phiên tòa ngày 11/8/2021, các công tố viên Chính phủ Canada khẳng định các bằng chứng cho thấy sự không trung thực của bà Mạnh là “vô cùng rõ ràng”. Công tố viên Robert Frater đại diện cho chính phủ Canada cho rằng bài thuyết trình của bà Mạnh vào năm 2013 trong 1 cuộc họp ở Hồng Kông không tiết lộ bản chất thực sự của mối quan hệ giữa Huawei và Skycom đã “gây hiểu lầm rõ ràng”. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng hành động của bà Mạnh khiến Ngân hàng HSBC có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ vì họ tiếp tục thanh toán các giao dịch bằng USD cho Huawei.
Trong văn bản gửi lên tòa, công tố viên Robert Frater và các đồng nghiệp cũng cho biết phía Mỹ đã thỏa mãn các điều kiện để dẫn độ bà Mạnh, trong đó Washington cung cấp đủ bằng chứng để có thể xét xử bà Mạnh tại Canada trong trường hợp bà vi phạm tại đây. Thế nhưng trả lời câu hỏi của thẩm phán Phó Chánh án Heather Holmes về việc làm sao một ngân hàng quốc tế lớn như HSBC “có thể bị bà Mạnh lừa”, công tố Frater giải thích những trình bày của bà Mạnh… có sức nặng đối với HSBC. Cáo buộc và giải thích của công tố viên Robert Frater không thuyết phục được thẩm phán Holmes. “Điều tôi không hiểu là liệu một việc đơn giản là làm ăn với Chính phủ Iran có được coi là vi phạm trừng phạt hay không”, bà Holmes nêu câu hỏi. Thẩm phán Holmes cho biết, chỉ cần tìm được đủ bằng chứng để cho phép dẫn độ. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị kết tội, bà Mạnh có thể đối mặt với án phạt 30 năm tù.
Ngày 24/9 (giờ Mỹ), Tòa án liên bang Brooklyn, ở thành phố New York (Mỹ) đã mở phiên tòa điều trần trực tuyến có sự tham gia của bà Mạnh, để giải quyết các cáo buộc và yêu cầu dẫn độ bà Mạnh của Mỹ. Sau phiên tòa, các công tố viên liên bang cho biết họ đã đạt thỏa thuận hoãn truy tố với bà Mạnh. Trong khi quyền luật sư Mỹ Nicole Boeckmann cho biết, bà Mạnh đã “nhận trách nhiệm về vai trò chính của mình trong việc thực hiện kế hoạch lừa một tổ chức tài chính toàn cầu”; thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (sau khi bà Mạnh được trả tự do vào ngày 25/9) cho biết, các cáo buộc đưa ra với bà Mạnh là “bịa đặt”, nhằm đàn áp các ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Bà Hoa gọi vụ bà Mạnh bị bắt và quản thúc ở Canada là “hành động ngược đãi chính trị với công dân Trung Quốc”
David Kessler, một luật sư của phía Mỹ, nói rằng thỏa thuận hoãn truy tố sẽ có hiệu lực 4 năm, từ ngày bà Mạnh bị bắt đến ngày 1/12/2022. Theo Kessler, nếu bà Mạnh tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận, Mỹ sẽ tiến tới xóa bỏ các cáo buộc chống lại bà. Ngược lại, bà Mạnh vẫn có thể bị truy tố.
Phía sau vụ bắt giữ là “cuộc chiến công nghệ” giữa hai cường quốc
Thời điểm bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu năm 2018 đúng vào giai đoạn cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn leo thang căng thẳng. Trong suốt gần 1 thế kỷ trở lại ngôi vị bá chủ công nghệ của Mỹ nắm giữ đang bị Trung Quốc thách thức. Kể từ sau thế chiến thứ 2, Mỹ luôn tiên phong trong hầu hết các công nghệ then chốt, tạo nên một hệ sinh thái công nghệ toàn cầu và tận hưởng những lợi thế to lớn cho phát triển kinh tế, quân sự và xác lập vị thế chính trị. Mỹ kỳ vọng hưởng phần lớn miếng bánh công nghệ cao béo bở ở thị trường khổng lồ này còn Trung Quốc chỉ “làm thuê”.
Trước sự trỗi dậy của các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc như Huawei, ZTE, từ năm 2012, Chính quyền Barack Obama đã lấy lý do về “rủi ro an ninh” đã cáo buộc và cản trở Huawei xâm nhập thị trường Mỹ. Nhưng phải đến giai đoạn Chính quyền Donald Trump thì Mỹ mới xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017. Từ tháng 1/2018, Mỹ đã công khai hành động kiềm chế, khi chính thức ép tập đoàn AT&T rút khỏi thỏa thuận phân phối điện thoại thông minh cho Huawei.
Kể từ thời điểm đó, các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc (chủ yếu là Huawei) đã bị hứng chịu các đòn trừng phạt dồn dập của Nhà Trắng, đỉnh điểm là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, vào cuối năm 2018. Thậm chí khi chỉ còn 2 ngày là mãn nhiệm, Tổng thống Donald Trump vẫn tung cú đấm bồi vào Huawei với việc ký lệnh thu hồi giấy phép và từ chối hàng chục giấy phép cung cấp linh kiện cho Huawei. Cũng trong năm 2018, Mỹ khởi động chiến dịch nhằm loại các công ty Trung Quốc thực hiện mạng 5G và loại thiết bị 5G Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ và các nước đồng minh với lý do nguy cơ mất an ninh.
Khi ông Joe Biden lên cầm quyền, công nghệ được nâng tầm trở thành trọng tâm trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc. Chính quyền Biden vừa tiếp nối chính sách cứng rắn thời ông Trump vừa tăng cường tham vấn và hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác trong kiềm chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Đồng thời tung ra các gói nghìn tỷ USD và mức giảm thuế khủng nhằm nhanh chóng xốc lại nền công nghệ cao, đảm bảo tự chủ và duy trì lợi thế dẫn đầu. Thậm chí Mỹ còn cho các nước đang phát triển vay tiền để mua thiết bị 5G của Ericsson, Nokia và Samsung Electronics, cung cấp các khóa đào tạo, làm cuốn cẩm nang giúp các nhà hoạch định chính sách ở Trung Âu, Đông Âu và các nước đang phát triển xây dựng mạng 5G không dùng thiết bị 5G Trung Quốc.
Thế nhưng bất chấp sự kìm hãm của Mỹ, thiết bị 5G Trung Quốc vẫn chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông các nước đồng minh của Mỹ. Trong đó, Huawei đang nắm giữ một lượng lớn các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) cho công nghệ 5G. Điều này giúp mạng 5G của Huawei truyền dữ liệu nhanh hơn, có độ trễ thấp, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho bất cứ sản phẩm hay dịch vụ công nghệ nào. Mới đây (tháng 8/2021), phát biểu trong một buổi họp mặt trước các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và thực tập sinh của Huawei, Nhà sáng lập Huawei bộc lộ tham vọng, khi cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục theo đuổi phát triển công nghệ 5G và đang nhắm đến việc nắm giữ nền tảng của các bằng sáng chế 6G… Có nghĩa, Mỹ lại chậm chân trong “cuộc chiến công nghệ” trong khi Trung Quốc vươn lên chiếm ưu thế.
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, Mỹ vẫn đang có lợi thế nắm giữ thiết bị và công cụ sản xuất chip tiên tiến trong khi Trung Quốc không chỉ tụt hậu mà phụ thuộc Mỹ và đồng minh về thiết bị, công cụ sản xuất chip tiên tiến. Đây chính là “tử huyệt” của Trung Quốc mà Mỹ đang khoét sâu để kiềm chế trong “cuộc chiến công nghệ” bất phân thắng bại. Do đó, xét trên tổng thể, dù không còn ưu thế tuyệt đối nhưng Mỹ vẫn ở thế “cửa trên” với những vũ khí lợi hại cùng lợi thế như các trường đại học hàng đầu, nhiều tập đoàn công nghệ hùng mạnh, văn hóa cởi mở để thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu…
Không giúp hạ nhiệt quan hệ Mỹ - Trung Quốc ?
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, sự trở về của bà Mạnh là kết quả sau “những nỗ lực không khoan nhượng” của Chính phủ Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của tất cả người dân Trung Quốc. Theo bà Hoa, đây đòn “đàn áp chính trị chống lại một công dân Trung Quốc”, một hành vi được thúc đẩy nhằm đàn áp các ngành công nghệ cao của Trung Quốc. “Việc giam giữ bà Mạnh là một sai lầm nghiêm trọng của Mỹ cũng như Canada, và sai lầm này lẽ ra phải được sửa chữa từ lâu”, bà Hoa nhấn mạnh.
Trở về Trung Quốc trong sự chào đón nồng nhiệt tối ngày 25/9, bà Mạnh Vãn Chu không quên gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Cuối cùng tôi cũng đã được trở về với vòng tay ấm áp của đất mẹ”, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát trực tiếp giọng nói và thời khắc bà Mạnh bước xuống sân bay quốc tế Thâm Quyến. Bình luận về sự kiện này, giới quan sát phân tích, trong bối cảnh, hôm 16/9, chính quyền Tổng thống Joe Biden ra tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên, cùng với Anh và Australia; thì hoạt động tuyên truyền mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa xoay quanh sự trở về của bà Mạnh Vãn Chu, là một tín hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn còn sóng gió.
Rất có thể việc trả tự do cho bà Mạnh là kết quả ngoại giao đạt được sự đồng thuận giữa hai cường quốc trong khuôn khổ chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thiên Tân hồi tháng 7 năm nay. Hai bên đồng ý thiết lập một nhóm công tác chuyên xử lý các vụ việc đơn nhất... Tuy nhiên nhìn từ thực tế, thỏa thuận này dường như không có nhiều tác động giúp tạo đà, mở đường cho cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Cựu quan chức Lầu Năm góc Van Jackson và hiện là học giả tại Đại học Victoria tại Welllington, New Zealand, nhận định: Chính quyền Joe Biden có vẻ muốn sử dụng quyết định trả tự do cho bà Mạnh để làm bàn đạp tiến đến quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là bước đi “quá nhỏ”, không đủ sức hàn gắn mối quan hệ đối đầu tích tụ Mỹ-Trung. Điều đó có nghĩa quyết định trả tự do cho bà Mạnh không phải là nhân tố đủ sức để tạo ra cục diện mới khi Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn coi nhau là thù địch.
Có thể bà Mạnh Vãn Chu đã đạt được thỏa thuận với tòa án Mỹ, nhưng giới chức Mỹ thì không có ý định dỡ bỏ những cáo buộc khác nhằm vào Huawei. Nó cho thấy cuộc chiến của Washintong với Huawei, một cuộc chiến được khởi động từ 15 năm trước - khi ông lớn công nghệ Trung Quốc lần đầu tiên bước vào thị trường Mỹ đầu những năm 2000, còn lâu mới chấm dứt. Trong một diễn biến khác, theo Alan Kohler, trợ lý Giám đốc bộ phận Phản gián thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đội công tố của FBI tiếp tục chuẩn bị cho hoạt động điều tra, xét xử nhằm vào Huawei.
Dẫu vậy việc được Tòa án Canada phóng thích trả tự do cũng được xem là một kết thúc có hậu đối với bà Mạnh và Tập đoàn Huawei. Bài học cần rút ra từ vụ việc này đối với với các nước phương Tây và Mỹ, cần phải hiểu rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ phải có yếu tố thỏa hiệp, cho dù những thỏa hiệp không hề dễ chịu. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc tự ý muốn làm gì cũng được, nhưng thực sự phương Tây cần tìm ra một cách thức khôn khéo hơn để quản lý, điều phối các nhân tố cạnh tranh./.
VŨ LÊ MINH