Bảo hiểm xã hội - trụ cột của chính sách an sinh xã hội

15/07/2018 17:16

(Pháp lý) - Trong thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội đã đem ra so sánh lợi ích giữa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu với tham gia bảo hiểm nhân thọ, với gửi tiết kiệm. Trước tiên, phải khẳng định BHXH là trụ cột của chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay. Việc so sánh trực tiếp một chế độ, chính sách của Nhà nước với một sản phẩm thương mại là không hợp lý.

Trên thế giới, tại nhiều quốc gia có kinh tế phát triển, nền công nghiệp hiện đại hóa ở mức tiên tiến nhất, kinh tế thị trường được xây dựng hoàn chỉnh, vận hành với đầy đủ các quy luật vốn có thì chính sách BHXH vẫn được các quốc gia duy trì một cách bền vững và luôn coi đây là chính sách quan trọng Nhà nước song hành cùng hệ thống bảo hiểm tư nhân, thương mại. Quan trọng hơn, lương hưu nhận từ BHXH vẫn là nguồn thu nhập cơ bản với mọi người già ở các quốc gia phát triển; nguồn thu từ bảo hiểm thương mại hay tiền tiết kiệm từ ngân hàng chưa bao giờ đủ để bảo đảm duy trì an sinh cho cả cộng đồng ở mọi quốc gia.

Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho các đối tượng tham gia bảo hiểm tại Phường Bến Nghé, TP.HCM (ảnh minh họa)
Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho các đối tượng tham gia bảo hiểm tại Phường Bến Nghé, TP.HCM (ảnh minh họa))

Ở nước ta, với đặc trưng của chế độ chính trị, yếu tố lịch sử, địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội, có thể thấy cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) gồm 03 trụ cột: Bảo hiểm xã hội (BHXH) (bao gồm cả Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Ưu đãi xã hội; Bảo trợ xã hội (bao gồm Trợ giúp xã hội và Cứu trợ xã hội. Xét về thực chất, ba trụ cột này nhằm thực hiện 03 chức năng cơ bản của hệ thống an sinh xã hội: Phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Trong đó, BHXH, BHYT là những bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống chính sách ASXH, đã được thể chế hóa bằng Luật BHXH và Luật BHYT.

Các chế độ BHXH, BHYT bắt buộc theo luật định hiện nay ở nước ta bao gồm: (1) Ốm đau; (2) Thai sản; (3) Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; (4) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (5) Hưu trí; (6) Tử tuất; (7) Khám, chữa bệnh BHYT; (8) BHTN, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tìm việc làm.
Như vậy, bản chất của An sinh xã hội là góp phần duy trì sự phát triển ổn định bền vững cho xã hội và đảm bảo thu nhập ổn định cho cuộc sống của công dân trong xã hội. Đồng thời, chính sách an sinh xã hội còn để tạo ra lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay khi gặp những rủi ro xã hội khác. Chính sách an sinh xã hội là một chính sách xã hội cơ bản của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho các thành viên trong xã hội do đó nó vừa có tính kinh tế, vừa có tính xã hội và nhân đạo sâu sắc.

Trên thực tế, hai loại bảo hiểm này được thực hiện trên cùng một nguyên tắc là: có tham gia đóng góp bảo hiểm thì mới được hưởng quyền lợi, không đóng góp thì không được đòi hỏi quyền lợi. Hoạt động của hai loại bảo hiểm này đều nhằm để bù đắp tài chính cho các đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải những rủi ro gây ra thiệt hại trong khuôn khổ bảo hiểm đang tham gia. Một điểm chung nữa là phương thức hoạt động của hai loại hình bảo hiểm này đều mang tính “cộng đồng – lấy số đông bù số ít” tức là dùng số tiền đóng góp của số đông người tham gia để bù đắp, chia sẻ cho một số ít người gặp phải biến cố rủi ro gây ra tổn thất.

Về bảo hiểm thương mại, chúng ta đều thấy rõ mục tiêu hoạt động của bảo hiểm thương mại là lợi nhuận. Còn mục tiêu hoạt động bảo hiểm xã hội là nhằm thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và các thành viên trong gia đình họ. Vì vậy, hoạt động bảo hiểm xã hội là hoạt động phi lợi nhuận và nhằm mục đích an sinh xã hội. Phạm vi hoạt động của bảo hiểm xã hội liên quan trực tiếp đến người lao động và các thành viên trong gia đình họ và chỉ diễn ra trong từng quốc gia. Hoạt động bảo hiểm thương mại rộng hơn, không chỉ diễn ra trong từng quốc gia mà còn trải rộng xuyên quốc gia, có mặt ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Về cơ sở nguồn tiền đóng, mức đóng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hoàn toàn dựa vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động. Bảo hiểm xã hội thực hiện các quy định theo chính sách xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ để đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội, sự ổn định chính trị của quốc gia. Đối với Bảo hiểm thương mại hoạt động thực hiện theo cơ chế thị trường và nguyên tắc hạch toán kinh doanh. Quan hệ giữa mức đóng góp và mức hưởng là quan hệ tương đồng thuần tuý, tức là ứng với mỗi mức đóng góp bảo hiểm nhất định thì khi xảy ra rủi ro sẽ nhận được một mức quyền lợi tương ứng quy định trước.

Như vậy, xét một cách tổng thể về quyền lợi thì việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu mang lại quyền lợi khi về hưu thấp hơn quyền lợi khi họ gửi tiết kiệm hoặc tham gia BH nhân thọ trong 20 năm là hoàn toàn không có cơ sở bởi giữa BHXH và gửi tiết kiệm hay mua BH nhân thọ có sự khác biệt rất lớn: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ nghĩa là không bị phá sản, còn các ngân hàng hoạt động nhằm mục đích sinh lời, là nghề kinh doanh có lời nhất và cũng có thể bị phá sản, trong trường hợp phá sản tiền gửi tiết kiệm có thể người tham gia bảo hiểm bị rủi ro cao. Ngoài ra, khi tham gia đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ và trở thành căn cứ để điều chỉnh lương hưu. Trong thời gian tham gia BHXH còn được hưởng các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất; Khám, chữa bệnh BHYT; BHTN, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tìm việc làm.

Theo BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002. Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh... Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH. Đối với gửi tiết kiệm thì số tiền lãi là mức xác định và giá trị của khoản tiền lãi sẽ ngày càng thấp do tác động của yếu tố trượt giá (lạm phát).

So sánh lợi ích từ việc đầu tư khi tham gia BHXH tự nguyện với việc gửi tiết kiệm của một người tham gia BHXH và gửi tiền tiết kiệm, một bài toán được các chuyên gia tính toán phân tích dựa trên thực tế như sau: Đóng BHXH và gửi tiết kiệm 20 năm tính từ năm 2008 (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện) với số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng BHXH duy trì trong suốt 20 năm và số tiền đóng BHXH được tính bằng tỷ lệ % theo quy định của từng thời kỳ tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH là 5 triệu đồng. Lãi suất tiết kiệm: 7%/năm; tính theo lãi gộp qua từng năm. Chỉ số điều chỉnh tiền đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5%/năm tính từ năm t-1 (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay); Người tham gia hưởng lương hưu từ năm 2028 khi đủ 55 tuổi đối với nữ tỷ lệ % hưởng lương hưu theo quy định là 55% (nam giới đủ 60 tuổi, tỷ lệ là 45%); Mức điều chỉnh lương hưu bình quân tăng: 7%/năm (lấy thấp hơn mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 đến năm 2017); Kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu là 20 năm; Mức lương cơ sở tại thời điểm năm 2048 là 10 triệu đồng, tăng 8,27%/năm (từ năm 2008 đến tháng 6/2017 mức tăng lương cơ sở bình quân là 13,7%/năm); Trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng lương hưu tại thời điểm chết (mức thấp nhất theo quy định).

Mức hưởng lương hưu được tính theo quy định hiện hành sẽ có kết quả: Cùng với số tiền đầu tư là 249.600.000 đồng, nhưng để tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là 2.160.690.000 đồngđối với nữ và đối với nam là 1.786.019.000 đồng; nhiều hơn gửi tiết kiệm với số tiền rất lớn là 973.333.000 đồngđối với nữ và đối với nam là 598.303.000 đồng) trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì lợi ích là vô cùng lớn do số tiền người lao động phải bỏ ra đóng BHXH chỉ là 90.763.600 đồng,vì phần còn lại do đơn vị đóng.

Kết quả: Cùng với số tiền đầu tư là 249.600.000 đồng, nhưng để tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là 2.160.690.000 đồng đối với nữ và đối với nam là 1.786.019.000 đồng; nhiều hơn gửi tiết kiệm với số tiền rất lớn là 973.333.000 đồng đối với nữ và đối với nam là 598.303.000 đồng) trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì lợi ích là vô cùng lớn do số tiền người lao động phải bỏ ra đóng BHXH chỉ là 90.763.600 đồng, vì phần còn lại do đơn vị đóng. Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu được khám, chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả với số tiền không thể thống kê được bởi lẽ ai cũng biết, khi đã ở dốc bên kia của cuộc đời, chi phí cho chăm sóc y tế đối với hầu hết người già là rất lớn.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Bảo hiểm xã hội - trụ cột của chính sách an sinh xã hội" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin