Nước sạch là một mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong hoạt động sống của con người nên vấn đề an toàn trong sử dụng nước sạch là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là vấn đề dẫn đến tính độc quyền cung cấp nước sạch của Nhà nước.
Những ngày qua, một bộ phận lớn người dân ở Hà Nội rơi vào khủng hoảng khi CTCP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) tạm ngừng cung cấp nước. Sở dĩ có sự khủng hoảng ở đây là vị thế độc quyền cung cấp nước nguồn của Viwasupco.
Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm 3 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.
Công suất thừa cung cấp
Nhờ tính độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%, tương đương một số công ty lớn khác như Biwase hay Nước Thủ Dầu Một. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhìn vào đây có thể thấy “sức khỏe” kinh doanh của công ty này vẫn rất tốt, cho dù trước khi có sự việc “nước có mùi lạ” tại Hà Nội thì Viwasupco đã từng là trung tâm của một cơn cuồng nộ không kém - đường ống cấp nước bị vỡ 21 lần, trở thành một vụ án hình sự.
Hiện, Viwasupco là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà có công suất thiết kế 300.000 m3/ngày và đang đầu tư giai đoạn II để nâng công suất lên 600.000 m3/ngày. Năm ngoái, tổng sản lượng tiêu thụ nước sạch của công ty mới chỉ đạt đến 91 triệu m3 (tương đương 250.000 m3/ngày), nghĩa là chưa vận dụng hết công suất của giai đoạn 1.
Bê bối dầu thải ở đầu nguồn, nước nhiễm độc khiến Viwasupco phải tạm ngừng cung cấp nước để xử lý.
Và để bù lại sự thiếu hụt khoảng 40.000m3 nước sạch hao hụt do nhà máy Sông Đà ngừng cấp nước, theo đại diện công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, công ty sẽ điều tiết bằng cách huy động tối đa công suất các Nhà máy sản xuất nước sạch Dương Nội, Nhà máy nước 2A Nguyễn Trãi (Hà Đông), Nhà máy ở 749 Quang Trung, đặc biệt là mua tối đa nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đuống mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi mới đây, bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT CTCP Nước mặt sông Đuống, cho biết hiện mỗi ngày Hà Nội mới mua được lượng nước tương đương khoảng 1/3 công suất của Nhà máy và mua “chập chờn” chứ không đều đặn.
Trong khi đó, Nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày. Như vậy có thể thấy, nếu đấu nối liên thông được hệ thống cấp nước sạch thì công suất cấp của Nhà máy nước mặt sông Đuống thừa khả năng đáp ứng lượng thiếu hụt nước sạch do Nhà máy sông Đà ngừng cấp (40.000m3/ngày).
Người dân thiếu nước, lỗi tại ai?
Theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Kim Liên, Hà Nội mới chỉ mua 1/3 công suất 300.000m3/ ngày của Nhà nước mặt sông Đuống và lại không thường xuyên, trong khi nhà máy này đang thừa sức cung cấp. Lý do theo bà Liên là Hà Nội hiện chưa có giá mua nước chính thức của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Bên cạnh đó, giá nước mà Nhà máy bán cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch thuộc Hà Nội vẫn đang là giá tạm tính. Các doanh nghiệp này mua nước “chập chờn” vì lo ngại chưa có giá nước bán sỉ chính thức.
Do tính đặc thù của ngành nước là liên quan đến sự an toàn của người dân, do đó Việt Nam có một hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ khiến các doanh nghiệp ngành nước không được tự quyết định giá, cũng như chịu trách nhiệm cung cấp nước bình đẳng cho khu vực mình phụ trách.
Theo định hướng cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế sử dụng nước ngầm, triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt: Nhà máy nước mặt sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống, Nhà máy sông Hồng.
Hiện chưa có thông tin về việc hệ thống cấp nước mặt sông Đà và mặt sông Đuống đã đấu nối với nhau. Trên thực địa, hệ thống cấp nước của hai doanh nghiệp này cũng tách rời nhau, do cấp cho hai khu vực khác nhau của Hà Nội. Thông báo của công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cũng không cho biết việc “mua tối đa nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đuống” là mua qua hệ thống ống cấp nước hay mua bằng xe vận chuyển.
Trường hợp mua qua xe vận chuyển, với năng lực và số lượng xe chờ nước sạch của Hà Nội hiện nay, việc mua này là không khả thi, do chi phí mua, vận chuyển quá cao và cũng không giải quyết được nhu cầu tại các khu vực đang “khát nước”.
Điều này đồng nghĩa với việc để giảm thiểu được rủi ro cấp nước sạch cho người dân Thủ đô là hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhạy bén của cơ quan chức năng Tp. Hà Nội. Thực tế, sự độc quyền để đảm bảo an ninh nguồn nước là điều cần thiết, nhưng hệ thống pháp luật liệu đã đủ sức ép để các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc?
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/ai-dang-doc-quyen-nuoc-sach-tai-ha-noi.html