Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) phải đảm bảo 3 yếu tố: Chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế.
Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) được Quốc hội xem xét, thảo luận sáng 28/5. Có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, 7 đại biểu tham gia tranh luận tại thảo luận.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng khẳng định sự thống nhất cao với báo cáo giải trình của Quốc hội về dự án Luật, nhấn mạnh, dự án Luật PPP là dự án luật mới và khó. Trên thế giới, có nước xây dựng hệ thống luật PPP, có nước không xây dựng nhưng khi đã xây dựng thì theo hướng hệ thống pháp luật rất đồng bộ. Còn ở Việt Nam, chưa có hệ thống pháp luật đồng bộ và chặt chẽ thì cần có luật riêng để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc và thu hút nguồn lực đầu tư vào các dự án.
Mục tiêu của dự án Luật PPP để thu hút nguồn lực cá nhân, tổ chức ở trong nước vào hạ tầng kinh tế-xã hội của đất nước, của các địa phương, các ngành trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn có hạn.
Vì vậy, dự án Luật phải đảm bảo 3 yếu tố: Chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế.
Bộ trưởng cho rằng, nếu dự án Luật PPP chỉ nghiêng về những dự án có lợi cho Nhà nước thì sẽ không có doanh nghiệp nào đầu tư. Ngược lại, nếu chỉ tính đến lợi ích của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của Nhà nước thì cũng không được. Vì vậy, khi xây dựng dự án Luật PPP, cơ quan soạn thảo và các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ.
Về cơ chế chia sẻ rủi ro trong tăng, giảm doanh thu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cơ chế hết sức đột phá của dự án Luật PPP để thu hút các nhà đầu tư. Nhiều ý kiến đồng ý với việc chia sẻ rủi ro thực hiện dự án theo doanh thu chứ không phải chia sẻ theo lỗ lãi bởi vì việc này đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đảm bảo kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu chúng ta kiểm soát qua doanh thu thì sẽ đảm bảo thuận lợi hơn. Còn nếu kiểm soát qua lỗ lãi thì là vấn đề rất khó vì không thể kiểm soát được tăng giảm lỗ lãi của doanh nghiệp.
Nếu nhà đầu tư giảm doanh thu dưới 75% thì Nhà nước mới phải chia sẻ rủi ro và trước khi chia sẻ thì phải điều chỉnh các hợp đồng như thời hạn thu, mức thu. Khi chia sẻ rủi ro thì Nhà nước và nhà đầu tư được thực hiện theo tỷ lệ 50%-50%. Như vậy, tỷ lệ rủi ro từ 76%-100% thì nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. Còn việc tăng doanh thu trên 125% thì trong bất kể lý do nào cũng chia theo tỷ lệ Nhà nước và tư nhân đều được 50%-50%.
Dự án PPP không phải là một dự án đầu tư công hoàn toàn, nên thực hiện dự án thông qua hợp đồng giữa một bên là cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và một bên là doanh nghiệp nên khi thực hiện kiểm toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn thống nhất là cần có kiểm toán của Nhà nước đối với những phần thuộc ngân sách Nhà nước, một số nội dung như dự án Luật PPP quy định, trong đó tập trung vào lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chất lượng dịch vụ và giá trị dự án khi chuyển giao cho cơ quan Nhà nước quản lý. Còn doanh nghiệp tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với nhiều ý kiến khác nhau về dự án BT (xây dựng-chuyển giao), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay hiện nay không còn hình thức trả bằng tiền mà chỉ còn hình thức trả, đổi bằng đất đai. Trong quá trình thực hiện dự án BT còn có những hạn chế, khiếm khuyết, do vậy, nếu còn thực hiện dự án BT thì phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ.
Theo baochinhphu.vn
Nguồn bài viết: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Ba-yeu-to-cot-loi-cua-Luat-PPP/396749.vgp