Bình Định mở chiến dịch chống “cát tặc”

04/10/2017 12:49

(Pháp lý) - Trước tình trạng “cát tặc” ngày càng lộng hành, ngày 12/4/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ra Chỉ thị số 1671/UBND-KT về việc chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã mở nhiều đợt tấn công “cát tặc”, nhưng đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này. Bài phỏng vấn sau đây giữa PV Pháp lý với ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Định sẽ làm rõ hơn thực trạng này.

 Khi thác cát và tận thu cát trái phép là nguyên nhân dẫn tới làm thay đổi dòng chảy và gây sa bồi, thủy phá nghiêm trọng.
Khi thác cát và tận thu cát trái phép là nguyên nhân dẫn tới làm thay đổi dòng chảy và gây sa bồi, thủy phá nghiêm trọng.)

Phóng viên: Thưa ông Đặng Trung Thành, ông có thể cho biết đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có bao nhiêu mỏ cát được cấp phép hoạt động? Trong đó, có bao nhiêu dự án khai thác cát kết hợp với nạo vét, khơi thông luồng lạch hàng hải, khơi thông đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm cát ?

 Ông Đặng Trung Thành – GĐ Sở TN&MT tỉnh Bình Định
Ông Đặng Trung Thành – GĐ Sở TN&MT tỉnh Bình Định)

Ông Đặng Trung Thành: Đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định, UBND tỉnh cấp 41 Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho 40 doanh nghiệp khai thác tại các bãi bồi cát lòng sông. Trước đây có dự án dự án khai thác cát kết hợp với nạo vét, khơi thông luồng lạch hàng hải, khơi thông đường thủy nội địa tại cửa Đề Gi, huyện Phù Cát, hiện nay dự án này đã ngừng hoạt động.

Phóng viên: Bình Định có những mỏ cát nào trong quá trình khai thác đã và đang vi phạm pháp luật, bị dân chúng khiếu kiện? Bị thanh tra Sở TNMT tỉnh lập biên bản, xử lý… Nguyên nhân nào dẫn đến sự vi phạm đó?

Ông Đặng Trung Thành: Hiện nay, các mỏ cát trên sông Hà Thanh, thuộc xã Canh Vinh, huyện Vân Canh đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, doanh nghiệp đã hoàn tất các hồ sơ liên quan, thực hiện các khoản nộp ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, người dân trong khu vực cản trở không cho khai thác, với lý do sợ ảnh hưởng môi trường, sạt lở bờ sông. Hiện nay các cơ quan chính quyền địa phương và các ngành đang vận động, tuyên truyền cho người dân về vấn đề này để các doanh nghiệp khai thác cát phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh, cũng như yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của tổ chức khai thác khoáng sản đối với địa phương theo quy định.

Thời gian qua, do nhu cầu về vật liệu xây dựng để phục vụ thi công nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh lớn gây khan hiếm vật liệu xây dựng, tăng giá cát, từ đó dẫn đến khai thác cát vượt công suất và khai thác cát trái phép tại một số khu vực, gây ảnh hưởng đến môi trường. Một số địa phương quản lý khoáng sản chưa chặt chẽ, chưa xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép, gây bức xúc trong nhân dân.

Để chấn chỉnh việc khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh BÌnh Định đã có Văn bản số 1671/UBND-KT ngày 12/4/2017 về việc chấn chỉnh trình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, trong đó giao Công an tỉnh mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý truy quét hoạt động khai thác cát trái phép. Qua đó, đã kiểm tra, phát hiện 52 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, đã xử lý 23 vụ với tổng số tiền là 79.500.000 đồng; 08 vụ chuyển cho cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý; 02 vụ nhắc nhở cho tổ chức, cá nhân cam kết; 03 vụ thu 03 máy hút cát; 16 vụ đang tiếp tục điều tra xử lý. Sau đợt công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý khai thác khoáng sản chưa của cấp chính quyền huyện, xã được tăng lên, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã dần đi vào nề nếp, các đơn vị tham gia hoạt động đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương.

Phóng viên: Tại Công văn số 3588 của UBND tỉnh Bình Định ký ngày 12/7/2017 có cho phép Công ty TNHH Tân Lập vừa lập thủ tục, vừa được khai thác, tận thu cát tại khu vực xây dựng cầu Canh Vinh, trên tuyến 639B. Nhưng nhiều người dân phản đối vì cho rằng Công ty TNHH Tân Lập đã vi phạm chỉ giới tận thu cát do tỉnh cho phép, cụ thể là phía chân cầu Canh Vinh (phía Nam), Công ty TNHH Tân Lập đã dùng xe đào móc tập sâu vào vườn tược, bờ tre, đất canh tác của dân, gây nguy hiểm cho cây cầu Canh Vinh. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có đi thị sát hiện trường chưa và có biện pháp nào xử lý, ngăn chặn hữu hiệu việc này?

Ông Đặng Trung Thành: Việc khai thác cát của Công ty TNHH Tân Lập tại sông Hà Thanh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh được UBND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 3588/UBND-KT ngày 12/7/2017, để phục vụ thi công dự án Nâng cấp đường phía Tây tỉnh ĐT.639B (trong đó có công trình cầu Canh Vinh) và các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực địa các khu vực khai thác cát của Công ty TNHH Tân Lập. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở đã báo cáo UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Tân Lập, trước khi hoạt động khai thác, phải hoàn thành việc nộp khoản tiền tạm ký gửi (liên quan đến các khoản phải nộp cho ngân sách nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản); chịu trách nhiệm và phối hợp với chính quyền địa phương thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đang canh tác trên khu đất được cấp thẩm quyền cho phép khai thác tận thu cát, cắm các mốc giới vị trí các khu vực khai thác cát; trong quá trình khai thác cát phải thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Các vị trí này đều đảm bảo an toàn chân cầu Canh Vinh và các công trình dân sinh khác.

 Công ty TNHH Tân Lập lợi dụng cấp phép tận thu cát để phục vụ công trình, đã tự ý khai thác lấn sâu vào đất vườn của dân hàng chục nghìn m2, đe dọa trực tiếp đến chân móng cầu Canh Vinh xã Canh Vinh (Vân Canh) thuộc tuyến TĐ 369B.
Công ty TNHH Tân Lập lợi dụng cấp phép tận thu cát để phục vụ công trình, đã tự ý khai thác lấn sâu vào đất vườn của dân hàng chục nghìn m2, đe dọa trực tiếp đến chân móng cầu Canh Vinh xã Canh Vinh (Vân Canh) thuộc tuyến TĐ 369B.)

Về kiểm tra giám sát việc Công ty TNHH Tân Lập có khai thác đúng vị trí, đảm bảo môi trường hay không là công tác thường xuyên của Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương các cấp. Do đó, trong thời gian tới, nếu phát hiện Công ty khai thác không đúng vị trí, vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xử lý và đề xuất UBND tỉnh thu hồi chủ trương khai thác cát.

Phóng viên: Theo ông giải pháp nào để tăng cường quản lý khai thác cát để chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tránh tranh giành khai thác mỏ cát, đe dọa bằng bạo lực, gây mất an ninh trật tự trong các khu dân cư, như tại Khu kinh tế Nhơn Hội?

Ông Đặng Trung Thành: Để tăng cường quản lý khai thác cát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các giải pháp:

- Trình UBND tỉnh cấp phép khai thác đúng quy hoạch, ranh giới các mỏ phải đảm bảo an toàn bờ sông theo yêu cầu của ngành nông nghiệp, về quy mô công suất, thời gian và độ sâu khai thác phù hợp với đặc điểm tình hình trong khu vực.

- Phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, định kỳ và đột xuất thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý, kể cả đề nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương xử lý, chấn chỉnh trình trạng khai thác cát trái phép để việc hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!

DŨNG CHINH (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Bình Định mở chiến dịch chống “cát tặc”" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin