Vì sao GDP suốt 7 năm đã “bỏ sót” 76.000 doanh nghiệp?

Khi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp, chiếm đến 70% là trong lĩnh vực dịch vụ.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Sau khi Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại theo thông lệ quốc tế, quy mô Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010-2017 bình quân mỗi năm tăng 25,4%.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thay đổi lớn nhất về quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP, đó là: (1) Bổ sung thông tin từ tổng điều tra;(2) Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; (3) Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và (4) Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm (5) Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.

"Khi chúng tôi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này, đa phần là số lượng doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế.

Các doanh nghiệp này nằm ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Bên cạnh đó, trong lần rà soát, đánh giá lại quy mô GDP lần này, ngành Thống kê cũng thu thập được số liệu của 136 doanh nghiệp thuộc 2 Bộ: Quốc phòng và Công an", ông Lâm nói.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự bỏ sót một số lượng doanh nghiệp lớn như vậy, ông Lâm cho rằng có cả yếu tố khách quan và chủ quan. "Điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu của ngành Thống kê. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên hàng năm chúng tôi chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần. Do vậy, đã dẫn đến hiện tượng bỏ sót số liệu", ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, về góc độ về sử dụng dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin thống kê, cũng có những bất cập về số liệu. Trước đây, khi chưa có sự chia sẻ số liệu, giữa 3 cơ quan: Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp có sự vênh nhau khá lớn, do mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau: Trong khi cơ quan đăng ký kinh doanh có được số liệu số lượng doanh nghiệp được thành lập; cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế; thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, gần đây, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung mới.

Cũng theo ông Lâm, khi số liệu đánh giá lại quy mô GDP được công bố, chỉ đơn thuần là ngành Thống kê cung cấp cho xã hội với những cơ quan chức năng, với các chuyên gia, các nhà khoa học và công chúng số liệu xác thực hơn để có thể thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới. GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế.

Do đó, đây chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/tai-chinh/vi-sao-gdp-suot-7-nam-da-bo-sot-76000-doanh-nghiep-3520394.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin