12 kỳ Đại hội và những dấu ấn quan trọng (Phần 2)

(Pháp lý) - LTS: Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đang đến gần. Trong số Pháp lý kỳ phát hành ngày 10 tháng 6, Ban Biên tập đã khởi đăng những dấu ấn quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam qua 9 kỳ Đại hội (từ Đại hội I đến Đại hội IX). Đây là giai đoạn Hội Luật gia Việt Nam trưởng thành cùng cách mạng và tập trung phát triển tổ chức. Đặc biệt từ Đại hội V đến Đại hội IX, Hội nỗ lực hoạt động, khẳng định vị trí quan trọng trong công tác tăng cường pháp chế XHCN.

Kỳ này, Ban Biên tập trân trọng đăng tải những dấu ấn quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam từ Đại hội X đến Đại hội XI (từ năm 2004 – 2014). Giai đoạn này, Hội đã phát triển về mọi mặt; đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối nội và đối ngoại; đóng góp nhiều công sức, trí tuệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Từ Đại hội X đến Đại hội XI: Đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối nội và đối ngoại

Đại hội X năm 2004 được tổ chức trong không khí phấn khởi chào mừng 50 năm ngày thành lập Hội, trong niềm vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Đại hội đã tiến hành sửa đổi một số điều của Điều lệ Hội tạo điều kiện cho công tác phát triển, kiện toàn các tổ chức Hội. Tại Đại hội này, Luật gia Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước được bầu làm Chủ tịch Hội. Tại Đại hội XI, với sự tín nhiệm cao của Hội viên và các cấp Hội, Luật gia Phạm Quốc Anh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2009 - 2014.

Về số lượng Hội viên: đến Đại hội XI (2009), số lượng Hội viên là 44.000 người, trong đó 80% có trình độ Đại học và trên Đại học, nhiều Hội viên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là tiềm lực trí tuệ dồi dào của Hội Luật gia Việt Nam. Hệ thống tổ chức của hội tiếp tục được củng cố và phát triển, tổ chức hội đã có ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giai đoạn 2004 - 2014 là giai đoạn Hội có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng về công tác đối nội và công tác đối ngoại. Hoạt động của các cấp Hội đã nhận được sự đánh giá cao và dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cũng như của các cơ quan và tổ chức trong nước và ngoài nước.

Đ/c Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa X, XI (trong ảnh là đ/c Phạm Quốc Anh chủ trì Hội nghị Chuyên đề “Hiến chương ASEAN - trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010”)
Đ/c Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa X, XI (trong ảnh là đ/c Phạm Quốc Anh chủ trì Hội nghị Chuyên đề “Hiến chương ASEAN - trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010”))

Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích tích cực vào thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng và có tính cạnh tranh cao, để tạo thế chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội đã phát huy năng lực của mình trong thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hoá một số lĩnh vực trong hoạt động tư pháp như tuyên truyền giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, hoà giải ở cơ sở … Hội đã thành lập thêm các Trung tâm tư vấn pháp luật và các Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Công tác tư vấn pháp luật của Hội đã có những bước phát triển mới, đã hợp tác tư vấn pháp luật cho các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty VINACONEX, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Airlines. Ngoài ra, các Trung tâm của Hội hàng năm tư vấn cho hàng nghìn khách hàng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, thương mại, đầu tư …

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã mở rộng đến người dân sống ở nông thôn lạc hậu, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tới cả các trại giam để cung cấp kiến thức pháp luật cho các phạm nhân. Theo báo cáo của các tỉnh, thành hội, trong giai đoạn này các Trung tâm tư vấn pháp luật đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 890.128 lượt người.

Các đ/c Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XI (nhiệm kỳ 2009-2014)
Các đ/c Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XI (nhiệm kỳ 2009-2014))

Trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, các cấp Hội đã tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp và lập quy của cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam được Quốc Hội giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Trọng tài Thương mại và Luật trưng cầu ý dân, trong đó Luật trọng tài thương mại đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 6 năm 2010. Hội cũng đã tham gia góp ý kiến cho hàng trăm dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng do các cơ quan khác soạn thảo, đặc biệt là đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp…. Ở giai đoạn này, hoạt động của HLGVN đã gắn chặt với những nhiệm vụ chính trị, pháp lý lớn của đất nước. Giới Luật gia Việt Nam đã chứng minh và thể hiện mình có tiềm lực trí tuệ dồi dào phát triển cùng đất nước…

Hội cũng chú trọng phát triển công tác thông tin, báo chí, nâng cao chất lượng nội dung của Báo Đời sống và pháp luật; Tạp chí pháp lý; Tạp chí Pháp luật và phát triển (song ngữ), đặc biệt đã xây dựng thành công trang thông tin điện tử của Hội.

Cùng với những thành tựu trong hoạt động đối nội, hoạt động đối ngoại của Hội trong giai đoạn 2004 – 2014 đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Trong giai đoạn này, Trung ương Hội đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để tăng cường nguồn lực cho việc thực hiện các hoạt động của Hội như: các dự án hợp tác với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp quốc (UNICEF), Actiona Aid,Viện KAS (CHLB Đức), Quỹ Rosa Luxemburg (CHLB Đức); Hiệp hội Luật sư Canada (CBA); Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA); Trung tâm Nhân quyền Nauy; Tổ chức X-CON của Thuỵ Điển... Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về những vấn đề có tính thời sự như Hiến chương ASEAN; về bảo vệ quyền của người lao động di trú; về gia nhập và thực thi Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế... Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Hội đã liên tục phối hợp với Học viện quan hệ ngoại giao - Bộ Ngoại giao, trường Đại học Luật Hồ Chí Minh tổ chức nhiều cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông, gây tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý trên Biển Đông và có tiếng nói ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.

Một mốc son quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Hội trong giai đoạn này, đó là Hội đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) lần thứ 17 và Đại hội Hiệp Hội luật các nước Đông Nam Á (ALA) lần thứ X tại Hà Nội vào năm 2009. Tại Đại hội ALA lần thứ X, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đã vinh dự được được bầu làm Chủ tịch ALA nhiệm kỳ 2009 – 2012. Trong suốt nhiệm kỳ làm Chủ tịch ALA, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp để đổi mới các hoạt động của ALA, đồng thời đã tích cực thúc đẩy để nước cuối cùng của ASEAN là Miamar gia nhập ALA vào năm 2012.

Ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) và các Đ/c lãnh đạo Hội Luật gia VN trong buổi họp báo (ngày 11/6/2014 ) phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông
Ông Jitendra Sharma, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) và các Đ/c lãnh đạo Hội Luật gia VN trong buổi họp báo (ngày 11/6/2014 ) phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông)

Năm 2013, Hội Luật gia Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các cuộc họp IADL để tranh thủ sự ủng hộ của giới Luật gia quốc tế đối với Việt Nam. Ngày 11/11/2013, IADL đã ra tuyên bố kêu gọi các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngày 09/5/2014 và ngày 25/6/2014, Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và có các hành động leo thang đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đồng thời thông báo sự việc cho toàn thể các thành viên của IADL và đề nghị IADL ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền trong thềm lục địa của mình. Ngày 11/6/2014, IADL đã công bố bản tuyên bố về vấn đề này và Chủ tịch IADL gửi thư đến Chính phủ và các cơ quan liên quan của Trung Quốc yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Với những thành tựu kể trên, giai đoạn 2004 - 2014 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hội. Những kết quả tốt đẹp đó mở ra những cơ hội mới để Hội tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của xã hội.

(Đón đọc tiếp bài trên TCPL kỳ phát hành ngày 15/7/2019)

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin