Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tặng hoa chúc mừng Hiệp hội nhân ngày Thương binh Liệt sỹ Việt Nam 27/7/2023
Người “thủ lĩnh” xứng tầm
Năm 2022, thương binh, Anh hùng lao động (AHLĐ) Trần Hồng Quảng vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. Nhận trọng trách lớn lao, ông luôn trăn trở trước bài toán “vĩ mô”, làm thế nào để vực dậy sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm ổn định cho thương binh và người khuyết tật trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch Covid-19.
Một trong những việc đầu tiên ông muốn làm là đề nghị cơ quan chức năng xác định rõ địa vị pháp lý của doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật. Thường trực Hiệp hội đã họp và thống nhất thành lập ban Pháp chế và hỗ trợ pháp luật và xác định việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cơ sở hội viên - là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là việc tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương binh. Thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp chính sách gặp khó khăn....
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, để nâng cao vị thế, Hiệp hội đã tham gia thiết lập mối quan hệ và làm thành viên của các Tổ chức quốc tế và Việt Nam như: Tổ chức Khả năng việc làm quốc tế (WA), Tổ chức khả năng việc làm và phục hồi chức năng lao động khu vực châu Á, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Văn phòng Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN), Tình nguyện viên Liên hợp quốc (UNV)… Đặc biệt, Hiệp hội đã quan tâm tổ chức nhiều đoàn công tác đưa đại diện doanh nghiệp hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp… Sau mỗi chuyến đi, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, sản phẩm do người khuyết tật và thương binh làm ra đã đến với bạn bè khắp các quốc gia trên thế giới.
Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, thương bệnh binh, luôn được Hiệp hội coi trọng. Bằng việc tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội; huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật, từ thiện trong và ngoài nước… đã góp phần tạo việc làm, giảm dần những rào cản, cải thiện đời sống, bảo đảm quyền của người khuyết tật.
Theo báo cáo của Hiệp hội đã kết nạp được gần 1.000 doanh nghiệp hội viên tham gia vào quá trình hoạt động, phát triển chung. Hàng trăm ngàn lao động đang làm việc tích cực tại các doanh nghiệp hội viên đang góp phần thay đổi đáng kể hình ảnh người khuyết tật không ngừng vươn lên, không ngừng vượt khó để hòa nhập cộng đồng, không trở thành gánh nặng của xã hội. Nhờ đó, nhiều thương binh, người khuyết tật đã vượt qua nỗi đau, tích cực lao động để không trở thành gánh nặng cho xã hội. Ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và trung bình, thu nhập của người lao động đạt từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho DN thương binh và người khuyết tật
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong tình hình mới, Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quảng cho rằng, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng lao động là thương binh và người khuyết tật cần phải được khơi thông, vì thực tế các chính sách được ban hành nhiều, nhưng thiếu đồng bộ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện luật thường được ban hành chậm. Luật Người khuyết tật, ban hành năm 2010; Nghị định số 28/2012/NĐ – CP ban hành ngày 10/4/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012 (chậm 1 năm rưỡi); Như vậy Thông tư của các Bộ, Ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định; Tiếp đến các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp tỉnh, thành, quận, huyện, đến cơ sở, doanh nghiệp chắc chắn sẽ chậm nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, Chủ tịch Trần Hồng Quảng còn cho rằng, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.
Từ thực tiễn hiện nay, Anh hùng Trần Hồng Quảng kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, Ngành Trung ương, nghiên cứu, trình Quốc Hội cho phép bổ sung đối tượng Thương binh và người hưởng chế độ như thương binh vào trong Luật Người khuyết tật 2010. Chính phủ xem xét điều chỉnh quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số: 28/2012/NĐ – CP, từ quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật" thành quy định “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 51% lao động là người khuyết tật trở lên. Bảo đảm phù hợp hơn với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay. Các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về người khuyết tật. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, các Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam và người khuyết tật trong cả nước kịp thời tiếp cận và thụ hưởng đúng và đầy đủ các chính sách ưu đãi của Chính phủ và địa phương đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật.
Năm 2024 vẫn có nhiều thách thức, tin rằng AHLĐ Trần Hồng Quảng cùng tập thể các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn tiếp tục vững bước và gặt hái những thành công mới.