Vụ Luật sư bị đánh gãy hai răng tại Tòa: An ninh tại phiên toà bị buông lỏng ?

(Pháp lý) - Xung quanh vụ việc Luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) bị đương sự và một nhóm đối tượng đánh gãy hai răng ngay tại Hội trường xét xử TAND TP.Pleiku, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi về trách nhiệm và nghĩa vụ của Luật sư, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng . . , được pháp luật quy định như thế nào tại phiên tòa?

Pháp lý Online xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết phân tích của Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) xung quanh vụ việc trên và giải đáp những vấn đề bạn đọc quan tâm.

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh).)

Luật sư trước hết là một công dân bình thường, giống như những người khác được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Nhưng, vì nghề Luật sư là một ngành nghề đặc thù, liên quan đến luật pháp, tiếp cận với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội trong đó không thể tránh khỏi những đối tượng xấu trong xã hội. Do đó, nhiều Luật sư thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm và rủi ro trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình. Đặc biệt với những Luật sư tham gia tranh tụng những vụ án có tính chất phức tạp.

Rất tiếc là pháp luật hiện hành chưa có một văn bản cụ thể nào về việc bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe của luật sư khi hành nghề. Tuy nhiên luật sư cũng là một công dân, do đó trong trường hợp tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của luật sư bị xâm hại thì cá nhân, tổ chức có hành vi này đều phải chịu chế tài về dân sự, hành chính và hình sự (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."

Tại Ðiều 37 BLDS có quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.". Việc xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác được hiểu là làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Việc đánh giá việc xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó.

Ðiều 604 BLDS quy định: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”....

Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi một luật sư, hơn ai hết phải có ý thức bảo vệ chính bản thân mình. Bằng việc nắm vững các nguyên tắc nghề nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước, trau dồi những kĩ năng cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình, đặc biệt là hoạt động tranh tụng. Đối với những vụ việc phức tạp, có tính chất nghiêm trọng thì cần thiết luật sư cũng có thể kiến nghị các cơ quan chức năng, tòa án lên phương án để đảm bảo an toàn cho các bên, bảo vệ chính mình.

Trong các phiên tòa cũng như những hoạt động có liên quan đến việc giải quyết vụ án, cần thiết phải bố trí lực lượng cảnh sát, lực lượng cảnh vệ tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, sự trang nghiêm của Tòa án và an toàn cho những người tham gia.

Căn cứ theo quy định của BLTTDS Điều 234, Điều 197 BLTTHS và Điều 3 Thông tư 01/2014/TT-CA ngày 28/4/2014 về ban hành nội quy phiên tòa
Điều 234. Nội quy phiên tòa

“ 1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa đồng thời được thư kí phiên tòa hướng dẫn và được nghe, đọc về phần nội quy phiên tòa rất cụ thể về những việc, hành vi được phép và không được phép tại phiên tòa”.......

Nhấn mạnh ở khoản 10 Điều 3 của Thông tư nêu rõ: “Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời có những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên tòa theo Điều 198 BLTTHS nêu rõ:

“Những người vi phạm trật tự phiên tòa thì tùy trường hợp, có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ.
Người bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành lệnh của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự tại phiên tòa”.

Như vậy Bộ luật tố tụng dân sự, BLTTHS quy định khá nghiêm ngặt, thế nhưng an ninh tại phiên toà này ( phiên toà mà LS Tiết tham gia bào chữa và bị đương sự đánh gãy răng ) đã bị buông lỏng nên mới xảy ra tình trạng bạo lực. Theo tôi, thẩm phán chủ tọa phiên toà cần phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trước khi các cơ quan chức năng xử lý hình sự những người sử dụng bạo lực, tấn công đánh người tại phiên tòa nhằm để đảm bảo tính nghiêm minh chốn pháp đình, một sự răn đe cho những hành vi tái phạm về sau.

Luật sư Phạm Hoài Nam

Cơ quan Công an vào cuộc

- Ngày 27/12, Công an phường Ia Kring, TP.Pleiku (Gia Lai) có Thông báo số 18/TB-CAP, về kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm như sau: “đã chuyển hồ sơ vụ việc trên đến Cơ quan CSĐT Công an thành phố Pleiku để thụ lý theo thẩm quyền”.

- Ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku có Thông báo số 231/TB-ĐT về việc phân công giải quyết tố giác tội phạm. Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku đã ra Quyết định số 66/PC phân công Điều tra viên Cao Cự Thông thụ lý giải quyết tố giác tội phạm của bà Võ Thị Tiết.

- Ngày 30/12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Pleiku đã đến bệnh viện nơi Luật sư Võ Thị Tiết điều trị để làm việc.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin