Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP. HCM xem xét kiểm điểm, xử lý tránh nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật liên quan đến các dự án trên và xem xét xử lý số tiền hơn 2.172 tỷ đồng sai phạm.
Hàng loạt vi phạm tại 6 dự án BT, BOT
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện 6 dự án đầu tư theo hình thứcBT, BOT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP. HCM.
Theo đó, có 6 dự án BOT và BT thuộc diện thanh tra, cụ thể là: Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2 và dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Kết luận thanh tra nêu rõ, việc quyết định đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT trong lĩnh vực giao thông trên địa bàn TP.HCM là thực hiện đúng đắn chủ trương của Đảng và Nhà nước, bằng việc huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức kinh tế để đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân và có tác động tích cực cho phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh những ưu điểm trên, thông báo cũng nêu rõ những thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết, UBND TP.HCM đã không thực hiện xây dựng danh mục dự án, không thực hiện công bố danh mục dự án hoặc thực hiện công bố chậm. Công tác lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định.
Việc này dẫn đến không phát huy được nguồn lực của xã hội, không tạo tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó có thể xác định việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và rút kinh nghiệm tốt nhất, đồng thời không tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định, UBND TP.HCM đã tổ chức lập dự án khả thi hoặc chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án, tổ chức thẩm định, phê duyệt, triển trai hoặc cho các đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, sai quy định. Cụ thể, nội dung dự án thiếu sự thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh…
Tại dự án mở rộng xã lộ Hà Nội đã để nhà đầu tư phê duyệt dự án vượt thẩm quyền; phê duyệt chưa đầy đủ, thiếu tính chính xác, tăng sai tổng mức đầu tư tại hàng loạt dự án như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; dự án xa lộ Hà Nội; dự án cầu Bình Triệu 2 và dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu…
Việc này dẫn đến đánh giá dự án chưa đảm bảo mang tính chính xác, khách quan, đồng thời, việc lựa chọn hình thức BOT, BT chưa thể khẳng định là hình thức đầu tư mang lại hiệu quả, tiết kiệm. Trách nhiệm thuộc về Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư và cơ quan liên quan trong thẩm định và phê duyệt dự án.
Bên cạnh đó, các Hợp đồng được ký kết với các nhà đầu tư chưa đủ trình tự thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định, tổng vốn đầu tư tăng sai,... dẫn đến khai thác phí hoàn vốn không đúng quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các dự án trên đều chậm tiến độ không được triển khai theo đúng kế hoạch công tác giải phóng mặt bằng; năng lực của chủ đầu tư còn yếu, thiếu thanh toán cho nhà thầu (Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc); thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bảo lãnh vay vốn nước ngoài bị chậm (Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ). Việc chậm này dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, giảm hiệu quả lãng phí vốn đầu tư.
Trong công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu đã để xảy ra nhiều vi phạm như một số dự án trong quá trình triển khai thực hiện đã không thực hiện đúng các quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, thẩm định kết quả trúng thầu nhưng cơ quan thẩm quyền không kiểm tra việc đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo quy định. Việc này dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo năng lực tài chính và kỹ thuật tốt.
Điển hình như, trong công tác chọn nhà thầu tại dự án BOT cầu Phú Mỹ, UBND TP. HCM đã ưu tiên chọn CTCP đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư khi chưa rõ năng lực của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ theo hình thức BT với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng, nhưng UBND TP HCM giao luôn cho CTCP đầu tư xây dựng Phú Mỹ thực hiện dự án mà không tiến hành việc kêu gọi đầu tư và đấu thầu rộng rãi.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc không kiến nghị, không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và việc chỉ định nhà thầu đã không phát huy được nguồn lực xã hội, làm giảm tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất.
Ngoài ra, công tác nghiệm thu thanh toán, quyết toán như nhà đầu tư đã lập hồ sơ chậm (Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc); không phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng đã lập hồ sơ đề nghị quyết toán dự án (dự án xây cầu Phú Mỹ); chậm xác định lại thời gian khai thác và hoàn vốn dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc);
Thu phí vượt phương án tài chính nhưng chưa chuyển trả Thành phố và đưa khoản ứng vốn cho Thành phố vào phương án tài chính chưa đúng thủ tục (Dự án cầu Bình Triệu II); Nghiệm thu không đúng một số chi phí quản lý, chi phí xây lắp, chi phí trùng tu, chi phí thuê nhà (Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc, Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu).
Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm
Trước bất cập nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ và UBND TP.HCM thực hiện một số nội dung cụ thể sau.
Trước hết, về cơ chế chính sách và chấn chỉnh quản lý. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị: Tham mưu với Chính phủ hoặc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, hoàn thiện các quy định cụ thể trong phương án tài chính hoàn vốn của hợp đồng BOT, BT nhất là lãi vay ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư.
Xây dựng cơ chế khoán chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa bảo đảm tiết kiệm hiệu quả; cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát dự án trong quá trình kinh doanh công trình.
Bộ Giao thông vận tải với nhiệm vụ được giao quản lý hợp đồng Dự án cải tạo nâng cấp QL 1A đoạn An Sương-An Lạc giai đoạn từ năm 2000 đến 2010 có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố thực hiện đúng quy định của hợp đồng và theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với TP.HCM, HĐND TP.HCM cần thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án BOT trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để đảm bảo việc triển khai thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư, cụ thể: Qua xem xét phương án tài chính, một số dự án tăng mức thu phí theo từng giai đoạn để đảm bảo thu hồi vốn của nhà đầu tư, nhưng mỗi lần tăng phí UBND thành phố phải trình ra HĐND Thành phố thông qua theo quy định tại Pháp lệnh số 38/2001 (được thay thế Luật phí và Lệ phí số 97/2015). Nếu không được HĐND Thành phố thông qua mức thu phí thì phương án tài chính của dự án không khả thi, nhà đầu tư không thu hồi đủ vốn dẫn đến khó khăn trong kêu gọi đầu tư.
UBND Thành phố cần có chính sách về kinh phí đối với Cơ quan nhà nước quản lý hợp đồng, cấp sở được ủy quyền ký kết hợp đồng thì cấp sở cần giao cho một đầu mối quản lý có trách nhiệm quản lý hợp đồng, đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ đúng quy định; chỉ đạo Sở Xây dựng thống kê các dự án sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn, tính toán chênh lệch phụ cấp lưu động do các văn bản của Sở Xây dựng trong giai đoạn từ năm 2004-2015 không đúng quy định để có biện pháp xử lý.
UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về tính toán chênh lệch phụ cấp lưu động, các vấn đề về tổng mức đầu tư, phương án tài chính, nghiệm thu thanh toán, kiểm toán quyết toán dự án để điều chỉnh cho phù hợp quy định của pháp luật; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND Thành phố xem xét xử lý số tiền sai phạm với tổng giá trị hơn 2.172 tỷ đồng, trong đó phê duyệt không đúng thẩm quyền 1.400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng. Giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90,6 tỷ đồng; loại khỏi phương án tài chính cầu Bình Triệu II là 49 tỷ đồng.
Về xử lý trách nhiệm, UBND Thành phố, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Bình Dương kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã vi phạm các quy định của pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao đã nêu trong phần kết luật thanh tra.
Theo Bizlive