Tuy pháp luật về thi hành án hành chính (THAHC) của nước ta đã được hình thành và đang dần hoàn thiện kể từ khi có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2010, năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và các văn bản liên quan khác nhưng thực tiễn vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại đó là do chưa có đạo luật riêng về THAHC với những chế tài đủ mạnh giúp công tác này đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, việc xây dựng Luật THAHC là cần thiết bởi Luật TTHC năm 2015 mới được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 đã có những thay đổi cơ bản trong công tác THAHC như. Cụ thể, thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC thuộc về Tòa án đã xét xử sơ thẩm, bỏ cơ chế cơ quan THADS ban hành văn bản đôn đốc THAHC, giao cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm theo dõi việc THAHC theo quyết định của Tòa án…
Cụ thể hóa các quy định mang tính nguyên tắc về THAHC của Luật TTHC năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Như vậy đến nay, Luật TTHC năm 2015 được thực hiện hơn 2 năm và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP được thực hiện hơn 1 năm. Do đó, để có thể có những sửa đổi mang tính đột phá, căn bản về thể chế trong công tác này cần phải có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành các văn bản trên. Do đó, từ nay đến năm 2020 thì phương án xây dựng Luật THAHC với những nội dung được tách từ Luật TTHC năm 2015 và nâng lên từ những quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là khả thi hơn cả.
Bên cạnh đó, khi xây dựng Luật THAHC cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn về các chế tài nhằm buộc các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án để đảm bảo hiệu quả công tác THAHC. Luật cần được xây dựng trên cơ sở những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục THAHC hiện hành, giữ nguyên quy định về thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC của Tòa án, nghiên cứu quy định về cơ quan thứ ba có trách nhiệm tổ chức THAHC, tách ra khỏi cơ quan nhà nước phải thi hành án. Điều này có nghĩa, Luật THAHC sẽ bỏ cơ chế “tự thi hành” trong THAHC hiện nay, với mong muốn khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc do đặc thù của cơ chế này gây ra.
Song, cần lưu ý một số vấn đề, theo kinh nghiệm pháp luật của các nước trên thế giới về thẩm quyền THAHC thì bản án của Tòa án về vụ án hành chính trước hết có hiệu lực đối với các đương sự khởi kiện. Do đó, trách nhiệm thi hành phán quyết đầu tiên thuộc về người khởi kiện và cơ quan hành chính bị khởi kiện.
Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án hành chính là một phần hoạt động công vụ của cán bộ, công chức. Như vậy trong trường hợp này, cơ quan ban hành quyết định hành chính, có hành vi hành chính bị kiện trong vụ án cũng đồng thời là cơ quan tổ chức thi hành án hành chính. Đối với những quyết định liên quan đến phần tài sản trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành theo pháp luật về THADS, cơ quan THADS được xem như là cơ quan chuyên trách thi hành án đối với nội dung này. Chính đặc điểm này của THAHC mà ở Việt Nam hiện nay cũng như ở các nước phát triển không đặt vấn đề thành lập cơ quan THAHC chuyên trách. Tuy nhiên, không vì thế mà án hành chính ở các nước phát triển không hiệu quả.
Pháp luật các nước đều có quy định về thẩm quyền của Tòa án hoặc cơ quan khác trong việc thi hành các phán quyết này. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp không có cơ quan THAHC chuyên trách thì công tác THAHC vẫn đạt hiệu quả như mong muốn.
Khi xem xét đến việc quy định một cơ quan thứ ba có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thì có thể nghiên cứu, đề xuất về cơ quan thi hành án chuyên trách theo 1 trong 2 phương án. Một là, có thể giao cho hệ thống cơ quan THADS đồng thời tổ chức THADS và THAHC. Theo phương án này thì chỉ cần giao thêm chức năng, nhiệm vụ cho một hệ thống thiết chế đã có sẵn, đang vận hành nhịp nhàng, có tính ổn định cao. Trên cơ sở đó sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tổ chức THAHC cho phù hợp đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với sự thay đổi căn bản này.
Hai là, thành lập hệ thống cơ quan tổ chức THAHC mới, tách biệt với các thiết chế đang có hiện nay là Hội đồng THAHC. Các Hội đồng THAHC có tư cách pháp nhân và được ngân sách bảo đảm kinh phí hoạt động. Nếu theo phương án này, cần thành lập mới một hệ thống thiết chế trong bộ máy nhà nước đồng thời vẫn cần có sự hỗ trợ của các cơ quan khác để đảm bảo cho thiết chế mới hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình.
Theo Bao Phapluat