Vụ Cảng Quy Nhơn và đại án AVG dưới lăng kính Luật sư

(Pháp lý) - Nếu như vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG được định giá với số liệu trên trời, để gây thiệt hại vốn Nhà nước thì quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, vốn Nhà nước bị định giá và bán với giá rất rẻ để bán cho tư nhân. Bản chất của vấn đề đều là làm thiệt hại ngân sách Nhà nước... Tuy nhiên, vì sao vụ Cảng Quy Nhơn, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật (?)

Khởi tố vụ án AVG, khởi tố bị can là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp (Điều 21): “Cơ quan đại diện chủ sở hữu lập phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; mua cổ phần tại công ty cổ phần, mua phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh… phải có phương án bao gồm các nội dung chủ yếu: Đánh giá thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; mục tiêu, sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; mức vốn đầu tư”.

9 bị can trong đại án AVG
9 bị can trong đại án AVG)

Tuy nhiên, khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn về phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh, lựa chọn phương án đầu tư. Gạt sang một bên các ý kiến phản biện của cấp dưới, đặc biệt là các quy định của pháp luật, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Mobifone báo cáo sai sự thật về tình trạng bết bát của AVG, tổ chức thực hiện thẩm định đối phó để hợp thức hóa… Đặc biệt là trong khi dự án đầu tư chưa được Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thì vào ngày 21/12/2015, ông Trương Minh Tuấn (lúc đó là Thứ trưởng) đã ký ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Quyết định 236 đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 31 và Điều 34 Luật Đầu tư 2014; vi phạm Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014; vi phạm quy đinh tại điểm g, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/12/2012 của Chính phủ. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết: “Bộ TT&TT đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, có biểu hiện cố ý làm trái các quy định của pháp luật trong việc quyết định phê duyệt đầu tư”.

Hành vi của ông Son, ông Tuấn và các bị can có liên quan sẽ không hoàn thiện, nếu như không có “bàn tay” giúp sức của Võ Văn Mạnh, GĐ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX và của Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty này. Tác giả của con số có giá trị pháp lý bị thổi vống lên gần 9.000 tỷ đồng, gấp 15 lần giá trị sổ sách mảng truyền hình của AVG (chỉ 629,7 tỉ đồng) là do 2 nhân vật này “nặn” ra, trên cơ sở sử dụng trái phép nguồn số liệu dự báo kế hoạch kinh doanh do VCBS lập để thẩm định giá (trong khi số liệu này không có cơ sở thẩm định giá). Hành vi của Mạnh và Quang đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, làm trái quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Giá; và trái với quy định tại Điều 101 Luật Đầu tư công 2014: “Việc thẩm định cần bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp thẩm định sai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”.

Trong khi đó, khi lựa chọn AMAX làm đối tác thẩm định giá, lãnh đạo Mobifone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 03 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu. Hành vi đó đã vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Như vậy, việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 ngày 10/7/2018, về tội: “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 220 BLHS 2015, xảy ra tại Công ty Viễn thông Mobifone (Bộ TT&TT) là có căn cứ.

Liên quan đến thương vụ AVG, tính tới thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 9 bị can.

Cùng với 8 bị can bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, ngày 12/4/2019, C03 tiếp tục ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về Tội đưa hối lộ được quy định tại khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng ngày, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam cũng được tống đạt đối với ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐTV AVG) về hành vi đưa hối lộ, đồng thời với quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải về tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 BLHS 2105.

Tuy nhiên từ diễn biến quá trình chuyển nhượng AVG, có thể nhận diện được phần nào mức tiền mà các bị can đã thực hiện không thể nhỏ. Bởi, nếu không phải đó là khoản tiền hối lộ lớn thì các bị can không bất chấp pháp luật như vậy.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ TT&TT phê duyệt dự án đầu tư… Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ TT&TT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG…Những vi phạm làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng.

Đến vụ Cảng Quy Nhơn, vì sao không đề nghị khởi tố vụ án?

Trước khi thực hiện cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn được xác định là cảng đầu mối khu vực (loại I), cảng tổng hợp quốc gia, là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam (theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030); và là 01 trong số 09 doanh nghiệp có cảng biển trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nằm trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 (theo Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/02/2013), khi thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Tuy nhiên với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Vinalines, thay vì tôn trọng Quyết định số 276/QĐ-TTg của Thủ tướng; ngày 04/4/2013, Bộ GTVT có Văn bản số 2900/BGTVT- QLNN đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước còn nắm giữ 49% vốn điều lệ (giảm 26%). Đến ngày 07/3/2014 và ngày 05/9/2014, Bộ GTVT tiếp tục ban hành 02 văn bản liên tiếp đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Như vậy với việc đề nghị chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã làm trái chủ trương của Thủ tướng trong Đề án tái cơ cấu Vinalines đã được phê duyệt trước đó.

Điều đáng nói là, tại thời điểm đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã nhận được Văn bản số 2388/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ đề nghị bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra, cần cân nhắc về vị trí và tầm quan trọng về kinh tế - an ninh - quốc phòng của Cảng Quy Nhơn trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, Vinalines cũng có Văn bản số 1874/HHVN-TC&QLVG gửi Bộ GTVT báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của Cảng Quy Nhơn, đề nghị được duy trì tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, sẽ mang lại lợi ích hiện tại và lâu dài so với việc bán hết…

Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực
Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực)

Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, quy định đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết thì doanh nghiệp thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn… Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Việc bán thỏa thuận chỉ được thực hiện sau khi tổ chức đấu giá công khai nhưng chỉ có một người đăng ký mua và phải đảm bảo giá bán sát với giá trị trường tại thời điểm bán…

Thế nhưng, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán, ban đầu chỉ đạo bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó đã ban hành liên tiếp 02 văn bản (số 16937/BGTVT- QLDN ngày 27/12/2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và số 6327/BGTVT- QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần) chỉ đạo chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, phớt lờ việc tổ chức đấu giá công khai. Nghiêm trọng hơn, 2 văn bản mà Bộ GTVT ban hành trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép. “Vì vậy, 02 văn bản trên phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ GTVT”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Liên quan đến cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, mặc dù không thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng UBND tỉnh Bình Định cũng “sốt sắng” ban hành văn bản đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn từ nắm giữ 49% đến bán hết (Văn bản số 1115/UBND-KTN ngày 04/4/2013; và Văn bản số 628/UBND-TH ngày 25/02/2014). Càng khó hiểu hơn, ngày 13/7/2015, ông Nguyễn Văn Thiện – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định còn ban hành Văn bản số 1062-CV/TU đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (?).

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, sai phạm của Bộ GTVT trong đó có vai trò của Văn phòng Chính phủ. Mặc dù đề nghị của Bộ GTVT về việc cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước; trước đó tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, trong đó tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ là 49% vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ còn tham mưu: chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (trái với quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ), làm hạn chế việc cổ phiếu Cảng Quy Nhơn hướng tới giá thị trường, công khai, minh bạch… Thanh tra Chính phủ kết luận: “Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về các cá nhân có liên quan của Văn phòng Chính phủ”.

Cảng Quy Nhơn do Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn quản lý có 03 cầu cảng với tổng chiều dài là 824m (Cầu 5.000 DWT được xây dựng trước năm 1975; Cầu 10.000 DWT là bến nhô, xây dựng năm 1995; Cầu 30.000 DWT xây dựng năm 2004). Khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ là 192,579 tỷ đồng do Vinalines sở hữu 100%. Giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2013 để cổ phần hóa là 513,823 tỷ đồng; nợ phải trả là 109,723 tỷ đồng; giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán là 192,579 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn nhà nước xác định lại là 404,099 tỷ đồng, tăng 211,52 tỷ đồng so với giá trị trên sổ sách kế toán. Tổng số tiền Vinalines thu được từ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn và thoái hết 75,01% vốn đầu tư tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn là 536,9 tỷ đồng.

Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Cảng Quy Nhơn được thẩm định theo phương pháp nào mà chỉ có giá trị 404 tỷ đồng (trong khi giá thị trường cao hơn gấp nhiều lần), cũng được Thanh tra Chính phủ làm rõ. Trả lời báo chí, hai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định là ông Tô Tử Thanh và ông Vũ Hoàng Hà đều cho rằng cảng Quy Nhơn có giá trị hàng ngàn tỉ đồng nhưng được cổ phần hóa 100% với giá chỉ hơn 400 tỉ là “rất bất thường”.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong “gói” thoái hết 75,01% vốn đầu tư, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn thuế ATC (ATC) thực hiện 26,01% cổ phần; Công ty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA) thực hiện 49% cổ phần.

ATC đã áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm để xác định chất lượng còn lại của 03 cầu cảng (bỏ qua bước thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan để phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng kỹ thuật thực tế của cầu cảng so với các cầu cảng đầu tư xây dựng mới trong thời gian thực hiện định giá). Với phương pháp này, ATC đã làm trái quy định tại Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Để xác định chất lượng còn lại của nhà cửa, vật kiến trúc có trên đất, ATC đã vận dụng chưa đầy đủ quy định của pháp luật (hướng dẫn tại Thông tư số 13/LB-TT ngày 18/4/1994 của Liên Bộ Xây dựng -Tài chính - Vật giá Chính phủ và Tiêu chuẩn xây dựng số 373: 2006 về “Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà” ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng), theo đó chỉ áp dụng phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật, đưa ra tỷ lệ chất lượng còn lại của kết cấu chính. Đối với máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, xếp dỡ, ATC xác định lại nguyên giá thực tế của tài sản theo giá trị trên sổ kế toán (nhưng không có tài liệu chứng minh tài sản đó không có trên thị trường hoặc không tìm thấy tài sản tương đương trên thị trường). Cũng theo Thanh tra Chính phủ, khi xác định chất lượng còn lại của tài sản theo phương pháp phân tích kinh tế - kỹ thuật, ATC không căn cứ hướng dẫn chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật là không tuân thủ đúng Điểm b Mục 1.2 khoản 1 Điều 18 Thông tư số 202/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, để thẩm định giá trị chuyển nhượng 49% cổ phần, CPA đã vận dụng phương pháp so sánh trong tiêu chuẩn thẩm định giá, đưa ra các công thức tính chưa được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn thẩm định giá; không thực hiện đầy đủ các nội dung khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn, không khảo sát hiện trạng tài sản, thu thập số liệu về thông số của tài sản định giá là không thực hiện đúng quy định tại Mục 4 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá số 05. Vận dụng phương pháp so sánh theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07 để thẩm định giá chỉ số giá/ thu nhập và chỉ số giá/ giá trị sổ sách, nhưng CPA không phân tích thông tin, so sánh về những điểm tương tự và khác biệt, lợi thế và bất lợi của tài sản thẩm định giá với từng tài sản so sánh để có sự điều chỉnh mức giá của tài sản thẩm định giá (theo đúng quy định tại Mục 9, Mục 10 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 07) mà chỉ so sánh với chỉ số trung bình ngành…

Như vậy, những sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần, thoái vốn Nhà nước xảy ra tại Công CP Cảng Quy Nhơn, ngoài Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính, còn có sự tiếp sức của UBND tỉnh Bình Định, Vinalines, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc và 02 công ty tư vấn thẩm định giá… Tuy nhiên trong phần kiến nghị biện pháp xử lý sau thanh tra, liên quan đến xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm theo quy định pháp luật (trong đó chỉ duy nhất đối với tổ chức và cá nhân thuộc Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ dùng cụm từ: “Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”). Trong khi đó đối với đại án AVG, ngoài kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính các tổ chức, cá nhân sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật”.

Quan điểm của các Luật sư

Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) nêu quan điểm: “Theo đúng quy định thì việc chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của HĐTV Vinalines. Bộ GTVT chỉ phê duyệt về chủ trương và giám sát thực hiện. Trường hợp Bộ muốn can thiệp đều phải chỉ đạo qua người đại diện vốn nhà nước tại Vinalines, chứ không thể có những động tác can thiệp trực tiếp đến từng chi tiết. Trong khi đó, ngày 8/9/2014, Chính phủ cho phép bán hết 100% vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn; thì sau đó hai tuần, Bộ GTVT đã có văn bản đốc thúc Vinalines khẩn trương thực hiện theo cả hai hình thức: Cổ đông sáng lập là Công ty Hợp Thành mua hoặc không mua. Rồi trong nhiều văn bản khác, Bộ GTVT tiếp tục đốc thúc Vinalines phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Hợp Thành khẩn trương thoái toàn bộ vốn trước ngày 30/4/2015, sau đó yêu cầu lại là trước ngày 11/4/2015. Vì sao Bộ GTVT và cả UBND tỉnh Bình Định gấp gáp đốc thúc Vinalines thoái hết vốn nhà nước trong khi doanh nghiệp thì ngược lại, trừ phi có lợi ích nhóm ?”

Một Luật gia đang công tác tại Bình Định nêu quan điểm: Đến thời điểm này, dư luận rất phấn khởi đồng tình trước diễn biến của đại án AVG, vì thêm một đại án nữa được cơ quan có chức năng thực hiện với tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ. Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ AVG sang cơ quan điều tra để khởi tố điều tra, xử lý đúng người đúng tội là hoàn toàn chính xác và kịp thời… Trong khi đó, đối với những sai phạm của tổ chức và cá nhân xảy ra tại Cảng Quy Nhơn, nếu chỉ dừng lại ở bước kiểm điểm, xử lý theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Nếu kiến nghị đó là có căn cứ thì đó là khoảng trống của pháp luật. Xử lý theo quy định của pháp luật được hiểu là xử lý hành chính nhưng cũng có thể xử lý hình sự (nếu có đủ căn cứ). Song từ xử lý hành chính chuyển sang xử lý hình sự sẽ rút ngắn hơn nếu như toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến kết luận sai phạm xảy ra tại Cảng Quy Nhơn do Thanh tra Chính phủ thực hiện được kiến nghị chuyển đến cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Vậy khi nào kết luận của Thanh tra mới đủ cơ sở để chuyển sang CQĐT ? Tại khoản 1 Điều 44 Nghị định 86/2011/NĐ - CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định: “Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết”. Như vậy căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển hồ sơ sang CQĐT phải phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu như vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG được định giá với số liệu trên trời, tăng vọt lên để gây thiệt hại vốn Nhà nước thì quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, vốn Nhà nước bị định giá và bán với giá rất rẻ để bán cho tư nhân. Bản chất của vấn đề đều là làm thiệt hại ngân sách Nhà nước. Sự khác nhau nếu có giữa đại án AVG với vụ Cảng Quy Nhơn, đó chính là một bên (AVG) Thanh tra Chính phủ đã làm rõ được khoản tiền thất thoát của Nhà nước, còn một bên (Cảng Quy Nhơn) chưa làm rõ. “Nhưng đó mới chính là chức năng của CQĐT sẽ có trách nhiệm làm rõ khoản tiền thất thoát này. Vì khởi tố vụ án chỉ là giai đoạn đầu của quy trình tố tụng. Nếu như quá trình điều tra, không đủ cơ sở để kết luận những sai phạm của các tổ chức và cá nhân đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS hiện hành, thì CQĐT có quyền khép lại vụ án”, LS Tuyên nêu quan điểm.

Làm được động tác trên (chuyển toàn bộ hồ sơ thanh tra vụ Cảng Quy Nhơn sang CQĐT) chắc chắn dư luận rất đồng tình ủng hộ. Vì họ đang mong mỏi vụ việc phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, để bảo đảm không một tội phạm nào không bị phát hiện, không một người vô tội nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan./.

“Nhiều cựu cán bộ Cảng Quy Nhơn cho biết trong quá trình cổ phần hóa, một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề mua toàn bộ Cảng với giá khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng không được. Trong khi đó, chỉ trong 2 năm (2013-2015), Công ty Hợp Thành đã mua được 86,23% của Cảng Quy Nhơn với số tiền chỉ khoảng 440 tỉ đồng”.
(Nguồn: nld.com.vn)

VŨ LÊ MINH

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin