Đại diện Bộ Công an khẳng định sau khi giám định, đánh giá và có đủ căn cứ về hàng loạt tàu thép hư hỏng, công an sẽ khởi tố điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an nói về vụ tàu vỏ sắt han gỉ ở Bình Định Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ Thuật (Bộ Công an) nói Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải có trách nhiệm về hợp đồng ký đóng tàu vỏ sắt tại Bình Định.
Sáng 28/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về quá trình điều tra, làm rõ sai phạm của các doanh nghiệp đóng tàu thép chục tỷ ở Bình Định, trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết ngay khi nắm được thông tin phản ánh về vụ việc tàu vỏ thép ở Bình Định, đơn vị đã sớm vào cuộc.
“Về cơ bản, chúng ta mới chỉ phát hiện 18 tàu ở Bình Định thôi, còn lại ở các địa phương khác, các doanh nghiệp đã đóng và cơ bản đáp ứng được yêu cầu”, tướng Tuyến khẳng định.
"Sự cố đáng tiếc"
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra, đến nay khẳng định có sai phạm ở 2 công ty đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu của Bộ Công an và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương). UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an Bình Định thu thập tài liệu.
“Trong vụ việc này, chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải có nguyên đơn tố cáo sai phạm, trên cơ sở đó chúng ta giám định, đánh giá, đủ căn cứ chúng tôi sẽ khởi tố điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật” , ông Tuyến nói và khẳng định Tổng cục Cảnh sát đã vào cuộc trách nhiệm, nắm tình hình ngay từ đầu và phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh Bình Định để điều tra.
Bộ cũng giao cho Công an Bình Định phối hợp các cơ quan liên quan sửa chữa tàu cho ngư dân Bình Định nói riêng và ngư dân 28 tỉnh trên biển nói chung, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chính phủ.
Cho rằng đây là sự cố đáng tiếc, thiếu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Bộ Công an), nói lỗi nằm ở máy động cơ Mitsubishi. Khi tổ kiểm tra độc lập của UBND tỉnh Bình Định công bố kết luận thì Công ty TNHH MTV Nam Triệu mới biết các máy này không đúng chủng loại cho tàu cá.
"Trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp máy, tuy nhiên với tư cách là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với ngư dân, Công ty TNHH MTV Nam Triệu phải có trách nhiệm toàn diện về hợp đồng này, khắc phục cho ngư dân", ông Dư nhấn mạnh.
Về hướng khắc phục, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cho biết Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đàm phán với đại diện Mitsubishi tại Việt Nam, ký hợp đồng khắc phục toàn bộ 10 máy không đúng chủng loại. Cho đến này, công ty đã nhập 7 máy về Việt Nam.
“Chúng tôi đảm bảo trong tháng 7, tháng 8 sẽ hoàn thành việc khắc phục sự cố này”, thiếu tướng Dư nói và cho biết đơn vị đã giao cơ quan quản lý thanh tra toàn diện việc đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật và quy định của lực lượng công an.
Công ty Đại Nguyên Dương lên tiếng thanh minh
Trong một diễn biến liên quan, sau khi bị Bình Định kiến nghị Bộ Công an khởi tố; đồng thời hướng dẫn thủ tục pháp lý cho ngư dân khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, ngày 27/6, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) mới lên tiếng sau thời gian dài né tránh trách nhiệm.
Văn bản do ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc công ty, ký gửi đến cơ quan chức năng Bình Định giải thích vụ việc.
Theo đó, thời gian qua, doanh nghiệp hợp đồng đóng mới 5 tàu thép theo Nghị định 67 cho ngư dân ở các huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát. Tàu mới đóng lần lượt bàn giao cho 5 ngư dân Bình Định đưa về hoạt động từ tháng 4 đến tháng 8/2016, sau đó đã gặp một số sự cố, hỏng hóc.
Đầu tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp đã họp bàn, thống nhất với ngư dân Bình Định đưa tàu gặp sự cố về Đà Nẵng khắc phục. Tuy nhiên đến nay ngư dân vẫn chưa đưa tàu đi sửa vì chờ ý kiến của tỉnh Bình Định. Để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng đôn đốc ngư dân đưa tàu đến xưởng đóng tàu ở Nam Định của công ty để xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu và khắc phục.
Tại các cuộc họp công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu vỏ thép, Giám đốc công ty TNHH Đại Nguyên Dương vắng mặt do đang nằm viện.
Trước đó chiều 26/6, làm việc với cơ quan chức năng, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay 2 lần triệu tập họp bàn giải pháp khắc phục sự cố nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này đều vắng mặt. Do vậy, Công an tỉnh cần lập hồ sơ kiến nghị Bộ Công an khởi tố, xử lý hình sự doanh nghiệp vì hành vi làm ăn gian dối, không có trách nhiệm khắc phục sự cố cho ngư dân. Các địa phương hướng dẫn thủ tục pháp lý giúp ngư dân khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, đòi quyền lợi chính đáng.
Qua giám định độc lập, các chuyên gia kết luận 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) tự ý sử dụng thép Trung Quốc đóng tàu sai nghiêm trọng với hợp đồng với ngư dân là vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản. Nhiều mẫu tàu thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cũng không đạt chỉ tiêu hóa học (không đạt tiêu chuẩn cấp A của thép đóng tàu đi biển).
Theo Zing