Vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh: Tố tụng theo qui định nào? Giải pháp để ngăn chặn hoạt động đưa người đi nước ngoài trái phép ?

04/11/2019 08:21

(Pháp lý) – Liên quan đến vụ 39 người thiệt mạng trong một xe tải tại Khu công nghiệp Waterglade thuộc hạt Essex, phía đông bắc London, Anh, hiện nhà chức trách Anh đang làm song song cả hai việc: vừa nhận diện danh tính 39 nạn nhân, vừa lần mò từng mắt xích trong đường dây tổ chức vượt biên mà họ cho rằng có 'quy mô toàn cầu'. Các cơ quan chức năng của Anh cho biết quá trình điều tra đang được tiến hành theo các quy định thủ tục về điều tra tội phạm của Interpol.

Tại Việt Nam, cuối ngày 29/10, các cơ quan tố tụng ở Hà Tĩnh đã có thông báo khởi tố vụ án liên quan đến việc tổ chức, môi giới người đi trốn ở nước ngoài. Liên quan đến việc xử lý loại tội phạm này, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: hiện hệ thống pháp luật có đầy đủ những quy định để xử lý các hành vi liên quan đến việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép, tuy nhiên để hạn chế tiến tới ngăn chặn loại tội phạm này, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Điều tra tội phạm theo thủ tục của Interpol

Tại Việt Nam, ngay sau khi có thông tin tại Anh, cơ quan chức năng ghi nhận 18 gia đình ở Nghệ An và 10 trường hợp khác tại Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân khi họ qua Anh. Các địa phương đang rà soát các trường hợp đi xuất khẩu lao động và lấy mẫu AND của người thân các trường hợp mất tích để xác định họ có liên quan 39 thi thể chết trong container ở Anh hay không.

Cảnh sát tại hiện trường phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh (Ảnh: REUTERS)
Cảnh sát tại hiện trường phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh (Ảnh: REUTERS))

Ngày 29/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin cơ quan chức năng nơi đây đang xác minh trường hợp một nam thanh niên mất tích tại Anh đúng thời điểm 39 thi thể được tìm thấy trong xe container đông lạnh. Cùng ngày, UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng nhận đơn của một gia đình trình báo về việc con trai 32 tuổi của họ mất liên lạc từ đêm 22/10 khi qua Anh tìm việc.

Ở cấp nhà nước, chiều 30/10, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - đã có cuộc điện đàm với bà Priti Patel - bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - về công tác phối hợp xác định danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam trong vụ việc 39 người chết trong xe container tại Vương quốc Anh.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan cảnh sát Anh đang phối hợp tích cực điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân nghi là người mang quốc tịch Việt Nam. Hiện việc xác minh thông tin, danh tính của những nạn nhân này rất cấp bách. Vì vậy, Bộ Công an Việt Nam đã sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh phối hợp với lực lượng cảnh sát Anh điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân.

Người đứng đầu ngành công an Việt Nam cũng đề nghị phía Vương quốc Anh quan tâm, hỗ trợ đoàn công tác. Trong trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam, đề nghị Bộ Nội vụ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật của Anh, Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Còn ở nước Anh, hiện nhà chức trách Anh đang làm song song cả hai việc: vừa nhận diện danh tính 39 nạn nhân, vừa lần mò từng mắt xích trong đường dây tổ chức vượt biên mà họ cho rằng có 'quy mô toàn cầu'. Các cơ quan chức năng của Anh cho biết quá trình điều tra đang được tiến hành theo các quy định thủ tục về điều tra tội phạm của Interpol.

Việt Nam và Anh: Hợp tác tố tụng theo quy định nào?

Sau khi vụ việc chấn động xảy ra, có không ít ý kiến băn khoăn cho rằng quá trình xử lý tội phạm sẽ khó khăn vì có yếu tố nước ngoài.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Phạm Hoài Nam cho biết đây là vụ án có yếu tố nước ngoài. Theo quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là vụ án có người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài (nếu xét xử tại Việt Nam) hoặc có bị cáo, bị hại, đương sự nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra và Tóa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Các hoạt động tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Tương trợ tư pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự giữa Anh và Việt Nam ký ngày 13/01/2009).

Một gia đình Việt ngóng tin con sau khi được đưa đi nước ngoài nhưng mất tích ( Ảnh: Vnexprees)
Một gia đình Việt ngóng tin con sau khi được đưa đi nước ngoài nhưng mất tích ( Ảnh: Vnexprees))

Trong trường hợp cần thu thập chứng cứ tại nước ngoài thì cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp về việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; trao đổi thông tin; và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự. Việc Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự phải được lập thành văn bản dưới hình thức ủy thác tư pháp về hình sự theo quy định.

Trong trường hợp, có yêu cầu hợp tác hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nước ngoài, quy trình tương trợ tư pháp hình sự cụ thể là hỗ trợ từ Việt Nam sẽ được tiến hành theo quy định tại Điều 23 Luật Tương trợ tương pháp 2007, quá trình hỗ trợ tư pháp về hình sự thực hiện như sau:

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước yêu cầu là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao.

Trường hợp ủy thác tư pháp về hình sự không thực hiện được hoặc quá thời hạn mà nước ngoài yêu cầu hoặc cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nêu rõ lý do để Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu.

Theo luật sư Phạm Hoài Nam: Về mặt pháp luật đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về việc điều tra, hợp tác điều tra trong vụ việc trên. Quá trình điều tra đầy đủ là căn cứ để xử lý đúng đắn, triệt để loại tội phạm trên.

Giải pháp nào để ngăn chặn hoạt động đưa người đi nước ngoài trái phép ?

Theo tìm hiểu của Phóng viên, ở rất nhiều tỉnh thành như Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình đã và đang có tình trạng vượt biên trái phép để tìm một việc làm được hứa hẹn với mức thu nhập cao. Các cơ quan chức năng của Nghệ An, từng khởi những đường dây lớn đưa 400 người đi nước ngoài.

Còn nhớ, trước vụ án nghiêm trọng này, trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình) đã xảy ra những vụ án tương tự khi nhiều người dân nghe theo lời rủ rê vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng có thu nhập cao. Tuy nhiên, lời hứa về một viễn cảnh có “công việc ổn định, lương cao” không thấy mà ngược lại cuộc sống người dân đã khó khăn giờ đây càng thiếu thốn hơn. Nhiều người bị cơ quan sở tại bắt giữ, mất hết tiền trong thời gian lao động và còn bị phạt nếu muốn chuộc người về Việt Nam.

Ở nhiều địa phương mặc dù chính quyền đã thường xuyên động viên, tuyên truyền cho người dân phải tìm việc làm ăn chính đáng nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân vẫn tìm cách trốn đi nên chính quyền địa phương khó quản lý.

Trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Văn Vĩ, Trưởng phòng An ninh điều tra , Công an tỉnh Quảng Bình nơi đã và đang có nhiều người dân vì mưu sinh nên phải trốn đi nước ngoài cho biết: “Tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, những lao động này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền lương, không được các cơ quan chức năng quản lý lao động nước ngoài bảo vệ lợi ích hợp pháp.

Khi sự kiện 39 người chết trong container ở Anh được báo chí trong nước và quốc tế phản ánh rầm rộ. Báo chí tiếp cận với những gia đình có con mất liên lạc trên đường sang Anh lao động. Những gia đình này cho biết họ phải bỏ ra hàng tỉ đồng để đưa con sang Anh làm việc với hứa hẹn được nhận lương cao. Khát vọng làm giàu, kiếm tiền đã khiến những người lao động bất chấp tính mạng.

Từ thực tế đó cho thấy, bên cạnh giải pháp pháp luật để xử lý nghiêm những người vi phạm, thì để hạn chế triệt để tình trạng người dân đi nước ngoài “ chui”, đi nước ngoài trái phép, lại cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về mặt xã hội. Phải chăng, lúc này nhiệm vụ “kiến thiết” thêm những việc làm, mở rộng thị trường lao động quốc tế… là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng?!

Hành vi tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép là hành vi phạm tội, bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội danh và hình phạt được quy định như sau.

“Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ 5 người đến 10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Minh Hải

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh: Tố tụng theo qui định nào? Giải pháp để ngăn chặn hoạt động đưa người đi nước ngoài trái phép ?" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin