(Pháp lý) - Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các SDGs, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững. Theo đó, Quốc hội đã xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
8 mục tiêu cơ bản
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, còn gọi là Mục tiêu Thiên niên kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này - MDGs (viết tắt từ tiếng Anh Millennium Development Goals) được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000 tại trụ sở Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
8 mục tiêu và những chỉ tiêu được lượng hóa kèm theo trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bổ sung trong phiên họp lần thứ 62, tháng 10 năm 2007 bao gồm: Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; Xóa bỏ tình trạng chênh lệch về giới tính ở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tốt nhất là vào năm 2005 và ở mọi cấp không chậm hơn năm 2015; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Chặn đứng và bắt đầu thu hẹp sự lây lan của HIV/AIDS vào năm 2015; Đảm bảo sự bền vững của môi trường; Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển.
Tiếp đó, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 diễn ra từ ngày 25-27/9/2015, New York.
Đây là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Nó giúp tăng cường hoà bình trên toàn thế giới. Vấn đề xoá đói giảm nghèo sẽ được thực hiện dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh, bao gồm cả những vùng nghèo đói nhất. Đó là một thách thức toàn cầu rất lớn và là yêu cầu bức thiết cho sự phát triển bền vững.
Việt Nam với những tiến bộ ấn tượng
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đã hoàn thành một số mục tiêu – ví dụ Mục tiêu 1 về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói – từ trước thời hạn 2015. Trong tất cả các Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở Mục tiêu Thiên niên kỷ 1 về giảm nghèo. Việt Nam đã giảm được 75% tỷ lệ nghèo, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008; Tỷ lệ thiếu đói giảm hơn 2/3, từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 2008. Tỷ lệ nghèo đã giảm đi ở tất cả các nhóm nhân khẩu, các khu vực thành thị cũng như nông thôn và trên khắp các vùng miền địa lý. Kết quả đạt được trong việc hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng rất lớn, giảm từ 41% xuống còn 11,7% năm 2011.
Việt Nam đã có được những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 2009, tỷ lệ nhập học sinh ở cấp tiểu học là 95,5%, tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 88,2% và tỷ lệ người dân từ 15-24 tuổi biết đọc biết viết là 97,1%.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn về các mục tiêu bình đẳng giới. Việt Nam đã rất thành công trong việc nâng cao tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 73% trong khi tỷ lệ của nam giới là 82%. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội là 24,4%.
Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh, với cả hai tỉ lệ trên đều giảm một nửa từ năm 1990 đến năm 2006. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao tiếp cận sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; kế hoạch hóa gia đình; tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; xây dựng các chương trình, chính sách và luật pháp về sức khỏe sinh sản và quyền, cũng như các dịch vụ có chất lượng tới người nghèo và các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách liên quan đến HIV vào năm 2012. Một chiến lược quốc gia mới về HIV đến năm 2015 phù hợp với các mục tiêu toàn cầu đã được thông qua. Việt Nam cũng đã phê duyệt chương trình Mục tiêu Quốc gia đầu tiên về HIV/AIDS cho giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được những tiến bộ ấn tượng như vậy song Việt Nam vẫn có khả năng không đạt được mục tiêu của MDG trong việc đẩy lùi dịch HIV/AIDS.
Các bước tiến rất ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống sốt rét cho thấy Việt Nam đã đạt được mục tiêu MDG về phòng, chống sốt rét. Việt Nam cũng được công nhận là đã khống chế rất tốt các dịch bệnh khác như SARS, H5N1 và H1N1.
Trong khi đó, năm 2011, 92% hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch an toàn, tăng lên từ mức 78,7% vào năm 2000. Tỷ lệ dân sống trong nhà tạm giảm từ 15,9% năm 1999 xuống còn 7,8% năm 2009.
Công tác giảm nghèo và phát triển bền vững có mối liên hệ mật thiết với các hoạt động thương mại xóa nợ và viện trợ, và có thể được thúc đẩy tốt hơn thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển kể từ năm 2000, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mở rộng hợp tác với ASEAN, làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong một nhiệm kỳ (2008-2009), và tham gia trong một số hiệp định thương mại tự do mới. Để đảm bảo công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước, cần có những mối quan hệ đối tác liên tục và mở rộng ở tất cả các lĩnh vực trong những năm sắp tới.
Thực tiễn đã khẳng định giảm nghèo là một trong những thành công nhất của Việt Nam trong 25 năm qua. Tỷ lệ nghèo tính theo chi tiêu giảm từ 58,1% (1993) xuống 14,2% năm 2010, 9,88% năm 2015 và xuống dưới 7% vào cuối năm 2017, đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng đói nghèo. Tỷ lệ nghèo cũng giảm mạnh theo tiêu chí thu nhập và đa chiều.
Báo cáo quốc gia về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (năm 2015) đã đánh giá “Việt Nam là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn”.
Vai trò to lớn của cải cách thể chế
Đạt được những thành tựu to lớn đó, có vai trò của Quốc hội trong hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát tối cao. Trong hơn 15 năm kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh... Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu, về đầu tư cho y tế, khoa học công nghệ,… để đảm bảo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao đối với tất cả các hoạt động của cơ quan Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu; về đầu tư cho y tế, khoa học và công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các điều ước, công ước quốc tế.
Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Chương trình nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách của nhà nước. Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thốngchính sách pháp luật làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế.
Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, mà gần đây nhất là Tuyên bố Hà Nội về “Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015- Biến lời nói thành Hành động” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức vào đầu năm 2015 tại Việt Nam. Ngoài ra, Quốc hội cũng chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững và sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu.
Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong cũng đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị về nội dung này, ông Martin Chungon bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hợp tác của Quốc hội Việt Nam, sẽ có nhiều kết quả đạt được trong thời gian tới, tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đây là trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với các nghị viện. Ông hy vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong việc đảm bảo các mục tiêu về dinh dưỡng, cũng như nâng cao tỷ lệ trẻ em được nuôi bằng sữa mẹ.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đã nêu bật những ưu tiên toàn cầu rõ ràng cho phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt nghèo đói vào năm 2030, giải quyết bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu, trong khi đó vẫn đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Các mục tiêu này mang tính phổ quát và có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia. Ông Kamal Malhotra bày tỏ vui mừng khi chứng kiến Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ biến các Mục tiêu Phát triển bền vững thành chương trình hành động; việc tổ chức, tham gia của Quốc hội, Chính phủ tại các hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan...; đồng thời cho biết, những hoạt động này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực.
Nguyễn Minh Khôi