(Pháp lý) - Đại dịch COVID-19 kéo theo tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu, đã củng cố vai trò của chủ nghĩa đa phương. Trước khi diễn ra đại dịch, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có phần bị phân hóa và vai trò bị lu mờ đi rất nhiều thì nay vai trò và vị trí của các định chế này đã được khẳng định.
Các gói cứu trợ khổng lồ
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF Kristalina Georgieva ngày 23/3 cho biết, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại khốc liệt do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm.
Hiện đã có 81 quốc gia đang cầu cứu khẩn cấp cứu trợ tài chính của định chế quốc tế quan trọng này. Bà Kristalina Georgieva nói rằng IMF đã sẵn sàng can thiệp với một gói tài chính là 1.000 tỷ đô la Mỹ để cứu trợ các nước hội viên ứng phó với hiểm họa suy thoái phát xuất từ cơn đại dịch COVID-19.
Cùng nguồn vốn vay 1.000 tỷ USD của IMF để trợ giúp các quốc gia thành viên chống lại đại dịch, WB cũng đã cam kết hỗ trợ 150 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới.
Bà Tổng Giám đốc IMF hoan nghênh động thái Mỹ thông qua dự luật gói cứu trợ 2.000 tỉ USD, cho rằng nó "hoàn toàn cần thiết để giảm bớt những tác động tiêu cực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trước sự suy giảm đột ngột của các hoạt động kinh tế vì dịch COVID-19". Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký phê chuẩn thành luật gói cứu trợ này vào ngày 27/3.
Cũng trong ngày 27/3, theo Hãng tin Reuters, lãnh đạo WB và IMF cùng nhấn mạnh nhu cầu phải cung cấp thêm các khoản vay cứu trợ cho những người nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Cả WB và IMF đều đã triển khai các chương trình khẩn cấp, đưa ra những khoản vay và trợ cấp cho các nước thành viên, tập trung nhiều nhất cho các nước đang phát triển và những thị trường mới nổi.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp lên tới 12 tỷ USD nhằm hỗ trợ để giúp các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp hiệu quả để đối phó và giảm nhẹ tác động của dịch bệnh COVID-19.
Gói này bao gồm 2,7 tỷ USD nguồn tài chính mới từ IBRD, 1,3 tỷ USD tài trợ mới từ IDA và 2 tỷ USD tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện có, cộng thêm 6 tỷ USD từ IFC trong đó bao gồm 2 tỷ USD tái cơ cấu từ các chương trình hỗ trợ thương mại hiện có. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm các chương trình tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kiến thức toàn cầu và chia sẻ kinh nghiệm tầm quốc gia. Ngoài ra, IFC sẽ hỗ trợ các khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo việc làm.
Thông qua gói hỗ trợ khẩn cấp với thủ tục rút gọn này, Nhóm Ngân hàng Thế giới mong muốn hỗ trợ các nước đang phát triển cải thiện hệ thống y tế, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế để bảo vệ người dân trước dịch bệnh, tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng, phối hợp với khu vực tư nhân giảm bớt tác động đến nền kinh tế. Gói tài chính với nguồn lực tổng hợp từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - IDA, Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển - IBRD và Tổ chức tài chính quốc tế cung cấp các dịch vụ đầu tư, tư vấn và quản lý tài sản để khuyến khích phát triển khu vực tư nhân ở các nước kém phát triển – IFC, sẽ được triển khai trên phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các chương trình thích ứng phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia.
Mỗi quốc gia, tùy theo mức độ rủi ro và nguy cơ trước dịch bệnh COVID-19, sẽ cần mức độ hỗ trợ khác nhau. Ưu tiên của Nhóm Ngân hàng Thế giới là các quốc gia nghèo nhất và những quốc gia rủi ro cao nhưng năng lực đối phó còn thấp. COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng và các tác động của nó vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Do đó Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức tiếp cận và nguồn lực của mình nếu cần thiết.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi IMF, WB, các Chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các nhóm và tổ chức trên đã kêu gọi hoãn ngay lập tức việc thanh toán nợ của 69 quốc gia nghèo trong hết năm 2020, ước tính vào khoảng 25 tỷ USD, hoặc lên tới 50 tỷ USD nếu được gia hạn cho năm 2021. Bên cạnh đó, chiến dịch còn kêu gọi thực thi giãn nợ hoặc hỗ trợ tài chính bổ sung không đi kèm các điều kiện về chính sách kinh tế, trong đó có "thắt lưng buộc bụng", cũng như kêu gọi G20 rút lại các quy định khẩn cấp nhằm không để các chủ nợ tư nhân kiện các nước nghèo hơn.
Hỗ trợ người lao động
Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này, đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng tiêu cực là người lao động, kéo theo gia đình họ. Tỷ lệ nghèo đói, phi chính thức và các công việc không được bảo vệ duy trì ở mức cao khiến cho việc kiềm chế sự lây lan của virus càng khó khăn hơn.
Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - UNICEF đã đưa ra những khuyến nghị mới cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ hỗ trợ người lao động có gia đình trong đại dịch COVID-19. Khuyến nghị sơ bộ kêu gọi người sử dụng lao động cân nhắc tác động của những quyết định mà doanh nghiệp đưa ra đối với gia đình của người lao động và kêu gọi họ hỗ trợ bảo trợ xã hội ở mức cao nhất có thể cho người lao động.
Những khuyến nghị ban đầu đối với người sử dụng lao động bao gồm: Theo dõi và thực hiện những khuyến nghị của chính quyền cấp trung ương và địa phương và truyền tải những khuyến nghị đó tới lực lượng lao động; Rà soát những chính sách tại nơi làm việc hiện có để đảm bảo những chính sách đó cung cấp đầy đủ hỗ trợ cho người lao động và gia đình họ; Vận dụng những thực tiễn tốt khi triển khai thực hiện chính sách trên cơ sở đối thoại xã hội, pháp luật lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đảm bảo mọi người lao động đều được tiếp cận với những biện pháp hỗ trợ tại nơi làm việc, không phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người lao động đều nắm bắt, hiểu và cảm thấy thoải mái khi áp dụng những chính sách này; Đấu tranh chống phân biệt đối xử và kỳ thị xã hội tại nơi làm việc thông qua hỗ trợ đào tạo và các cơ chế báo cáo bảo mật và an toàn; …
Khẳng định vai trò của các tổ chức đa phương
Ngày 3/4 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã tham gia Hội nghị trực tuyến do IMF và WB chủ trì với đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN+3, Mông Cổ, Timor-Leste, tham gia có đại diện của các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).
Hội nghị trao đổi về ảnh hưởng của khủng hoảng do COVID-19 gây ra đối với kinh tế vĩ mô và các động thái chính sách, cũng như đề xuất của các nước đối với hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Các tổ chức tài chính quốc tế đã thông tin về các gói cứu trợ mà các tổ chức này đã và đang dành cho các nước gặp khó khăn do dịch bệnh. Về phía ADB đã công bố gói hỗ trợ khoảng 6,5 tỷ USD, trong đó 3,6 tỷ USD dành cho hoạt động tài trợ có bảo lãnh của Chính phủ, 1,6 tỷ USD là tài trợ cho khu vực tư nhân không cần bảo lãnh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, 1 tỷ USD tài trợ ưu đãi thông qua phân bổ lại các dự án đang triển khai.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã đánh giá cao vai trò của IMF và WB trong việc điều phối hành động chính sách và hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế thông qua các sáng kiến hợp tác. Phó Thống đốc đã khẳng định phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam để kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh, bảo đảm đời sống và sức khỏe của người dân và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng đã đưa ra những chính sách quyết liệt và kịp thời nhằm hỗ trợ cho thị trường và các doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh COVID-19, giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.
Phó Thống đốc hoan nghênh các giải pháp hỗ trợ toàn diện cả về hỗ trợ tài chính lẫn tư vấn chính sách của các tổ chức IMF, WB, ADB, AIIB dành cho các nước nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và kêu gọi các tổ chức quốc tế tăng cường hơn nữa năng lực cho vay để hỗ trợ các quốc gia thành viên cũng như xem xét bổ sung các biện pháp hỗ trợ tài chính, cho phép giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ nhanh để làm giảm gánh nặng trả nợ cho các quốc gia trong điều kiện ngân sách đang khó khăn vì phải hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
EU hỗ trợ 8 tỷ euro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 6/4 thông báo đã giải ngân 1 tỷ euro cho Quỹ châu Âu về Đầu tư Chiến lược (FEIS) nhằm bảo lãnh cho Quỹ đầu Đầu tư châu Âu (FEI), vốn thuộc nhóm công tác của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (BEI).
Điều này cho phép FEI phát hành bảo lãnh đặc biệt nhằm khuyến khích các ngân hàng và các định chế cho vay khác cung cấp tiền mặt ít nhất cho 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, với khoản tài trợ được ước tính lên tới 8 tỷ euro.
Một trong những hậu quả kinh tế trực tiếp từ đại dịch COVID-19 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đột ngột bị thiếu vốn. Chính vì vậy, việc bảo lãnh của EU hỗ trợ các khoản cho vay này là cần thiết.
Củng cố vai trò của WTO
Trong tuyên bố mới đây của G20 về COVID-19 đã “thiếu sót” trong việc đề cập đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào thời điểm cần có sự hợp tác quốc tế hơn để khẩn trương kiểm soát và chống lại đại dịch COVID-19 đang lan rộng, bao gồm cả trong thương mại. Các nhà lãnh đạo G20 thừa nhận tầm quan trọng của thương mại trong việc giải quyết đại dịch trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc hội nghị trực tuyến khẩn cấp ngày 25/3.
Những người coi WTO nhất thiết phải là trung tâm của thương mại thế giới đang tự hỏi vai trò của tổ chức này bây giờ là gì và sẽ còn tiếp tục như thế nào?
Theo các chuyên gia thương mại, có rất nhiều ý tưởng cho việc sử dụng WTO để giúp chống lại đại dịch. Đứng đầu danh sách là nhu cầu cấp thiết để quay trở lại và kiềm chế các lệnh cấm xuất khẩu thuốc và vật tư y tế.
Các ý tưởng phù hợp khác cho hành động của WTO đã được đề xuất bao gồm: thúc đẩy tính minh bạch trong tất cả các biện pháp quốc gia được thực hiện để chống lại virus; cải thiện thuận lợi hóa thương mại để giảm chi phí hành chính đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe; loại bỏ các rào cản phi thuế quan gây cản trở thương mại thuốc và thiết bị y tế; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để giúp đảm bảo an toàn và chất lượng của hàng hóa y tế nhập khẩu; trợ cấp cho việc sản xuất các loại thuốc mới cần thiết khẩn cấp để ngăn chặn virus; tái khẳng định rằng các quy định của WTO cho phép cấp phép bắt buộc các loại thuốc cần thiết của các nước đang phát triển trong những hoàn cảnh thảm khốc này; và cho phép nhân viên y tế di chuyển dễ dàng hơn qua biên giới.
Bởi vì WTO hoạt động theo sự đồng thuận, chỉ có thể hành động nếu tất cả các thành viên hợp tác quyết định nên hành động. Tuy nhiên, nếu ngay cả một thành viên nói không, thì không có gì có thể xảy ra. WTO hoàn toàn là một tổ chức định hướng thành viên. Mặc dù vậy, các thành viên của WTO chưa sử dụng đúng mức vai trò của tổ chức này trong cuộc khủng hoảng toàn cầu của đại dịch COVID-19.
Có thể tính đến Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến để thảo luận về cách sử dụng thương mại tốt nhất nhằm giúp đánh bại COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.
Thư Nguyễn