Ý nghĩa đằng sau lời cam kết hướng tới một Chính phủ kiến tạo và phục vụ

07/05/2016 01:54

Lời cam kết về việc chính phủ sẽ đặt mục tiêu hướng tới kiến tạo và phục vụ thay vì chỉ đạo nền kinh tế bằng mệnh lệnh đang khiến tất cả cộng đồng doanh nghiệp nức lòng.

65

Tương lai của đất nước và nền kinh tế đang ở trong những ngày đầy thách thức, khi có quá nhiều diễn biến xấu diễn ra trong nền kinh tế chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2016. Hạn hán và xâm mặn ở miền Nam, biển và nền kinh tế biển bị ô nhiễm và hủy hoại ở miền Trung, số doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động đang ngày càng tăng, còn thị trường bán lẻ đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhưng, trong bối cảnh đó cũng đã bắt đầu xuất hiện những tia sáng, và nhất lại là những tia sáng mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nền kinh tế đã chờ đợi từ rất lâu, đó là lời cam kết của thủ tướng về một chính phủ kiến tạo và phục vụ, thay vì điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính như trước. Chỉ với một lời cam kết với nội dung ngắn gọn, nhưng đó chắc chắn còn hơn là một bước ngoặt với nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta nhận thức được ý nghĩa thực sự đằng sau lời cam kết ấy, thì mới có thể hiểu bước ngoặt mà nền kinh tế Việt Nam đang trải qua cụ thể là gì.

Quả thực, những động thái từ phía chính phủ ở thời điểm hiện tại dường như đang vượt quá sự mong đợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như những ai nghĩ rằng mọi thứ về cơ bản đã kết thúc sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và các bộ trưởng với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 29.4, và sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để những cam kết về nới lỏng các rào cản đối với các doanh nghiệp được thực hiện như một thói quen thường diễn ra trước đây, thì họ đã nhầm.

Với những gì đạt được tại phiên họp chính phủ thường kỳ trong hai ngày 4 và 5 tháng Năm, thì dường như những cam kết thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tại cuộc gặp mặt ngày 29.4 mới chỉ là bước đi đầu tiên mà thôi. So với lời cam kết từ phía Thủ tướng sau phiên họp thường kỳ kết thúc ngày 5.5 thì những cam kết tháo gỡ các rào cản đầu tư kinh doanh trước đó một tuần dường như không đáng kể, khi lời cam kết về việc chính phủ sẽ đặt mục tiêu hướng tới kiến tạo và phục vụ thay vì chỉ đạo nền kinh tế bằng mệnh lệnh đang khiến tất cả cộng đồng doanh nghiệp nức lòng.

Vì sao lời cam kết của Thủ tướng về một chính phủ kiến tạo và phục vụ lại có một ý nghĩa lớn đến thế? Vì có quá nhiều điều để nói xung quanh mục tiêu được chính phủ đặt ra này. Trước hết, việc thủ tướng đặt ra mục tiêu hướng tới một chính phủ kiến tạo và phục vụ có ý nghĩa: thay vì can thiệp vào nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, thì chính phủ sẽ hướng đến việc tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, đảm bảo các điều kiện cần thiết để các bộ phận trong nền kinh tế phát triển hết tiềm năng có thể. Điều này có nghĩa là sẽ không còn sự phân biệt đối xử nào với các thành phần kinh tế, dù là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trước đây, chủ yếu giữa DNNN và DN FDI với phần còn lại là DNTN, một phần lớn là do chính phủ vẫn can thiệp vào nền kinh tế bằng nhiều cách khác nhau, trong đó vì một số lý do mà DNNN và DN FDI nhận được nhiều ưu đãi hơn trong khi DNTN phải chịu nhiều thiệt thòi.

Đúng là ở thời điểm hiện tại, cơ chế chủ quản của chính phủ và các bộ ngành địa phương với các DNNN vẫn chưa chấm dứt, vốn là điều kiện đủ cho việc thực hiện sự công bằng giữa các thành phần kinh tế. Nhưng với lời cam kết sẽ tập trung vào kiến tạo và phục vụ, trong đó chính phủ sẽ tập trung vào hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển, thì cũng đồng nghĩa với việc những sự quan tâm và ưu đãi mà các DNNN thường vẫn nhận được giờ đây sẽ giảm đi đáng kể.

Và đó có thể sẽ là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất để có thể chấm dứt hoàn toàn cơ chế “xin-cho” trong tương lai, vốn cũng là một mục tiêu mà thủ tướng đặt ra trong phát biểu tổng kết phiên họp chính phủ thường kỳ.

Điều này trên thực tế có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều những gì mà cuộc gặp mặt giữa thủ tướng cùng các bộ trưởng với cộng đồng doanh nghiệp hôm 29.4 đạt được. Những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đề đạt trong cuộc gặp mặt ngày 29.4 chủ yếu là những rào cản nặng nề nhất đang có ảnh hưởng nhất đến môi trường đầu tư kinh doanh, với mục tiêu là mong muốn chính phủ sớm giải quyết các rào cản đó sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, với lời cam kết về một chính phủ kiến tạo và phục vụ lần này, thủ tướng đang đặt ra mục tiêu xóa bỏ phần lớn các điều kiện và rào cản kinh doanh đang kìm hãm các doanh nghiệp chứ không phải chỉ là một vài rào cản mà cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất. Vì khi chính phủ đã không còn can thiệp vào nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính như trước và tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách, thì dễ hiểu là mục tiêu mà chính phủ đặt ra là sẽ thanh toán hết các điều kiện và rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất phía sau lời cam kết về một chính phủ kiến tạo và phục vụ này, là việc chính phủ và Nhà nước chính thức đưa ra cam kết về cải cách thể chế ở cấp cao nhất. Vì để thực hiện được mục tiêu chuyển sang mô hình chính phủ kiến tạo và phục vụ, thì chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh lớn mang tính cải cách đối với thể chế và bộ máy quản lý.

Trước hết nó sẽ diễn ra theo chiều ngang, khi các bộ ngành sẽ không còn là những lãnh địa độc lập và riêng rẽ như trước - vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng bế tắc và thiếu hợp tác trong các vấn đề điều hành nền kinh tế - nữa, mà thay vào đó các bộ ngành sẽ phải có sự hợp tác để tập trung tháo gỡ vướng mắc, rào cản để hoàn thiện cơ chế chính sách. Sau đó là những cải cách theo chiều dọc, khi sự gắn kết giữa trung ương và địa phương cũng sẽ được tăng cường.

Về cơ bản, nếu mục tiêu cải cách thể chế theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc này diễn ra và hoàn tất một cách tốt đẹp, thì đó sẽ là một đòn bẩy rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, khi hầu hết các bất ổn kinh tế vĩ mô cơ bản và quan trọng nhất sẽ được chữa khỏi.

Sự tắc nghẽn và thiếu hợp tác giữa chính phủ với các bộ ngành, địa phương là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế đã không được giải quyết một cách thích đáng và nhanh chóng, đồng thời dẫn đến những hệ quả xấu như đầu tư công tràn lan và lãng phí, vốn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ nợ công đến mức đáng báo động của Việt Nam trong vài năm trở lại đây, sẽ được giải quyết một cách tương đối triệt để.

Và, điều quan trọng nhất trong lời cam kết này của Thủ tướng và chính phủ, đó là cộng đồng DNTN sẽ chính thức trở thành trụ cột quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Không những các rào cản và ràng buộc dày đặc trước đây với các DNTN sẽ dần bị loại bỏ, mà lời cam kết về một chính phủ kiến tạo và phục vụ cũng đồng nghĩa với việc trong tương lai phần lớn các nguồn lực phát triển sẽ được tập trung vào nơi có hiệu quả cao nhất, và đó không gì khác ngoài khu vực DNTN.

Mục tiêu chính thức được chính phủ đặt ra là năm 2016 sẽ là năm quốc gia khởi nghiệp, trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ người dân mở doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các DN vốn có phát triển mạnh hơn, để “làm sao cho người nông dân cũng trở thành chủ doanh nghiệp” như lời khẳng định của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trường chủ nhiệm văn phòng chính phủ đã tuyên bố tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ vừa mới kết thúc.

Nếu Việt Nam thực sự đạt được mục tiêu đề ra, theo đó đến năm 2020 sẽ có khoảng 1000.000 DN trong nền kinh tế từ mức trên 500.000 DN hiện nay, thì đó sẽ thực sự là một bước tiến lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Một bước tiến mà tất cả chúng ta đã chờ đợi từ rất lâu.

Theo Motthegioi

Bạn đang đọc bài viết "Ý nghĩa đằng sau lời cam kết hướng tới một Chính phủ kiến tạo và phục vụ" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin