Đó là một trong những khó khăn được nêu ra tại Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Thi hành án dân sự (THADS) tại Việt Nam” .
Ngày 4/6 tại Hà Nội, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo để thảo luận về thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có đại diện Uỷ ban Tư pháp; Uỷ ban kinh tế của Quốc Hội; Văn Phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế và họach Đầu tư; Bộ Công an; Bộ Quốc Phòng; Bộ Tài chính và đại diện Cục thi hành án dân sự các địa phương…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự cho biết: Thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các bản án, quyết định của Tòa án, qua đó góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Kết quả thi hành án dân sự trong 6 tháng từ tháng 10/2017 đến hết tháng 3/2018 cho thấy, tổng số thụ lý là 635,198 việc, tăng 8,82% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số phải thi hành án là 629,944 việc, trong đó đã thi hành án xong 241,770 việc tăng 0,95%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Điển hình như các vụ án tham nhũng lớn thường bị tẩu tán tài sản hoặc hợp thức hóa tài sản dẫn đến các vụ việc thi hành án trở nên phức tạp và bị kéo dài.
Ông Sơn cho biết thêm, bên cạnh việc nghiêm túc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng 01 Thông tư liên tịch trong lĩnh vực phá sản; 02 Thông tư về thống kê và tổ chức cán bộ; 01 đề án về giải quyết việc thi hành án dân sự không có điều kiện thi hành án đã tồn đọng trong nhiều năm qua, qua đó tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc cho công tác thi hành án.
Ngoài ra, các quy định và hướng dẫn nhằm minh bạch thông tin, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao năng lực cho cán bộ cũng được hệ thống thi hành án dân sự tổ chức xây dựng, triển khai nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc còn tồn đọng.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Tưởng Duy Lượng (Luật sư, Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)- Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) cho biết, trong một thế giới phẳng, thông tin nhanh nhạy, đa chiều, dù đường lối, chính sách, cơ chế có thông thoáng mà hoạt động tài phán không đảm bảo công bằng, minh bạch. Việc thi hành phán quyết chậm trễ, kéo dài không hiệu quả thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ e ngại làm ăn với Việt Nam. Nền kinh tế không thể cất cánh nếu thiếu vắng sự hợp tác tin cậy giữa các nước với Việt Nam, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó, đặt ra cho các cơ quan tài phán Việt Nam, cơ quan thi hành án dân sự, trong đó có việc thi hành loại án kinh doanh thương mại phải nỗ lực góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.
“Dù phán quyết có đúng đắn, chính xác nếu nó không được thi hành nhanh chóng, hiệu quả thì phán quyết cũng chỉ là một tiếng chuông đánh vào thinh không, một dấu hỏi lớn về công lý mà người phải trả lời trực tiếp là cơ quan thi hành án, những chấp hành viên”, ông Lượng khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng như: Vướng mắc trong quy định về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến thời gian tổ chức thi hành án dân sự và đề xuất tháo gỡ; Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án về kinh doanh thương mại; Thi hành các bản án kinh doanh thương mại liên quan đến các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ xấu…
Theo Congly