Người lao động hỏi: Tôi làm việc cho một Cty cổ phần tham gia đóng BHXH từ năm 2011. Năm 2021, do công ty gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và nợ chưa đóng tiền BHXH cho cơ quan BHXH. Nay tôi xin nghỉ việc và không chốt được sổ BHXH. Tôi xin hỏi trong trường hợp nếu công ty phá sản thì quyền lợi của người lao động được giải quyết như thế nào?
Nguyễn Lệ Thu
Cty CP sản xuất VLXD Hà Thái
Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội.
Luật gia trả lời: Quyền lợi của người lao động khi công ty phá sản được giải quyết như thế nào là lo lắng chung của nhiều người lao động. Khi tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp phải giải quyết một số vấn đề tài chính theo luật định. Trong đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động phải được đảm bảo, người lao động phải được thanh toán một số khoản lợi ích như tiền lương, trợ cấp thôi việc…cụ thể như sau:
Căn cứ pháp lý
Luật Phá sản 2014
Luật BHXH 2014
Bộ Luật lao động 2019
Người lao động được ưu tiên giải quyết quyền lợi khi công ty phá sản
Theo quy định tại khoản 4 Điều 48 BLLĐ năm 2019, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán.
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản như sau:
1. Chi phí phá sản;
2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Với quy định này, người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán thứ hai sau khi đã chi trả chi phí phá sản. Tuy nhiên, nếu sau khi thanh lý hết tài sản của doanh nghiệp mà chỉ đủ hoặc thậm chí không đủ trả chi phí phá sản thì người lao động sẽ không nhận được bất cứ khoản thanh toán nào.
Như vậy, việc công ty phá sản là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, do đó, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.
Do người lao động được ưu tiên thanh toán thứ hai nên nếu sau khi trả chi phí phá sản, doanh nghiệp vẫn có đủ khả năng thanh toán thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
Được thanh toán tiền lương cho những ngày làm việc chưa thanh toán
Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp doanh nghiệp phá sản có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 48 BLLĐ 2019.
Theo đó, công ty phải có trách nhiệm chi trả tiền lương lao động theo thời gian làm việc thực tế chưa được thanh toán lương trong thời gian quy định.
Được hưởng trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 46 BLLĐ năm 2019, người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được người sử lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trừ trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu.
Với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Cụ thể:
Tiền trợ cấp thôi việc |
= |
1/2 |
x |
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc |
x |
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc |
Trong đó:
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Được thanh toán các loại bảo hiểm và các khoản lợi ích khác
Ngoài việc được trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, doanh nghiệp còn phải thanh toán các loại bảo hiểm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cùng những khoản lợi ích khác cho người lao động theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký.
Về trợ cấp thất nghiệp, Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp theo Điều 50 Luật Việc làm 2013.
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Luật việc làm quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.”
Vì vậy, người lao động cần phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 03 tháng kể từ khi nghỉ việc, nếu quá thời hạn 03 tháng thì trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ trong mọi trường hợp, bất kể mọi lý do. Tuy nhiên thời gian đóng bảo hiểm của bạn tại công ty vẫn sẽ được bảo lưu để hưởng vào lần thất nghiệp sau.
Chốt sổ BHXH khi Công ty phá sản nợ BHXH
Như vậy, trong trường hợp khi doanh nghiệp phá sản và không thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động; thì người lao động có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi quản lý sổ BHXH; đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm doanh nghiệp bị đóng cửa.
Trước hết, có thể thấy việc không chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo quy định tại Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, trong trường hợp công ty phá sản, tức không còn tồn tại, người lao động chưa được chốt sổ BHXH có thể khiếu nại trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Theo đó, người lao động có thể đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành xác minh và liên hệ với cơ quan BHXH để chốt sổ BHXH cho người lao động.
Trường hợp công ty phá sản mà vẫn còn đang nợ tiền bảo hiểm, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH như sau:
- Trường hợp đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
- Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Theo đó, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH đến thời điểm công ty đã đóng BHXH cho người lao động.