Bảo Việt và cái “bắt tay” 225 tỷ với tập đoàn của bà Hứa Thị Phấn

Năm 2007, ngay sau khi tiến hành IPO theo đề án thí điểm cổ phần hóa của Chính phủ, Tập đoàn Bảo Việt đã đem hàng trăm tỷ đồng đi đầu tư, trong đó có 225 tỷ đổng rót vốn vào tập đoàn bất động sản SSG do nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn sáng lập.

SSG – “mỏ vàng” của bà Sáu Phấn và nhóm Phú Mỹ

 Bà Hứa Thị Phấn - chủ tịch HĐTV công ty TNHH Phú Mỹ dùng hơn 5 triệu cổ phần SSG làm tài sản bảo đảm cho khoản vay giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm để chuyển nhượng ngân hàng Trust Bank (tiền thân của ngân hàng Xây Dựng)
Bà Hứa Thị Phấn - chủ tịch HĐTV công ty TNHH Phú Mỹ dùng hơn 5 triệu cổ phần SSG làm tài sản bảo đảm cho khoản vay giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm để chuyển nhượng ngân hàng Trust Bank (tiền thân của ngân hàng Xây Dựng))

Ngày 24/03/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của bà Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cao cấp HĐQT, thành viên Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín; đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Hứa Thị Phấn (thường gọi là bà Sáu Phấn) là một mắt xích quan trọng trong đại án ngân hàng Xây dựng, giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm.

Hội đồng xét xử nhận định thời điểm Phạm Công Danh nhận chuyển giao lại Ngân hàng Xây dựng thì ngân hàng này đang trong tình trạng vốn sở hữu bị “âm” gần 2.900 tỷ đồng. Đây là hậu quả do nhóm Công ty Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện khi sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền ngân hàng góp vốn cổ phần và sử dụng.

Ngoài ra, bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm còn có hành vi chỉ đạo giải ngân, hạch toán thu chi khống 4.944 tỷ đồng tại Trustbank để tất toán nợ cũ nhưng lại ghi nợ cho đối tượng khác, gây thiệt hại cho Trustbank.

Tên tuổi của bà Sáu Phấn và Công ty TNHH Phú Mỹ (do bà Phấn làm chủ tịch HĐTV) gắn liền với một doanh nghiệp bất động sản phía Nam là Công ty cổ phần Tập đoàn SSG.

Với vai trò là đại diện cổ đông sáng lập, bà Sáu Phấn tham gia Hội đồng quản trị tập đoàn SSG từ năm 2012 – khi đã bước sang độ tuổi”thất thập cổ lai hy”.

Bà Hứa Thị Phấn đã dùng hơn 5 triệu cổ phiếu SSG (gồm 1,6 triệu CP SSG của bà Ngô Thị Kim Huệ, hơn 860.000 CP SSG của bà Hứa Thị Phấn, 3,3 triệu CP SSG của bà Hứa Thị Bích Hạnh) cùng hai biệt thự là tài sản cá nhân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đầu năm 2012.

Những khoản đầu tư “thả gà ra đuổi” trăm tỷ của Bảo Việt

Tập đoàn SSG được thành lập năm 2003 với số vốn điều lệ chỉ vài trăm triệu đồng, nay đã tăng lên mức 1.000 tỷ đồng, thực hiện hàng loạt dự án như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza,…

SSG cũng chính là tác giả khiến “Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam” – Mỹ Đình Pearl của PVN đắp chiếu gần 5 năm qua. Cuối tháng 2/2017, PVN cũng đã phải tiến hành thoái toàn bộ phần vốn góp, “tháo chạy” khỏi khu đất rộng 3,8 hecta đang được trưng dụng làm sân golf.

 Dự án Mỹ Đình Pearl rộng 3,8 hecta của liên doanh PVN-SSG chuyển đổi thành sân golf để bù đắp chi phí
Dự án Mỹ Đình Pearl rộng 3,8 hecta của liên doanh PVN-SSG chuyển đổi thành sân golf để bù đắp chi phí)

Hiện nay, ngoài TNHH Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn và một số pháp nhân, thể nhân khác, cổ đông lớn của SSG còn có sự xuất hiện của một doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Bảo Việt, nắm 5% vốn điều lệ.

Theo giới thiệu trên website của SSG, mối quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn Bảo Việt được gây dựng từ tháng 9/2007 sau khi Bảo Việt rót 225 tỷ đồng mua 5% vốn doanh nghiệp này. Đáng chú ý hơn, thời điểm tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam bắt đầu lấn sân sang ngành kinh doanh bất động sản là khi vừa hoàn thành phiên IPO theo đề án thí điểm cổ phần hóa do Chính phủ phê duyệt.

Khoản tiền 225 tỷ đồng mua chứng khoán chưa niêm yết mang tên SSG cũng là khoản đầu tư chứng khoán lớn nhất của Bảo Việt trong vòng gần thập kỷ qua.

Ngoài ra, năm 2007 cũng là một năm khá sôi động của Bảo Việt trong lĩnh vực hợp tác đầu tư như rót vốn vào HIPT, CMC, VOSCO,… Và điểm chung của các khoản đầu tư trên đều khiến Bảo Việt của ngày hôm nay phải “nhận trái đắng”.

 Bảo Việt "ngậm đắng" khi trích lập hàng trăm tỷ cho các khoản đầu tư chứng khoán
Bảo Việt "ngậm đắng" khi trích lập hàng trăm tỷ cho các khoản đầu tư chứng khoán)

Đến cuối năm 2016, Bảo Việt đang phải trích lập dự phòng 93 tỷ đồng – tương ứng 65% cho khoản đầu tư 144 tỷ vào CTCP Tập đoàn công nghệ CMC, trích lập dự phòng 62 tỷ cho cổ phiếu HIPT... Khoản đầu tư trị giá 79,5 tỷ đồng tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng bị mắc kẹt không lối thoát khi doanh nghiệp này đang ngập trong nợ nần, lỗ lũy kế 800 tỷ đồng, cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát.

Theo ANTT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin