Các quy định pháp luật về điều kiện, mức hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động

Luật BHXH 2014, với những quy định rất rõ những hành vi vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH; chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất … Trong đó, chế độ hưu trí là một trong những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm khi tham gia đóng BHXH bắt buộc tại nơi mình làm việc. Vậy hiện nay những ai đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí? Mức hưởng chế độ hưu trí này được tính như thế nào? Luật sư Trần Đại Ngọc, Cty Luật Trần Nguyễn – Đoàn luật sư Hà Nội sẽ tư vấn, giải đáp về các chế độ, chính sách pháp luật BHXH hiện hành đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH.

[caption id="attachment_202438" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

1.Người lao động hỏi: Sau khi hết thời gian thử việc và ký hợp đồng lao động chính thức thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia đóng BHXH cho người lao động. Như vậy hợp đồng thử việc đã ký trước nhưng sau 2 tháng mới ký hợp đồng lao động chính thức doanh nghiệp mới đóng BHXH cho người lao dộng thì có bị phạt hay truy thu những tháng trước hay không?

Luật sư trả lời: Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: “Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;” Theo đó, nếu nhân viên Công ty bạn thuộc một trong các đối tượng nêu trên thì Công ty sẽ có tráach nhiệm buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên. Và thời điểm bắt đầu tính đóng bảo hiểm là từ khi ký kết hợp đồng lao động chính thức.

Công ty bạn đã ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động tuy nhiên đến tận hai tháng sau vẫn chưa đóng cũng như chưa làm bất kỳ thủ tục gì để đóng bảo hiểm xã hội , đây được coi là hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3, Điều 122 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

"Điều 122. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội:

Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Theo đó, Công ty bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, ngoài ra còn phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội cho những tháng chưa đóng theo quy định tại Điều luật nêu trên.

Về vấn đề ký kết lại hợp đồng lao động với người lao động để tránh việc bị xử lý vi phạm hành chính cũng như việc truy thu bảo hiểm xã hội sẽ do sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động (trường hợp này chỉ thực hiện được khi Công ty chưa thực hiện việc báo tăng lao động).

2.Người lao động hỏi: Năm 2016, tôi được giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng nhưng tôi vẫn chưa nhận tiền. Hiện nay, tôi muốn xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần với lý do tôi bị bệnh ung thư nặng. Vậy tôi có thể được hủy hồ sơ hưu trí để xin hưởng BHXH 1 lần không?

Luật sư trả lời: Theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau: Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

2. Ra nước ngoài để định cư;

3. Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.”

Do đó, trường hợp của bạn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì thuộc các trường hợp bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng là bệnh ung thư.

Tuy nhiên, theo những thông tin thì bạn thuộc trường hợp đang hưởng lương hưu, hiện nay bị mắc bệnh ung thư nên muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cho nên, căn cứ theo quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 65 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Điều 65. Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư:

1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.”

Vì vậy, trường hợp người đang hưởng lương hưu được giải quyết hưởng trợ cấp một lần thì phải thược đối tượng ra nước ngoài định cư. Còn trong trường hợp bác tuy chưa nhận tiền hưu trí nhưng vẫn đang được xác định là đối tượng đang hưởng lương hưu.

3.Người lao động hỏi: Đến năm 2019 tôi đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian công tác bắt đầu từ năm 1980, hệ số lương hiện hưởng 7.28, (thời gian nâng lương lần sau tính từ ngày 1 tháng 2 năm 2014). Nếu tôi nghỉ hưu trước năm 2018 có lợi hơn hay đến năm 2019 (đúng tuổi) có lợi hơn theo chính sách mới?

Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì mức lương hưu hưởng hàng tháng được quy định như sau: Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”

Như vậy thì nếu nghỉ hưu năm 2019 thì bạn sẽ được hưởng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, bạn còn được hưởng thêm khoản trợ cấp 1 lần:

Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

Mức trợ cấp một lần của bạn là:
- Nếu bạn là nam: 0.5*7 = 3.5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Nếu bạn là nữ: 0.5*9 = 4.5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Còn việc về hưu trước năm 2018 thì lúc đó bạn chưa đủ tuổi về hưu, nếu muốn hưởng lương hưu thì bạn phải nằm trong một trong các đối tượng được về hưu trước tuổi như về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động (trường hợp này sẽ bị trừ đi số phần trăm lương hưu hàng tháng tương ứng với số năm về hưu trước tuổi), về hưu theo chính sách tinh giản biên chế (về hưu theo chính sách tinh giản biên chế người lao động sẽ không bị trừ tỉ lệ lương hưu hàng tháng tương ứng với số năm về hưu trước tuổi; được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương; được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi)...

4.Người lao động hỏi: Tôi nghỉ hưu trước ngày 1/1/2018 và có 39 năm 7 tháng công tác. Vậy, trước khi nghỉ hưu tôi có được hưởng chế độ do đã đóng BHXH trên 30 năm không? Cách tính lương hưu của ông như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần, Điều 62 Luật BHXH quy định, đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 mà có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trường hợp của bạn, khi nghỉ hưu (trước năm 2018) nếu đã đủ 60 tuổi thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, mức hưởng được thực hiện theo quy định Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH nêu trên.

Về cách tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, cơ quan BHXH sẽ căn cứ diễn biến thời gian đã đóng BHXH, tiền lương thực tế được ghi nhận tại sổ BHXH để xem xét, giải quyết theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

5.Người lao động hỏi: Tôi có 30 năm hưởng phụ cấp thâm niên 28%. Trước khi nghỉ hưu 02 năm tôi được điều chuyển công tác và không được hưởng phụ cấp 28%. Như vậy, khi nghỉ hưu thì phụ cấp thâm niên 28% trước đó của tôi có được tính trong lương hưu không?

Luật sư trả lời: Việc tính lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXHngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo nội dung ông trình bày, đối chiếu quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì: “Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang các ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề, khi nghỉ hưu trong tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối để tính lương hưu có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề, nếu mức lương hưu tính theo Điểm b khoản này thấp hơn thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên liền kề trước đó tương ứng với số năm quy định tại Khoản 1 Điều này, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”.

Như vậy, tại thời điểm bạn đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, căn cứ sổ BHXH thể hiện diễn biến quá trình đóng BHXH, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo quy định.

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin