Vi phạm khai báo y tế và lệnh cách ly phòng chống dịch Covid – 19: Chế tài của Việt Nam và các nước trên thế giới

04/05/2021 13:15

(Pháp lý) - Khai báo y tế, cách ly theo dõi là những biện pháp cần thiết đầu tiên để đảm bảo ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Khi chính phủ đã quyết định biện pháp khai báo y tế, cách ly theo dõi thì tất cả các công dân đều phải thực hiện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn xã hội, phòng chống dịch bệnh. Trường hợp công dân cố tình không chấp hành khai báo, cách ly y tế thì sẽ bị áp dụng các chế tài xử phạt theo quy định pháp luật. Trước diễn biến phức tạp của dịch covid – 19, nhiều nước đã áp dụng các chế tài mạnh, kể cả chế tài hình sự.

Nhiều trường hợp cố tình không khai báo, khai báo gian dối, trốn tránh cách ly

Ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, Việt Nam đã áp dụng khai báo y tế, sau đó áp dụng biện pháp mạnh hơn là cách ly khách từ vùng dịch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cố tình không chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng. Điều này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm phức tạp thêm tình hình, cản trở công tác phòng chống dịch bênh, gây lo lắng cho cộng đồng.

Những trường hợp cố tình không khai báo, khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, cần xử lý nghiêm.

Pháp luật Việt Nam đã có các chế tài xử lý nghiêm minh.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao… Do đó, khai báo y tế, thực hiện cách ly theo dõi là những biện pháp cần thiết đảm bảo ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Những ai cố tình không chấp hành khai báo, cách ly y tế thì sẽ bị áp dụng các chế tài nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của Pv, Điều 6, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây : Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền .

Điều 9, Nghị định 176 cũng quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ; Không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ; Không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh .

Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế sẽ bị phạt theo quy định tại điều 10 của Nghị định 176. theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Ngoài hình thức xử phạt hành chính nêu trên thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Đặc biệt, trong trường hợp trốn khai báo hoặc trốn cách ly… gây lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi như: làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu từ cá nhân đó gây ra việc dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ trưởng Bộ Y tế); làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên…

Những chế tài mạnh tay của các nước trên thế giới

Rất nhiều nước đưa ra hình phạt nghiêm khắc gồm cả phạt tiền và phạt tù đối với hành vi che giấu lịch sử đi lại, trốn cách ly… trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất thường hiện nay.

Tại Hàn Quốc, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật nhằm chống lại sự bùng phát dịch. Theo đó, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến một năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200 USD).

Nhiều nước đưa ra chế tài nghiêm khắc gồm cả phạt tiền và phạt tù đối với hành vi che giấu lịch sử đi lại, trốn cách ly…

Còn tại Nga, bất kỳ ai xem thường quy định này có nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật, bao gồm án tù lên tới 5 năm.

Tại Nhật bản, theo Đạo luật về phòng chống các bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm quy định Bất cứ ai tạo ra mối nguy hiểm công cộng bằng cách tự phát ra mầm bệnh hoặc tương tự sẽ phải chịu án tù trong thời gian 2 năm hoặc lâu hơn hoặc phạt đến 10 triệu yên.

Trong khi đó ở Singapore, bất kỳ ai vi phạm đạo luật về các bệnh truyền nhiễm của nước này cũng có thể bị phạt lên tới 10.000 đôla Singapore hoặc 6 tháng tù dù là lần đầu vi phạm. Bộ Y tế Singapore nhắc nhở công chúng rằng dưới đạo luật này, bất kỳ ai che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác về lịch sử đi lại đều phạm tội.

Còn tại Israel, những người trở về từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Thái Lan… được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Ai cố ý vi phạm lệnh cách ly có thể bị phạt 7 năm tù. Riêng những trường hợp vi phạm vì vô ý có thể bị phạt 3 năm tù.

Thiết nghĩ, việc tuân thủ và thực hiện nghiêm các biện pháp mà cơ quan chức năng đề ra không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà còn thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của mỗi người dân chúng ta./.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Vi phạm khai báo y tế và lệnh cách ly phòng chống dịch Covid – 19: Chế tài của Việt Nam và các nước trên thế giới" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin