Ước tính của Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho thấy mỗi năm có khoảng 100 tỷ bảng được chuyển qua Vương quốc Anh bất hợp pháp.
Dự luật đưa ra quy định bắt buộc đăng ký đối với các thực thể ở nước ngoài, tập trung vào những chủ sở hữu cuối cùng của các công ty nước ngoài kiểm soát tài sản và đất đai ở Anh.
Theo dự luật, người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Anh ẩn danh sẽ phải khai báo danh tính nhằm đảm bảo tội phạm không thể lẩn trốn sau chuỗi các công ty vỏ bọc. Những người nắm giữ tài sản ở Anh thông qua quỹ tín thác sẽ nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự luật.
Chính phủ cho biết những người không khai báo chủ sở hữu sẽ bị hạn chế bán tài sản ở Anh và có thể chịu hình phạt đến 5 năm tù.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường hệ thống “lệnh đối với tài sản không được giải trình nguồn gốc” (UWO), theo đó nhà chức trách có thể yêu cầu chủ sở hữu khai báo nguồn gốc tài sản của mình. Tài sản này có thể bị tịch thu nếu chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro tài chính đối với các cơ quan thực thi pháp luật khi theo đuổi các vụ việc UWO bằng cách áp mức trần chi phí cho các vụ việc không thành công của các cơ quan chức năng, vốn là một nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng không nhiệt tình theo đuổi các vụ UWO kể khi hệ thống này được áp dụng vào năm 2018. Dự luật cũng cho phép các cơ quan chức năng có thêm thời gian để đánh giá tài liệu được cung cấp trong một vụ UWO.
Chính phủ cũng dự kiến sẽ công bố sách trắng, đưa ra các đề xuất trung hạn để cải cách thủ tục của Cơ quan đăng ký doanh nghiệp, theo đó người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chi tiết hơn về danh tính. Các cải cách về thủ tục sẽ bao gồm quy trình nộp hồ sơ số hóa cho các công ty nhỏ.
Điều này sẽ cho phép chính phủ có quyền lực lớn hơn trong việc thu giữ tài sản tiền điện tử để ứng phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ việc sử dụng tiền trực tuyến để rửa tiền.
Về phần mình, Bộ Tài chính Anh sẽ đẩy mạnh việc thực thi các hình phạt bằng cách áp dụng trên phạm vi rộng biện pháp "kiểm tra trách nhiệm dân sự nghiêm ngặt" đối với các hình phạt bằng tiền.
Hiện tại, các công ty chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu biết hoặc có "lý do hợp lý để nghi ngờ" rằng các hình phạt đang bị vi phạm.
Động thái này sẽ giúp Văn phòng Thực thi hình phạt tài chính (OFSI) dễ dàng áp đặt các khoản tiền phạt lớn. Kể từ khi được thành lập vào năm 2016, OFSI mới chỉ ban hành 6 khoản tiền phạt.
Dự luật nhằm kiểm soát tiền bẩn được đề xuất lần đầu tiên ở Anh vào năm 2018, nhưng sau đó đã bị đình lại trước sự thất vọng của các nhà vận động chống tham nhũng./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/anh-de-xuat-du-luat-chong-tien-ban/235485.html