Bộ Chính trị yêu cầu xử lý sai phạm tại 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương

Lãnh đạo Đảng yêu cầu sớm dứt điểm phương án giải quyết với từng đơn vị, khẳng định nhà nước không bỏ thêm tiền để xử lý thua lỗ.

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản công bố ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả nêu trên. Cơ quan này cũng cho rằng đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị yêu cầu ngành Công Thương chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước và xã hội.

 

 Đạm Ninh Bình nằm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương đã hoạt động trở lại từ đầu năm 2017. Ảnh: N.B
Đạm Ninh Bình nằm trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương đã hoạt động trở lại từ đầu năm 2017. Ảnh: N.B)

"Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác từng dự án", Bộ Chính trị yêu cầu.

Trong năm 2017, cơ quan quản lý cần hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án; và hoàn tất vào năm 2020. Bên cạnh đó là việc xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc đề ra, đạt hiệu quả cao nhất.

Báo cáo trước đó của Bộ Công Thương về các dự án thua lỗ cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án thua lỗ gần 43.700 tỷ đồng, nhưng sau đó đã "đội" lên hơn 63.600 tỷ (tăng hơn 45% so với dự kiến ban đầu) và phần lớn trong số đó là vốn vay, gần 47.500 tỷ (xấp xỉ 74,6%).

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối 2016 là hơn 16.120 tỷ đồng; tổng nợ phải trả hơn 55.000 tỷ, chiếm 95% tổng tài sản các dự án.

Về hiện trạng "sức khỏe" của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hiện có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm Nhà máy đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung.

3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn là dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Công ty Bột giấy Phương Nam.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ (PVTex).

Theo VnExpress

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin