Sự kiện Tổng Giám đốc Euro Auto bị bắt hoạt động nhập khẩu và phân phối xe BMW bị gián đoạn, đang gây xáo trộn thị trường xe hơi hạng sang Việt Nam, khiến không ít người bị thiệt hại, nhưng vẫn có những thành phần “ngẫu nhiên” được hưởng lợi.
Euro Auto - nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe BMW, Mini và BMW Motorrad tại Việt Nam, đã bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi làm giả giấy tờ và buôn lậu. Cùng với đó, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này là ông Nguyễn Đăng Thảo cùng một số đối tượng liên quan cũng đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Từ ngày 1-12-2016, toàn bộ các lô hàng do Euro Auto nhập khẩu bao gồm 470 xe BMW, 78 xe Mini và 55 mô tô thể thao BMW Motorrad đã bị cơ quan chức năng Việt Nam tạm dừng thông quan và lưu giữ tại cảng VICT (TP HCM). Nguồn cung 3 thương hiệu xe hơi và mô tô trên cũng vì thế bị gián đoạn.
Tuy nhiên, trong số các thương hiệu xe do Euro Auto cung cấp thì Mini và BMW Motorrad không có nhiều ảnh hưởng trên thị trường như BMW. Trong phân khúc thị trường xe hơi hạng sang, doanh số bán của BMW hằng năm chỉ kém Mercedes-Benz Việt Nam, thương hiệu vốn có lợi thế nhờ đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ở Việt Nam. Còn các thương hiệu thuần kinh doanh xe nhập khẩu nguyên chiếc gồm Audi, Lexus, Jaguar, Land Rover hay Infiniti,… cũng chỉ là đối thủ ngang ngửa, thậm chí thấp hơn BMW.
Khi Euro Auto vướng vòng lao lý và gần như không có xe để bán cũng như giao cho khách hàng đã đặt mua xe trước đó, các đối thủ của BMW đương nhiên được hưởng lợi ngay ở giai đoạn khiếm khuyết sản phẩm trên thương trường. Mặc dù vậy, không phải thương hiệu nào cũng được nhận “quà” từ Euro Auto, bởi người dùng xe hạng sang thường có những tiêu chí lựa chọn xe và thương hiệu tương đối rõ ràng, đặc biệt là với những sản phẩm có nguồn gốc từ châu Âu.
Thực tế cho thấy, Lexus (Nhật Bản) thương hiệu xe hạng sang vốn có ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam, lại được đơn vị nhập khẩu định giá cao hơn các đối thủ đến từ Đức. Mức lợi nhuận tối thiểu trên mỗi chiếc xe Lexus bán ra tại Việt Nam đã được giới truyền thông chỉ ra vào khoảng 600 triệu đồng hồi cuối năm ngoái, có thể là nguyên nhân khiến doanh số bán của thương hiệu hạng sang nhà Toyota không còn bùng nổ như trước đó, kể cả trong giai đoạn BMW bị gián đoạn nguồn cung trên thị trường.
Trong số các thương hiệu xe châu Âu, Mercedes-Benz, Audi và Land Rover được đánh giá có cùng nhóm đối tượng khách hàng với BMW và cả 3 nhãn hàng này cũng đều bị truy thu thuế với những lý do khác nhau, sau đợt thanh kiểm tra các doanh nghiệp ô tô nhập khẩu chính hãng do Bộ Tài chính khởi xướng hồi cuối năm ngoái.
Đơn vị nhập khẩu và phân phối Land Rover bị truy thu hơn 700 tỷ đồng và vẫn đang trong qua trình tái thiết sau khủng hoảng. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, doanh số bán các dòng xe Land Rover từ đầu năm 2017 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cả ở thời điểm thấp nhất của thị trường hồi năm 2016.
Trong khi đó, các dòng xe Mercedes-Benz với lợi thế lắp ráp và nội địa hoá trong nước, cũng như mức độ quen thuộc của thương hiệu, lại định giá bán lẻ sản phẩm thấp hơn so với đối thủ trên mỗi dòng xe ở từng phân khúc, nên nhóm khách hàng của thương hiệu ‘ngôi sao ba cánh’ có đôi chút khác biệt so với phần còn lại. Mercedes-Benz Việt Nam hiện cũng đang chiếm phần lớn thị trường xe hạng sang. Doanh số bán của nhãn hàng này từ đầu năm 2017 nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng với cơn sốt GLC, khó có thể xác định được Mercedes-Benz Việt Nam đang tăng trưởng là do hưởng lợi từ cú ngã của Euro Auto hay từ chính nội tại sản phẩm của mình.
Audi được cho là có nhiều điểm chung nhất với “người đồng hương” vừa bị khởi tố. Cùng phân phối ra thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc và các dòng sản phẩm có giá tương đồng, BMW và Audi liên tục cạnh tranh cho vị trí thứ 2 phân khúc xe hạng sang trong suốt những năm qua. Khác với Land Rover, Audi chỉ nhận mức truy thu khoảng 15 tỷ đồng vì “nhập nhèm” về linh kiện trang bị trên sản phẩm, bị cơ quan chức năng của Bộ Tài chính phát giác. Tuy nhiên, Audi vẫn được các cơ quan hữu quan đánh giá cao vì sớm hoàn thành phán quyết, thay vì thực hiện các hoạt động khiếu nại như Mercedes-Benz và Land Rover.
Mặc dù nhà phân phối không công bố doanh số bán, nhưng số liệu nhập khẩu của Hải quan và số lượng xe đăng kiểm lần đầu, chỉ ra rằng Audi đang tăng trưởng khá tốt so với nửa đầu năm 2016. Giới kinh doanh xe hạng sang tại Việt Nam nhận định, Audi có nhiều cơ sở và đang làm rất tốt việc trám thị phần mà BMW đang để lại.
Trong bối cảnh tương lai của Euro Auto đang rất bất định và chưa biết thời điểm được tháo gỡ, Audi đang khá thuận lợi với kế hoạch ra mắt sản phẩm mới và thực hiện dự án cung cấp 319 xe phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Việt Nam trong năm nay. Nếu sau khi sự kiện kết thúc, số lượng xe này được phép bán thanh lý với mức giá thấp hơn xe mới, thì khoảng trống ở thị trường xe hạng sang hiện tại sẽ không khó để Audi lấp đầy.
Trong bức thư xin hẹn gặp Bộ Tài chính của phái đoàn lãnh đạo cao cấp BMW AG hôm 5/5, công ty ô tô Đức cũng đã đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều Cơ quan chính phủ, người tiêu dùng Việt Nam và chính BMW AG, phát sinh từ tình huống hiện tại của Euro Auto. Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới thường đề ra những tiêu chuẩn và quy định rất ngặt nghèo ràng buộc với các đối tác việc bảo vệ thương hiệu tại những thị trường góp mặt.
Sự việc của Euro Auto chắc chắn đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của BMW tại Việt Nam. Chính bởi vậy, khả năng BMW AG tiếp tục để Euro Auto giữ quyền nhập khẩu và phân phối BMW, cũng như hai thương hiệu Mini và Motorrad là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nếu tình huống xấu nhất xảy đến với Euro Auto, thì đó cũng là lúc cơ hội sở hữu BMW tại Việt Nam sẽ mở ra cho một doanh nghiệp khác.
Theo CAND